Phú Thọ: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch
02/12/2020 | 15:08Trong những năm vừa qua, chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh đã dần được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn của ngành. Tuy nhiên, vẫn còn có những bất cập trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch, đòi hỏi cần đưa ra những giải pháp đổi mới chương trình đào tạo nhân lực ngành du lịch theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hợp tác quốc tế.
Theo số liệu thống kê của ngành du lịch, hiện có hơn 30 doanh nghiệp hoạt động lữ hành và gần 300 đơn vị hoạt động cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch, trong đó số lượng khách sạn đòi hỏi nguồn nhân lực khá lớn. Phú Thọ là tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch với tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú: 1.374 di tích lịch sử văn hóa trong đó tiêu biểu là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Khu di tích lịch sử Đền Mẫu Âu Cơ; 2 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận (Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ); 290 lễ hội; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Đầm Ao Châu… tạo điều kiện cho Phú Thọ phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Vì vậy bên cạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu sử dụng lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp lĩnh vực du lịch thì việc tiếp tục đào tạo nâng cao, bồi dưỡng tay nghề cho các lao động khi đã được tuyển dụng là việc làm hết sức cần thiết.
Qua đánh giá có thể thấy công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh đã được mở rộng và phát triển các mã ngành đào tạo du lịch. Hiện toàn tỉnh có khoảng trên dưới 4000 lao động trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch. Nguồn nhân lực mỏng lại phân bố rải khắp các ngành và vị trí công tác: Từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo ngành du lịch, hệ thống các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh đến các làng nghề, một số bộ phận nghệ nhân, người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Để khắc phục những hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ, hiện các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho ngành với phương châm đào tạo gắn liền với thực tế và nhu cầu của người sử dụng lao động; đề cao việc học lý thuyết đi đôi với thực hành đối với học sinh, sinh viên ngành du lịch”. Tại Trường Đại học Hùng Vương, nhà trường đã hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực du lịch: Công ty cổ phần du lịch-dịch vụ-thương mại Phú Thọ; Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô…để mang đến cho sinh viên ngành du lịch cơ hội được thực hành, thực tập và sớm tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương trong tỉnh cần quan tâm chỉ đạo công tác phát triển du lịch, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch và là cơ sở bố trí các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời, dần xóa bỏ tính chất mùa vụ, nâng cao năng lực doanh nghiệp du lịch, thương mại, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, thu hút lượng khách lưu trú, nâng cao hiệu quả kinh doanh của đơn vị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao và duy trì số lượng lao động chuyên nghiệp thường xuyên. Đối với nhóm trực tiếp (lễ tân, phục vụ buồng, bàn, hướng dẫn viên, đầu bếp…): Phải đảm bảo các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng nghề, khả năng sáng tạo, kỹ năng sống, phối hợp công việc, biết vận dụng công nghệ tiên tiến, ngoại ngữ, đặc biệt là ngoại ngữ chuyên ngành. Luôn đặt lợi ích doanh nghiệp gắn với lợi ích cộng đồng; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch và tuyên truyền quảng bá thu hút khách du lịch…
Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới chương trình đào tạo nhân lực ngành du lịch theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hợp tác quốc tế cần phải được quan tâm đặc biệt nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, tận dụng tối đa những lợi thế tự nhiên và nhân văn, đưa du lịch Đất Tổ phát triển nhanh và bền vững.