Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Nam định hình du lịch xanh với kỳ vọng đa dạng sản phẩm

24/03/2022 | 15:02

Phát triển du lịch xanh trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử; xây dựng sản phẩm du lịch xanh gắn kết, chia sẻ lợi ích cộng đồng là hướng đi mới của Quảng Nam trong Năm Du lịch Quốc gia 2022.

Quảng Nam định hình du lịch xanh với kỳ vọng đa dạng sản phẩm - Ảnh 1.

Khách du lịch trong và ngoài nước tham quan phố cổ Hội An.

Tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch mới, mở rộng không gian du lịch, liên kết các điểm đến, gắn với quảng bá xúc tiến du lịch nhằm thu hút du khách, khôi phục du lịch, khai thác bền vững nguồn tài nguyên, đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh đang là hướng đi mới của tỉnh Quảng Nam.

Phát triển du lịch xanh trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Phó Trưởng Ban Tổ chức Năm Du lịch Quốc gia-Quảng Nam 2022 Nguyễn Trùng Khánh phân tích, chất lượng sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng để thu hút du khách, nhất là trong bối cảnh du lịch đang khôi phục sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Du lịch xanh là loại hình còn mới mẻ nhưng chắc chắn sẽ phát triển tốt, có chỗ đứng vững chắc vì nền tảng của loại hình du lịch này dựa trên các giá trị lịch sử, văn hóa, sinh thái, nguồn tài nguyên quý giá của Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.

"Năm 2022, tỉnh Quảng Nam đăng cai Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam điểm đến du lịch xanh. Đây là cơ hội tuyệt vời để Quảng Nam tiếp tục thu hút đầu tư dự án du lịch sinh thái trên địa bàn, tiếp tục đa dạng các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch; triển khai dự án lớn, tạo sự liên kết vùng và phát triển cân bằng giữa vùng Đông và vùng Tây, đẩy mạnh phát triển du lịch phía Nam, du lịch biển đảo, tạo ra mối liên kết giữa du lịch sinh thái và du lịch văn hóa," Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch tin tưởng.

Đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng vào du lịch xanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chia sẻ du lịch xanh còn có hàm nghĩa là bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ bản sắc của đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chương trình hành động nhằm cụ thể hóa việc bảo vệ môi trường rừng, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa của đồng bào gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đây là nền tảng vững chắc để Quảng Nam phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử.

Bên cạnh việc khai thác bền vững các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, trầm tích văn hóa của cộng đồng cư dân vùng đồng bằng, cư dân vùng ven biển, Quảng Nam tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch về vùng sâu trong đất liền, khai thác bền vững, hợp lý tài nguyên môi trường, bản sắc văn hóa độc đáo còn nguyên sơ của đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng sản phẩm du lịch xanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Nói về du lịch xanh, không thể không nhắc đến du lịch biển đảo - nguồn tài nguyên vô giá của tỉnh Quảng Nam. Du lịch biển đảo Quảng Nam đã và đang trở thành sản phẩm du lịch có sức hút mạnh đối với du khách trong, ngoài nước.

Trước mùa du lịch biển đảo năm nay, nhất là sau sự cố lật ca nô đáng tiếc trên vùng biển Cửa Đại-Hội An, ngành chức năng của tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để không những đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách mà còn góp phần khẳng định thương hiệu du lịch biển đảo.

Bí thư Thành ủy thành phố Hội An Trần Ánh khẳng định hiếm nơi nào như Hội An, vừa có đô thị cổ là Di sản văn hóa thế giới, vừa cận kề sông nước, biển và hải đảo.

Hệ thống kênh rạch chằng chịt, bao bọc và phân cắt địa hình, tạo nên những vùng sinh thái đan xen với các làng nghề truyền thống. Biển đảo Cù lao Chàm gắn liền với Khu Dự trữ sinh quyển thế giới là minh chứng rõ nét về sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên, là "tài sản của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu" như nhận định của UNESCO.

Do đó, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên biển đảo gắn với phát triển du lịch sinh thái biển đảo bền vững, du lịch xanh đã, đang và sẽ là sự lựa chọn của Hội An.

