Quảng Nam: Triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch
18/09/2021 | 15:26Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Quảng Nam và Đà Nẵng là 2 điểm đến bị ảnh hưởng nặng nề nhất: nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ kiệt quệ, không còn khả năng duy trì, tồn tại; doanh nghiệp lớn chỉ giữ lại rất ít lao động chủ chốt, tuy nhiên về lâu dài cũng rất khó khăn. Trước thực trạng đó, Sở VHTTDL Quảng Nam đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tháo gỡ khó khăn, tìm phương hướng, giải pháp phục hồi trong trạng thái bình thường mới.
Theo số liệu thống kê của Sở VHTTDL Quảng Nam, hiện có trên 90% doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch, lữ hành, khu điểm du lịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động, 10 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nộp hồ sơ xin thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành; khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm và thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đang khó khăn với các khoản nợ: ngân hàng, thuế, bảo hiểm..., có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay... và đang đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản.
Năm 2020, các chỉ tiêu về lượng khách và doanh thu du lịch tỉnh Quảng Nam sụt giảm mạnh; tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 1.467.400 lượt khách, giảm 81% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 82% so với số kế hoạch, trong đó: khách quốc tế ước đạt 763.900 lượt khách, giảm 83,6% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 84,3% so với số kế hoạch; khách nội địa ước đạt 703.500 lượt khách, giảm 77,5% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 78,4% so với số kế hoạch. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch năm 2020 ước đạt 1.068 tỷ đồng, giảm 82,7% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 85% so với kế hoạch. Thu nhập xã hội từ du lịch năm 2020 ước đạt 2.510 tỷ đồng.
Tiếp tục 09 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh, thành phố phía Nam và phía Bắc, do đó mọi giải pháp, nhiệm vụ triển khai phục hồi du lịch trên địa bàn tỉnh khó thực hiện. Trong 09 tháng đầu năm 2021, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 326.300 lượt khách, giảm 77,6% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 94,5% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu du lịch 09 tháng đầu năm 2021 ước đạt 121 tỷ đồng, giảm 88,5% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 97,3% so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập xã hội từ du lịch 09 tháng năm 2021 ước đạt 284 tỷ đồng.
Trước thực tế đó, Sở VHTTDL Quảng Nam đã triển khai một số giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, chuẩn bị các điều kiện để bắt tay phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Cụ thể, thời gian qua, Sở đã tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa tháo gỡ khó khăn, tìm phương hướng, giải pháp phục hồi phát triển du lịch. Triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của dịch bệnh phù hợp với trạng thái bình thường mới; giảm mức thu phí tham quan trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; tiếp tục giảm phí tham quan một số điểm trên địa bàn thành phố Hội An và mức hỗ trợ phục hồi, phát triển du lịch; ban hành, hướng dẫn Quy chế tổ chức đón tiếp, bàn giao, quản lý, điều hành và bảo vệ khu cách ly tập trung có thu phí tại khách sạn; đề xuất lựa chọn 22 cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo các điều kiện cách ly y tế đón khách nhập cảnh và tổ chức đón khách quốc tế nhập cảnh bằng các chuyến bay charter về cách ly tập trung. Tính đến ngày 16/9/2021, đã có 118 hướng dẫn viên du lịch bị mất việc làm, gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 được hỗ trợ; đã tiêm vaccine cho 1.916 lao động ngành du lịch tỉnh Quảng Nam, chiếm 10,3% tổng lao động (18.000 người).
Cùng với đó, Sở VHTTDL Quảng Nam cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhằm phục hồi ngành du lịch trong thời gian tới: Tiếp tục xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, lao động du lịch năm 2022-2023 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ chính trị phục hồi, phát triển Ngành Du lịch của tỉnh.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2025, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ; Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, quảng bá và xúc tiến du lịch; Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch; Hoàn thiện Phương án phương án đón khách du lịch quốc tế đến Quảng Nam bằng chuyến bay charter theo mô hình hộ chiếu vaccine;... để góp phần phục hồi, phát triển du lịch sau thời gian dịch bệnh; Phát triển nguồn nhân lực du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số lĩnh vực du lịch; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn và hấp dẫn./.