Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phú Thọ: Số hóa trong quảng bá di tích lịch sử, văn hóa

06/04/2023 | 15:00

Thời gian qua, ứng dụng mã QR code đang dần có mặt tại các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, đây là một trong chuỗi các hoạt động được Tỉnh đoàn triển khai với chủ đề: “Tuổi trẻ đất Tổ chuyển đổi số di tích lịch sử - văn hóa – địa chỉ đỏ” qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng thông minh, số hóa, theo xu thế mới của thời đại.

Phú Thọ: Số hóa trong quảng bá di tích lịch sử, văn hóa - Ảnh 1.

Huyện đoàn Lâm Thao triển khai ứng dụng quét mã QR tại Nhà lưu niệm Bác Hồ.

Là một trong những địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc đời hoạt động Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà lưu niệm Bác Hồ, thị trấn Lâm Thao được Huyện đoàn Lâm Thao gắn biển công trình số hóa trong dịp Kỉ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Công trình được xây dựng dựa trên tích hợp hình ảnh, thông tin giới thiệu về di tích trong mã QR, mọi người sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet đều có thể tìm hiểu về di tích. Em Nguyễn Quyết Chiến – học sinh lớp 12A4 Trường THPT Phong Châu chia sẻ: “Ứng dụng quét QR tại địa chỉ đỏ giúp chúng em cũng như du khách có thể tìm hiểu văn hóa, lịch sử truyền thống một cách dễ dàng, thuận tiện nhất đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng, tinh thần cách mạng của địa phương cho thế hệ trẻ chúng em”.

Phú Thọ: Số hóa trong quảng bá di tích lịch sử, văn hóa - Ảnh 2.

Qua các mã quét QR du khách có thể tìm hiểu được bảy hiện vật được trưng bày tại Điểm tư vấn, thông tin và hỗ trợ khách du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Với nội dung thông tin được biên tập, thiết kế rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu, dễ theo dõi gồm hai mục lớn là: Giới thiệu và khám phá, được tích hợp sẵn trong mã QR Code, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh kết nối wifi hoặc Internet và cài ứng dụng quét mã QR Code là có thể nhanh chóng, dễ dàng, chủ động tìm kiếm được thông tin, hình ảnh cần thiết về địa điểm mình đặt chân tới mà không cần sự có mặt của thuyết minh viên.

Cùng với hoạt động của Đoàn thanh niên (ĐTN) các cấp trên địa bàn tỉnh trong việc “số hóa” tại các di tích, lịch sử, địa chỉ đỏ tại các huyện, thành, thị, ĐTN Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch (Sở VH,TT&DL) vừa qua đã đưa ứng dụng thuyết minh tự động thông qua quét QR code đối với các hiện vật văn hóa Mường, Dao trưng bày tại Điểm tư vấn, thông tin và hỗ trợ khách du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn vào phục vụ du khách, gồm bảy hiện vật: Cọn nước, khung cửi, đuống, trống đồng, dụng cụ lao động, trang phục đồng bào Mường, Dao. Ứng dụng đã cung cấp thông tin giới thiệu chung về các hiện vật bằng ngôn ngữ tiếng Việt, nội dung ngắn gọn, đầy đủ những thông tin cần thiết phù hợp với thời gian thăm quan của khách du lịch. Chị Nguyễn Lan Phương, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi không phải mất quá nhiều thời gian để tra Google hay tìm thông tin ở đâu xa, chỉ cần quét QR tại bảng quét là tôi đã có thể hiểu được ý nghĩa, giá trị sử dụng cũng như những nét đặc sắc trong phong tục, tập quán của người dân nơi đây. Nhanh chóng, dễ dàng và tiện lợi vô cùng”.

Phú Thọ: Số hóa trong quảng bá di tích lịch sử, văn hóa - Ảnh 3.

Chỉ cần quét mã QR có sẵn tại điểm di tích, lịch sử... du khách nhanh chóng có được những thông tin hữu ích tại nơi mình tham quan.

Ứng dụng quét mã QR code tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ là sự sáng tạo trong công tác quảng bá điểm đến, mang lại hiệu quả thiết thực đối với du khách. Thay vì cần đi theo đoàn và liên hệ trước để có hướng dẫn viên phục vụ khi tham quan như trước, ứng dụng quét mã QR code cho phép du khách tiếp nhận thuyết minh tự động, hoặc nắm thông tin một cách đầy đủ nhất, tiện lợi nhất và bảo đảm tính chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc... Hơn nữa, việc tích hợp mã QR code vào địa điểm du lịch sẽ giúp du khách tìm hiểu và tham khảo nhiều thông tin hơn so với phương thức truyền tải truyền thống.

Đến nay đã có 11 di tích được ĐTN các địa phương triển công trình thanh niên chuyển đổi số như: Đình Đào Xá, huyện Thanh Thủy; Nhà lưu niệm Bác Hồ, huyện Lâm Thao; Căn cứ Tiên Động huyện Cẩm Khê... Có thể thấy, Công trình thanh niên “Tuổi trẻ đất Tổ chuyển đổi số di tích lịch sử - văn hóa – địa chỉ đỏ” đã thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, trí tuệ và sự sáng tạo của tuổi trẻ trong tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương- mảnh đất cội nguồn dân tộc, từ đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - du lịch.

Theo Báo Phú Thọ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×