Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phú Thọ: Hoạt động du lịch nhiều khởi sắc

06/11/2024 | 16:47

Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020 kéo dài đến đầu năm 2022, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành đã thúc đẩy du lịch Phú Thọ phục hồi nhanh sau đại dịch và phát triển đạt được những kết quả quan trọng.

Phú Thọ: Hoạt động du lịch nhiều khởi sắc - Ảnh 1.

Đông đảo người dân về Lễ hội đền Hùng. (Nguồn: tuoitre.vn)

Cụ thể, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường; nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân đối với vai trò phát triển du lịch bền vững được nâng lên. Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch và thẩm định dự án về du lịch được triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo theo quy định. Nguồn vốn huy động tập trung thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch đạt mức tăng trưởng khá; thu hút được các dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chất lượng cao, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Công tác xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng đất Tổ được chú trọng thực hiện, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch cấp khu vực và quốc tế đã thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, hàng trăm nghìn lượt khách lưu trú trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động Ban chỉ đạo phát triển du lịch có sự phối hợp chặt chẽ; công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường từ cấp tỉnh đến cấp huyện; công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, công tác thông tin tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch được tăng cường đổi mới, tích cực thực hiện ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động quảng bá du lịch và từng bước thực hiện chuyển đổi số ngành du lịch. Nguồn tài nguyên du lịch được chú trọng bảo vệ, đảm bảo phát triển du lịch theo hướng bền vững. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra về an ninh trật tự, an toàn xã hội được thường xuyên thực hiện đảm bảo, góp phần xây dựng môi trường du lịch, hình ảnh du lịch Phú Thọ an toàn, thân thiện, mến khách.

Giai đoạn giai đoạn 2021 - 2024 một số chỉ tiêu hoạt động du lịch đạt tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước: tốc độ tăng trưởng khách lưu trú là 39,6%, ngày khách là 45,3%, tổng doanh thu từ du lịch là 54%, lao động trực tiếp ngành du lịch là 37,2%. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch là 1,2 ngày.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2021 - 2024, từng bước phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa du lịch phát triển thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác chỉ đạo, tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

Phú Thọ: Hoạt động du lịch nhiều khởi sắc - Ảnh 2.

Vể đẹp đồi chè Long Cốc. (Nguồn: Vnexpress)

Thứ nhất, tăng cường huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại 05 trung tâm du lịch trọng điểm nhằm hình thành nên các khu, điểm du lịch hoàn thiện, đồng bộ, sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Huy động tối đa nguồn vốn từ các thành phần kinh tế phục vụ phát triển du lịch từ nguồn lực tài chính trong nhân dân, từ các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đảm bảo cơ cấu nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước chiếm trên 80% tổng nguồn vốn huy động. Tăng cường thực hiện thu hút nguồn vốn khác trong việc đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh, bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.

Thứ hai, chủ động tiếp tục nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Đất Tổ đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế như: Sản phẩm du lịch văn hóa gắn với các giá trị di sản văn hóa thế giới và quốc gia (hát Xoan Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, tín ngưỡng thờ mẫu Âu Cơ, khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng…); sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với khai thác giá trị vườn quốc gia Xuân sơn, đồi chè Long Cốc, sân golf Tam Nông…; sản phẩm du lịch cộng đồng tại vườn quốc gia Xuân Sơn, Hùng Lô, Long Cốc, Bạch Hạc…; sản phẩm du lịch thể thao tại Tam Nông, Việt Trì, Long Cốc, Xuân Sơn; sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với chương trình OCOP, chương trình nông thôn mới; sản phẩm du lịch học đường tại các điểm di tích lịch sử, các di tích cách mạng. Tổ chức định kỳ "Tuần văn hóa - du lịch Đất Tổ" hàng năm với chuỗi các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quy mô lớn vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm tạo "thương hiệu" sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng vùng đất Tổ. Tăng cường đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm vóc quốc gia, quốc tế nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch đến với Phú Thọ.

Thứ ba, chú trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ thông tin hiện đại, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất Tổ. Phát huy sức mạnh truyền thông và đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Đổi mới phương pháp quảng bá tại các hội chợ du lịch thường niên. Tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch ở nước ngoài tại các nước có thị trường khách tiềm năng. Tăng cường sự tham gia của Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức cá nhân kinh doanh du lịch dịch vụ trong hoạt động tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch.

Thứ tư, tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; nguồn nhân lực tại các địa phương phát triển du lịch cộng đồng. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng người dân địa phương tích cực tham gia hoạt động du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện, mến khách. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên tại các di tích, bảo tàng, khu, điểm du lịch; cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch, về thông tin xúc tiến du lịch ở tỉnh và cấp huyện đảm bảo chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thứ năm, nghiên cứu xây dựng và ban hành một số cơ chế hỗ trợ phát triển các khu, điểm du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm, sản vật đặc trưng của tỉnh, sản phẩm quà tặng lưu niệm; cơ chế khuyến khích các đơn vị lữ hành có thương hiệu thường xuyên đưa lượng lớn khách du lịch đến tham quan Phú Thọ…Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chú trọng cải cách hành chính, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư. Xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch, thương mại. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nhà đầu tư trong việc tìm hiểu cơ hội đầu tư, triển khai dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; định kỳ tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ sáu, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện phát triển du lịch. Triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05/12/2023, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng địa phương trong công tác phát triển du lịch, huy động các nguồn lực đầu tư du lịch; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch; giải quyết các vấn đề tháo gỡ khó khăn rào cản về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; các vấn đề tồn tại, bất cập về an ninh trật tự, an toàn xã hội môi trường điểm đến… nhằm tạo môi trường hoạt động kinh doanh du lịch lành mạnh, môi trường du lịch văn minh, an toàn, tiện lợi và xây dựng điểm đến du lịch Phú Thọ hấp dẫn, thân thiện. 


PV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×