Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Bình cần đồng bộ các quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch

03/11/2014 | 14:43

Ngày 30/10, Bộ VHTTDL đã có Thông báo số 3876/TB-BVHTTDL thông báo kết luận của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - Nguyễn Hữu Hoài về công tác văn hóa, thể thao và du lịch của Tỉnh 06 tháng đầu năm 2014.

Sau khi nghe đại diện tỉnh Quảng Bình báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm; ý kiến của các thành viên dự họp, Bộ trưởng đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Quảng Bình đã đạt được trong 06 tháng đầu năm, khẳng định sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và Nhân dân Quảng Bình đối với công tác văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

Để thực hiện tốt công tác quản lý, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trong thời gian tới, đề nghị Tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở đó, đề nghị Tỉnh cần đặt vị trí sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao, du lịch ngang bằng với vị trí của sự nghiệp kinh tế, thể hiện bằng hành động, bằng các dự án cụ thể. Trên cơ sở quán triệt tinh thần Nghị quyết, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Bình cần tham mưu cho lãnh đạo tỉnh triển khai thực hiện thành công các Quy hoạch phát triển Ngành đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Có biện pháp chăm lo đời sống văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian và đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Quảng Bình là địa phương có 2 dân tộc Bru-Vân Kiều và Chứt sinh sống, trong đó, dân tộc Chứt có số dân dưới 10.000 người, đề nghị Tỉnh có kế hoạch và giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy bản sắc của các dân tộc theo quy định.  

Đối với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, đề nghị Tỉnh có sự quan tâm nhiều hơn nữa để những hoạt động này phát triển và có đóng góp ngày càng cao cho nền kinh tế của Tỉnh.

Lĩnh vực du lịch của Tỉnh bước đầu hình thành điểm đến có thương hiệu; 6 tháng đầu năm 2014 lượng khách du lịch của Tỉnh tăng đột biến nhưng chủ yếu là do số lượng khách viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù là tỉnh liền kề với trung tâm du lịch Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam nhưng số lượng khách qua các năm tăng chậm về số lượng, không tăng về chất lượng; doanh thu tăng không đáng kể; các loại hình dịch vụ còn hạn chế. Tỉnh cần có giải pháp tổ chức đẩy mạnh khai thác lợi thế di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa, lịch sử để phục vụ sự phát triển của Tỉnh và của cả nước. Trước mắt, cần nghiên cứu chủ đề “Vương quốc hang động” trong việc tổ chức một sự kiện để làm truyền thông hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tuy phát triển khá về số lượng nhưng cần chú trọng tính thực chất, nâng cao chất lượng, tránh hình thức, chạy theo thành tích.

Số lượng người tập thể thao thường xuyên và số lượng “Gia đình thể thao” theo báo cáo của Tỉnh còn ít. Cần chú ý vận động, khuyến khích phát triển mạnh hơn nữa.

Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội những năm tới theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, đề nghị Tỉnh hoàn chỉnh và thực hiện đồng bộ các quy hoạch. Quy hoạch phát triển văn hóa phải gắn với thể thao, gắn với du lịch và ngược lại.

Đối với quy hoạch về du lịch đề nghị Tỉnh chú ý thực hiện mấy điểm sau: Tách riêng quy hoạch thành phố Đồng Hới và quy hoạch phát triển du lịch bờ biển; lập quy hoạch, xây dựng các khu du lịch 2 bên bờ sông Nhật Lệ; quy hoạch các Khu du lịch sinh thái, tâm linh khu vực Đảo Yến-Vũng Chùa; quy hoạch Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Một số nội dung cần lưu ý trong thời gian tới:

Từ năm 2015 trở đi, trong kế hoạch ngân sách Chính phủ đầu tư cho các ngành, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ không còn các dự án đầu tư thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, thay vào đó là chương trình, mục tiêu về văn hóa, thể thao và chương trình phát triển du lịch của Bộ. Do vậy, Tỉnh cần tính toán xây dựng kế hoạch trung hạn 2016-2020; trong đó, xác định cụ thể những dự án đầu tư phát triển văn hóa, thể thao và những dự án phát triển du lịch cần Trung ương hỗ trợ, báo cáo Bộ.

Việc triển khai thực hiện hoặc phát triển các dự án văn hóa, thể thao, du lịch cần nhất quán thực hiện phương châm “xã hội hóa”, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có tiềm năng hoặc tìm chọn các thị trường có tiềm lực thực thụ.

