Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phú Thọ: Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

14/12/2022 | 16:00

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực, tự giác của các tầng lớp nhân dân, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn tỉnh đã từng bước khắc họa rõ nét, tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt đời sống xã hội, thể hiện không khí thi đua sôi nổi, sâu rộng, tạo động lực thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh.

Phú Thọ: Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - Ảnh 1.

Nhân dân khu 10, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao biểu diễn tiết mục “Vũ điệu kết đoàn” tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân năm 2022.

Xây dựng môi trường văn hóa phát triển

Phong trào TDĐKXDĐSVH thực sự là chủ trương mang “ý Đảng, lòng dân” khi đã tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động, kết hợp được sức mạnh của pháp luật, hệ thống chính trị với dư luận xã hội, thực sự đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Với bốn nội dung, bảy phong trào cụ thể, Phong trào TDĐKXDĐSVH bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp; xây dựng quy ước văn hóa khu dân cư, xã, phường, thị trấn và cơ quan, đơn vị.

Các phong trào tình nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ, vì người nghèo được cán bộ, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, qua đó xây dựng, phát huy môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công sở, văn hóa công vụ và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên để văn hóa thực sự là động lực, đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai thực hiện tốt Phong trào TDĐKXDĐSVH và xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Tân Sơn có 80% số hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”; trên 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 79% khu dân cư văn hóa, 100% khu dân cư được công nhận hương ước, có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa, từng bước củng cố đạt theo tiêu chuẩn do Bộ VH,TT&DL quy định. Ông Trần Văn Giang - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Sơn cho biết: Các phong trào đã tạo không khí thi đua sôi nổi ở nhiều địa phương, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư; xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, đẩy lùi tệ nạn xã hội...

Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, 100% các khu dân cư trên địa bàn tỉnh có nhà văn hóa; trên 4.760 công trình thể thao gồm 11 sân vận động có khán đài, 22 sân vận động không có khán đài, 65 sân bóng đá 11 người, 432 sân bóng đá mini, 1.659 sân cầu lông, 1.752 sân bóng chuyền, 600 điểm vui chơi thể thao công cộng. Trong năm 2022, tỉnh đã khởi công xây dựng công trình Nhà Văn hóa nghệ thuật tỉnh với tổng mức đầu tư gần 400 tỉ đồng, đây là công trình nhằm hiện thực hóa mong mỏi từ lâu của người dân trong tỉnh về một thiết chế văn hóa lớn, có quy mô, đẹp về không gian, kiến trúc để không chỉ đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật mà còn phát triển môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, là điểm nhấn cho du khách khi đến với thành phố Việt Trì.

Phú Thọ: Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - Ảnh 2.

Đội tuyển bắn nỏ Phú Thọ thi đấu tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Tây Bắc lần thứ XV, năm 2022.

Nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến

Khi toàn dân đoàn kết, đồng lòng, cùng nhau gìn giữ, phát huy, nhân rộng những điều hay, cái đẹp, nét riêng... trong đời sống, đồng thời loại trừ, triệt tiêu những hủ tục lạc hậu, những điểm chưa đẹp trong tập quán sinh hoạt để cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, làng bản ngày càng no ấm, văn minh chính là đã tham gia đóng góp cho Phong trào TDĐKXDĐSVH càng thêm sâu rộng.

Với phương châm hướng hoạt động về cơ sở, lấy đoàn kết cộng đồng làm sức mạnh, lấy khu dân cư là địa bàn hoạt động, Phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, tiếp tục khẳng định tính toàn dân, toàn diện và lâu dài, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, tổ chức phát động xây dựng các mô hình điểm; tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng, triển khai nhiều mô hình tự quản ở khu dân cư. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh phong trào thi đua học tập tốt, lao động tốt, phong trào “Học tập suốt đời”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… Phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến tiếp tục được phát động tại các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; trong mỗi dòng họ, mỗi gia đình, gắn với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”.

Ước tính hết năm 2022, toàn tỉnh có 364.798/410.809 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 88,8%; 2.048/2.328 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, đạt 87,9%; tỉ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt 70%.

Năm 2022, tỉnh đã xây dựng một số mô hình và cá nhân tiêu biểu như: Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất, mở rộng diện tích cây vụ Đông, phát triển dịch vụ thương mại tại xã Tất Thắng, Địch Quả, Võ Miếu, Tân Lập, Thắng Sơn, Thục Luyện (huyện Thanh Sơn); Ông Nguyễn Khắc Hiếu (xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba) sản xuất gạch, tạo việc làm cho 40- 50 lao động, thu nhập ổn định từ 8- 10 triệu đồng/người/tháng; ủng hộ xây dựng nông thôn mới hơn 200 triệu đồng; nữ sinh Nguyễn Hạ Quyên (Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn) đã xuất sắc nhận được học bổng Techgirls (học bổng toàn phần ngắn hạn dành cho nữ sinh có đam mê với công nghệ) cùng nhiều cá nhân tích cực tham gia ủng hộ quỹ phòng, chống COVID-19, Quỹ vì người nghèo, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương, gương mẫu trong các phong trào ở khu dân cư, đặc biệt trong Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...

Ông Phùng Đức Lưu - Trưởng khu Đèo Mương 1, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn chia sẻ: So với các nơi khác trong huyện, tỉnh, Đèo Mương còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên tôi nhận thấy rõ nét sự “thay da đổi thịt” của quê hương từ khi thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH. Cùng với đời sống kinh tế ngày càng ổn định, các công trình giao thông, trường học, các câu lạc bộ văn nghệ, TDTT hình thành và phát triển. Điều phấn khởi nhất chính là ý thức tự giác, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc chung tay thực hiện Phong trào.

Phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới đã thực sự đi vào đời sống nhân dân, được mọi tầng lớp nhân dân đón nhận và đồng hành, là cơ sở để giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng quê hương Đất Tổ ngày càng giàu đẹp.

Theo Báo Phú Thọ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×