Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phú Thọ: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc

19/07/2022 | 14:47

Là tỉnh trung du miền núi có các huyện tiếp giáp văn hóa Mường – Hòa Bình, văn hóa Thái – Sơn La và văn hóa Thái – Nghĩa Lộ, Yên Bái…do đó, văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ cũng mang nhiều sắc thái đặc trưng, có sự đan xen và giao thoa rõ nét.

Trong thời gian qua, công tác xây dựng, triển khai kế hoạch, dự án, đề án về bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm. Trên cơ sở quy định, định hướng của các Bộ, ngành Trung ương về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện.

Công tác kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai. Hiện nay Phú Thọ có 259 di sản thuộc 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phú Thọ: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Diễn xướng dân gian của đồng bào Mường (Thanh Sơn)/Nguồn: Báo Phú Thọ

Tỉnh đã phổ biến sâu rộng Luật Di sản văn hóa gắn với tuyên truyền giáo dục pháp luật để chính quyền, các tổ chức xã hội, đoàn thể nhân dân thấy rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng các dự án trình các cấp nhằm tổ chức sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng một số lễ hội dân gian, một số diễn xướng dân gian của đồng bào các dân tộc như: Mường; Dao; H'Mông; Cao Lan trên địa bàn các huyện miền núi: Thanh Sơn; Yên Lập; Tân Sơn và Đoan Hùng.

Đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới,…Khôi phục và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian. Tạo điều kiện hỗ trợ phát triển phong trào thể dục, thể thao ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Việc truyền dạy văn hóa dân gian, tiếng nói, chữ viết cũng rất được quan tâm qua các hành động cụ thể như: đầu tư phục dựng các diễn xướng dân gian làm cơ sở để bảo tồn tiếng nói, chữ viết người dân tộc thiểu số; khuyến khích sử dụng ngôn ngữ của dân tộc trong sinh hoạt và trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương; truyền dạy các bài hát, làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian; tuyên truyền, quảng bá các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, diễn xướng dân gian của các dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại chúng;…

Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức trưng bày, tuyên truyền, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số vùng đất Tổ trong các chương trình Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc trong cả nước; quảng bá các lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ tới du khách trong và ngoài nước, phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Có thể nói, từ những chỉ đạo và hành động cụ thể, tỉnh Phú Thọ đã cho thấy hiệu quả trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh./.

Hằng Đinh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×