Trên lĩnh vực thể thao, cần rà soát lại lực lượng vận động viên, động viên khuyến khích những tài năng trẻ. Tỉnh cần tổ chức gặp gỡ, khen thưởng kịp thời những vận động viên đạt giải khu vực hoặc quốc tế.

Đề nghị Tỉnh xem xét tổ chức một số hoạt động hoặc sự kiện để tham gia, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa; riêng đối với hoạt động du lịch, cần tổ chức sự kiện để giới thiệu, quảng bá thương hiệu “Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng”. Để hỗ trợ Tỉnh trong công tác này, trong những tháng tới, giao Tổng cục Du lịch tổ chức Đoàn Famtrip đến Hà Nội và đi đến Quảng Bình để tiếp cận thương hiệu và làm truyền thông về “Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng” nói riêng và du lịch Quảng Bình nói chung.

Theo báo cáo, hiện nay, trò chơi dân gian Bài Chòi còn được biểu diễn ở nhiều nơi trong tỉnh vào các dịp lễ, Tết. Tỉnh cần tổ chức điều tra, kiểm kê, ghi địa chỉ, chú ý làm rõ tính đặc sắc của trò chơi này và tổ chức hội thảo khoa học để phối hợp với Đoàn công tác của Bộ khi về làm việc với địa phương xây dựng hồ sơ về dân ca Bài Chòi. Giao Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh để tiến hành lập hồ sơ đáp ứng yêu cầu của UNESCO và bảo đảm lịch biểu thời gian; đồng thời, đề nghị Tỉnh cử một đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh tham gia Ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Bài Chòi, đóng góp tài chính cho việc xây dựng hồ sơ.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ vùng lõi tại các huyện, Tỉnh cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, bảo đảm nguồn kinh phí được cấp sử dụng đúng mục đích đầu tư.

Về một số kiến nghị, đề xuất của Tỉnh:

Về việc công nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú: Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ, quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, khẩn trương lập Hội đồng xem xét, lập danh sách và gửi về Bộ.

Về đề nghị cấp kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia để trùng tu, tôn tạo điểm di tích quốc gia đặc biệt thuộc đường Hồ Chí Minh: Tỉnh lập dự án gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ.

Về đề nghị rút gọn một số khu vực bảo vệ di tích lịch sử Lũy Đào Duy Từ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ chủ trương của Tỉnh, đề nghị Tỉnh trước khi triển khai, cần tổ chức tham khảo ý kiến các đồng chí lão thành cách mạng và nhân dân tại khu vực.

Về đề nghị bố trí vốn đầu tư xây dựng Nhà thi đấu đa năng và Trung tâm Văn hóa của Tỉnh: Bộ VHTTDL đồng thuận bố trí trong kế hoạch ngân sách trung hạn giai đoạn 2016-2020 để đầu tư xây dựng 02 công trình này; trong đó, đối với Nhà thi đấu đa năng, đề nghị Tỉnh bảo đảm đúng theo quy hoạch được duyệt về phát triển thể dục, thể thao.

Về đề nghị cấp kinh phí cho công trình Nhà Văn hóa thôn Cự Nẫm: Đồng ý cấp 02 (hai) tỷ đồng trong kế hoạch 2015 để tiếp tục thi công công trình. Trong quá trình thi công, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có sự giám sát để bảo đảm công trình xây dựng thể hiện đúng yêu cầu; phần kinh phí còn lại, ngân sách địa phương bố trí và huy động thêm nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân. Đồng ý hỗ trợ Nhà văn hóa thôn Quảng Xá (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) theo quy định.

Giao Tổng cục Du lịch chủ trì phối hợp với Cục Di sản văn hóa và tỉnh Quảng Bình xây dựng quy hoạch Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, trong đó, bổ sung quy hoạch xây dựng tuyến cáp treo. Đề nghị Tỉnh đặc biệt chú ý việc xây dựng tuyến cáp treo trong phạm vi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng bởi đây là Di tích quốc gia đặc biệt, di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO khuyến cáo nên cần thận trọng cân nhắc giữa các lợi ích lâu dài và lợi ích ngắn hạn, nhất là việc giữ được giá trị thiên nhiên-văn hóa của di sản đã được thế giới công nhận để xem xét quyết định.

Về đề nghị hướng dẫn thống nhất bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác gia đình: Đề nghị Tỉnh căn cứ các quy định hiện hành, chủ động thực hiện bảo đảm nguyên tắc không mở rộng bộ máy và không tăng biên chế.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×