Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Nam hướng đến du lịch xanh

28/05/2022 | 16:57

Trong thời gian qua, cùng với chủ trương kích hoạt lại hệ thống hạ tầng du lịch và thu hút nguồn nhân lực, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, tạo ra sản phẩm du lịch mới theo hướng xanh, thân thiện với môi trường. Nhờ đó, Quảng Nam bước đầu đã thu hút được sự chú ý, cuốn hút du khách trở lại sau hai năm đóng cửa do đại dịch...

Quảng Nam hướng đến du lịch xanh - Ảnh 1.

Hội An, điểm đến hấp dẫn du khách.

Ðể phát triển du lịch bền vững, nhất là sớm phục hồi hoạt động du lịch, Quảng Nam đề ra nhiều giải pháp đột phá. Cùng với tổ chức có hiệu quả các sự kiện trong Năm du lịch quốc gia 2022, việc công bố Bộ tiêu chí về du lịch xanh của tỉnh đã mở đường cho các nhà đầu tư và các địa phương trong việc khơi dậy, khai thác tiềm năng phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Sản phẩm du lịch mới, độc đáo

Từ khi Khu phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, nhiều cơ hội thuận lợi mở ra cho Quảng Nam trong phát triển du lịch, dịch vụ. Lượng du khách ngày càng tăng. Du lịch trở thành ngành mũi nhọn ở địa phương. Tuy nhiên, quá trình khai thác, phát triển du lịch cũng đã gây nhiều áp lực lên các di sản, nảy sinh nhiều bất cập trong quản lý, khai thác và bảo tồn giá trị di sản văn hóa.

Ðể giải bài toán này, những năm qua, Quảng Nam đã có chủ trương khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, hưởng ứng chủ trương của tỉnh, nhất là nhằm giảm tác động lên khu phố cổ, thành phố Hội An đã mạnh dạn kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư mở rộng không gian du lịch, xây dựng các điểm du lịch mới tại làng quê ven phố cổ, các dịch vụ du lịch ở nông thôn trên cơ sở phát huy tài nguyên văn hóa và giá trị nhân văn kết hợp khai thác tài nguyên sinh thái. Với chủ trương đẩy mạnh du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, Hội An đã khuyến khích, hỗ trợ các làng nghề đổi mới phương thức hoạt động, theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với du lịch nhằm tạo ra chuỗi giá trị mới.

Ðến nay, Hội An bảo tồn và khai thác du lịch có hiệu quả ở các làng nghề truyền thống như: Mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, tre-dừa nước Cẩm Thanh, quất-hoa cây cảnh Cẩm Hà... Từ khi hình thành các tua du lịch sinh thái, du lịch làng nghề: Rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, sông nước Cẩm Thanh, biển đảo Cù Lao Chàm, đồng ruộng ao hồ Cẩm Châu... đã giúp cho du khách, nhất là khách quốc tế có điều kiện trải nghiệm, khám phá di tích, truyền thống văn hóa, phong cảnh và cuộc sống của người dân địa phương.

Mới đây, thị xã Ðiện Bàn cũng đã xây dựng và đưa Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú, Gò Nổi (xã Ðiện Phong) vào hoạt động. Ðiểm du lịch này nằm ven sông Thu Bồn, cách Hội An hơn 15km về phía tây và cách thành phố Ðà Nẵng khoảng 30km về phía nam. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình thị xã Ðiện Bàn Phan Thị Thái Hoa chia sẻ, Khu du lịch cộng đồng Cẩm Phú nằm giữa hai Di sản văn hóa thế giới: Khu phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, nên tiện đi lại. Du khách đến đây sẽ được đi thăm các di tích, xem sản phẩm điêu khắc gỗ, xem ngư dân đánh bắt thủy sản trên sông Thu Bồn; được nghe giới thiệu về câu chuyện canh tác hoa màu của người dân trên bãi bồi ven sông, thưởng thức món ăn đặc sản xứ Quảng, nghe hòa tấu dân ca và trải nghiệm những trò chơi dân gian ở địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, việc đưa Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú trên vùng đất Gò Nổi vào hoạt động là một việc làm thiết thực trong Năm du lịch quốc gia 2022. Ðây là một vùng đất sở hữu nhiều giá trị tự nhiên, văn hóa, xã hội, lịch sử độc đáo; lưu giữ nhiều nghề truyền thống như: Ðiêu khắc gỗ nghệ thuật, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa… và là điểm du lịch sinh thái mới xuất hiện trên bản đồ du lịch xanh Quảng Nam.

Hướng đến trung tâm du lịch xanh quốc gia

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương đầu tư phát triển du lịch xanh và coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược du lịch của tỉnh. Cuối tháng 3 vừa qua, tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo "Quảng Nam phát triển du lịch xanh-Gìn giữ giá trị bản địa" và công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam. Ðã có 14 doanh nghiệp, cơ sở du lịch cam kết thực hiện Bộ tiêu chí.

Quảng Nam hướng đến du lịch xanh - Ảnh 2.

Du khách đi thuyền trên sông Hoài.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, cùng với phát triển các sản phẩm mới theo mô hình sinh thái, du lịch xanh, từ đầu năm đến nay, Quảng Nam đã tổ chức thành công nhiều hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Năm du lịch quốc gia, thu hút đông đảo người dân và du khách. Trong bốn tháng đầu năm, toàn tỉnh đã đón hơn 382 nghìn lượt khách (tăng 53,4% so cùng kỳ năm trước); riêng trong dịp lễ 30/4 và 1/5, đón hơn 200 nghìn lượt khách đến tham quan, lưu trú.

Mới đây, Quảng Nam đã khai trương Hệ thống du lịch thông minh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, quảng bá hình ảnh du lịch cho đơn vị, doanh nghiệp, người dân và du khách. Ðáng chú ý, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành kế hoạch về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh phục hồi, kích cầu du lịch. Trọng tâm là tổ chức thực hiện tốt Năm du lịch quốc gia 2022, thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, xem đây là cơ hội để kích cầu du lịch, lấy lại đà tăng trưởng, đồng thời triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư du lịch; đẩy mạnh triển khai chương trình liên kết hành động với các tỉnh, thành phố, sớm xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa đón khách theo lộ trình phù hợp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, Quảng Nam tiếp tục giảm phí tham quan một số điểm trên địa bàn thành phố Hội An; đẩy mạnh du lịch theo hướng "Du lịch xanh-Du lịch an toàn"; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn tạo sản phẩm du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đêm; nghiên cứu khai thác loại hình du lịch tàu biển Chu Lai, Kỳ Hà, du lịch dọc ven biển.

Theo Kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2025, tỉnh chú trọng triển khai các nhóm giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng, chống dịch và hoạt động kinh doanh du lịch. Với chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả, tới đây, Quảng Nam sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, kích cầu du lịch; nâng cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Trước mắt, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Ðông Giang (huyện Ðông Giang) sẽ được đưa vào hoạt động, góp phần giải quyết lao động, tăng thu nhập cho người dân và tạo bước đột phá về du lịch ở khu vực miền núi của tỉnh.

Theo Nhandan

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×