Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phú Thọ: Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc

09/05/2022 | 15:45

Ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay cho tên gọi Ngày sách Việt Nam trước đây. Sự ra đời của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã đưa văn hóa đọc phát triển lên một tầm cao mới; khẳng định, vai trò và tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc giáo dục, phát triển con người trên chặng đường lâu dài hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội học tập và chấn hưng văn hóa dân tộc.

Phú Thọ: Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc - Ảnh 1.

Nhà trường và các thầy cô giáo đóng vai trò quan trọng trong nuôi dưỡng, phát triển văn hóa đọc; định hướng và dẫn dắt phương pháp tiếp cận thông tin cho học sinh.

Tầm quan trọng của sách trong đời sống là điều mà gần như ai cũng biết. Đọc sách giúp chúng ta tiếp cận nguồn tri thức vô tận, có vai trò quan trọng trong nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người… Cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, song song với nhu cầu thông tin, tri thức của con người ngày càng cao, thì các ấn phẩm thông tin, thiết bị nghe nhìn, mạng xã hội cũng ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho con người có nhiều lựa chọn cách tiếp cận với tri thức nhân loại. Tuy nhiên cũng vô tình đẩy con người đến với thói quen mới đó là đọc lướt, đọc nhanh, hay bị dẫn dắt những thông tin trên không gian mạng và các nền tảng mạng xã hội thay vì nghiền ngẫm những cuốn sách hay như trước. Tiện lợi nhưng cũng nảy sinh nhiều bất cập và không loại trừ tiềm ẩn cả những cạm bẫy từ những thông tin thiếu kiểm soát từ có thể đưa con người tiếp cận với những thông tin xấu, độc, không chính thống, ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức của người đọc.

Những năm gần đây, nhiều phong trào nhằm tôn vinh sách và nâng cao văn hóa đọc đã được Chính phủ, các Bộ, ban ngành từ Trung ương đến cơ sở quan tâm, chú trọng. Nhiều cuộc thi giới thiệu sách, Đại sứ văn hóa đọc đã được triển khai tổ chức với nhiều quy mô, hình thức nhằm khuyến khích phong trào đọc sách, lan tỏa tình yêu, niềm đam mê sách, khơi dậy thói quen đọc sách nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Tại tỉnh, cùng với nâng cao chất lượng hoạt động thư viện tỉnh và mạng lưới thư viện cơ sở, nhiều hoạt động nhằm tôn vinh sách và văn hóa đọc đã được tổ chức. Bên cạnh hưởng ứng các cuộc thi do các Bộ, ngành Trung ương tổ chức như: “Đại sứ Văn hóa đọc”, “Cuốn sách tôi yêu” do Bộ Văn hóa, Thể Thao và du lịch tổ chức, hay như Cuộc thi giới thiệu sách “Viết và Vlog” do Nhà xuất bản Kim Đồng khởi xướng, phát động… Thư viện tỉnh đã tổ chức cuộc thi giới thiệu sách tỉnh Phú Thọ năm 2021 với chủ đề “Vinh quang Tổ quốc Việt Nam”; tổ chức các đợt trưng bày, giới thiệu sách cùng nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày hội Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4)… Qua đó cổ vũ, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong thế hệ trẻ, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu sách đến mọi người.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Thư viện tỉnh Phú Thọ cho biết: “Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc” làm chủ đề cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Với thông điệp trên, Thư viện tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng hướng về cơ sở như: Tổ chức tọa đàm chủ đề “Văn hóa đọc trong thời đại số”; thi vẽ tranh và xếp sách nghệ thuật tại Trường THCS Nguyễn Quang Bích (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông)… Thông qua các hoạt động nhằm mở rộng phạm vi, định hướng các phương pháp tiếp cận thông tin, tri thức thông qua con đường đọc sách; đồng thời lan tỏa niềm yêu thích, đam mê sách; đánh thức tư duy, nhận thức; khơi dậy tinh thần tự tìm tòi, nghiên cứu, góp phần lan tỏa tinh thần tự học, xây dựng xã hội học tập ở mỗi cá nhân và cộng đồng”.

Để nuôi dưỡng, phát triển văn hóa đọc thực sự là nền tảng, thúc đẩy giáo dục, phát triển con người, rất cần sự chung tay của cấp, ngành và toàn xã hội. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hoa - Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy cho biết: “Văn hóa đọc đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hình thành, phát triển nhân cách con người - yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển con người và cũng chính là nhân tố quyết định sự thịnh vượng quốc gia, dân tộc. Do đó vấn đề tiếp cận thông tin trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin cần được quan tâm chú trọng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ - các chủ nhân tương lai của đất nước. Trong đó gia đình, nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc bồi đắp, nuôi dưỡng tình yêu với sách và dẫn dắt, định hướng học sinh trong việc lựa chọn, tiếp cận nguồn tri thức vô tận từ sách báo và các ấn phẩm thông tin chính thống; phát triển phong trào đọc sách trong nhà trường và cộng đồng hướng tới xây dựng xã hội học tập trên quê hương Đất Tổ nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó lan tỏa văn hóa đọc, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”.

Theo Báo Phú Thọ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×