Xây dựng sản phẩm du lịch xanh, gắn kết, chia sẻ lợi ích với cộng đồng

Khảo sát để kết nối các tuyến, các điểm đến trong tour du lịch xanh, Phó Giám đốc Saigontourist Chi nhánh Đà Nẵng Trần Lực đề xuất xây dựng được sản phẩm du lịch có chất lượng đã khó, song giữ gìn và phát huy bền vững những sản phẩm du lịch có chất lượng càng khó hơn.

Do vậy, để giữ được chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, nhất là khách đến từ thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, các gói dịch vụ như hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực, dịch vụ lưu trú, ẩm thực... có vai trò đặc biệt quan trọng.

Quảng Nam định hình du lịch xanh với kỳ vọng đa dạng sản phẩm - Ảnh 2.

Cù lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (5/2009).

"Khách châu Âu và Bắc Mỹ là dòng khách chất lượng cao, yêu cầu về dịch vụ cũng khá cao nhưng không quá cầu kỳ. Họ thích trải nghiệm, thích khám phá những điều mới lạ, gần gũi, hòa lẫn với thiên nhiên, với con người Việt Nam đôn hậu và mến khách. Tỉnh Quảng Nam đang tiên phong trong du lịch xanh, do vậy cần tiếp tục đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Mặt khác, Quảng Nam cần nâng cấp các tour, tuyến, các loại hình dịch vụ phù hợp, nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, các hoạt động tham quan, khám phá biển đảo, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử một cách bền vững và chia sẻ lợi ích với cộng đồng" - Phó Giám đốc Saigontourist Chi nhánh Đà Nẵng Trần Lực nêu quan điểm.

Định hình du lịch xanh với kỳ vọng đa dạng sản phẩm du lịch trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử, hài hòa với thiên nhiên là hướng đi đầy triển vọng của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này "bám rễ" vào nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển bền vững cần phải có sự đồng thuận của cộng đồng, cộng đồng được hưởng lợi.

Lấy điển hình từ các mô hình cộng đồng cùng chính quyền bảo vệ môi trường, xây dựng sản phẩm du lịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: "Từ chỗ sinh kế khá bấp bênh, người dân thôn Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp đã kiểm soát tốt mọi hoạt động trong nuôi trồng, khai thác hải sản và phát triển dịch vụ du lịch thông qua làm tiểu khu quản lý bảo tồn biển cho cộng đồng tự tổ chức quản lý, khai thác và phát triển sinh kế song hành với các mục tiêu của khu bảo tồn biển.

Sau gần mười năm hoạt động, mô hình đã đáp ứng được sự mong đợi của chính quyền và khu bảo tồn biển. Một trong những sản phẩm du lịch độc đáo là phục hồi rạn san hô để phục vụ nhu cầu lặn biển của du khách, nhất là khách quốc tế.

Trong mô hình này, người dân xã đảo Tân Hiệp đã làm chủ công nghệ, hỗ trợ cho khu bảo tồn biển xây dựng các khu vườn ươm, phục hồi hàng chục nghìn tập đoàn san hô cứng, làm chỗ trú ẩn cho hàng chục loài thủy sản có giá trị kinh tế cao trú ngụ và phát triển nhanh. Trước khi dịch COVID-19 ập đến, những mô hình này góp phần đưa thu nhập của người dân thôn Bãi Hương đạt gần 53 triệu đồng/người/năm."

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng, Quảng Nam có tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch cộng đồng. Trầm tích văn hóa từ vùng đồng bằng, ven biển đến vùng miền núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số thể hiện trên các lĩnh vực từ di tích lịch sử đến lễ hội dân gian, ẩm thực, âm nhạc dân tộc, làng nghề truyền thống, phong tục tập quán và danh lam thắng cảnh.

Nổi bật là các Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận như Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm-Hội An. Đây là nguồn tài nguyên quý giá sẽ được khai thác một cách hợp lý trong việc xây dựng sản phẩm du lịch xanh.

"Tuy ra đời chưa lâu nhưng du lịch làng nghề như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, Rừng dừa Bảy Mẫu, làng mộc Kim Bồng (thành phố Hội An); làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (thị xã Điện Bàn), Làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (huyện Duy Xuyên), làng du lịch Bhơhôồng, Đhơrôồng (huyện Đông Giang), làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơtu, làng nghề Zara (huyện Nam Giang) đã thật sự để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách."

Đây là tiềm năng và lợi thế của du lịch Quảng Nam trong việc định hình du lịch xanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng tin tưởng./.

Theo TTXVN

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×