Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020

29/07/2015 | 07:00

Đề cương chi tiết Quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 đã được Bộ VHTTDL phê duyệt tại Quyết định số 2413/QĐ-BVHTTDL ngày 20/7/2015.

Đề cương gồm 2 phần: Phần I - căn cứ xây dựng quy chế, phần II- nội dung quy chế. Trong phần I, Đề cương đề cập đến căn cứ xây dựng, tính cấp thiết và một số bài học kinh nghiệm quốc tế về thực hiện điều phối, phối hợp liên ngành phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, từ khi có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các cơ quan Chính phủ, tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội đã nỗ lực xây dựng và triển khai nhiều chương trình, dự án, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, các cấp, các ngành và toàn cộng đồng về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình…

Thực tiễn cũng cho thấy việc xây dựng một Quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình, triển khai thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương là hết sức cần thiết.

Quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình được Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ tạo điều kiện để Bộ VHTTDL nâng cao hiệu quả công tác điều phối, kết nối và tạo cơ chế chia sẻ thông tin, báo cáo thường xuyên giữa các bộ, ban, ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương; tạo sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, khoa học trong việc triển khai các hoạt động can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình; phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực đầu tư nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Từ bài học kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới như Úc, Thụy Điển, Canada, Đề cương đã xây dựng quy chế với những quy định chung và trách nhiệm phối hợp của các Ban, Bộ, ngành, tổ chức từ Trung ương đến địa phương trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Về phạm vi điều chỉnh, Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức và trách nhiệm phối hợp của các  cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình trên phạm vi toàn quốc.

Về đối tượng áp dụng, Quy chế này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức có chức năng thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Về nguyên tắc phối hợp: Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống bao lực gia đình; các điều ước quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình mà Việt Nam là thành viên. Đảm bảo chủ động, thường xuyên, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong thực hiện các hoạt động phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình. Không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Về nội dung phối hợp: Xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; Truyền thông, phổ biến các chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; Phát hiện, tiếp nhận, xử lý vụ việc bạo lực gia đình; Thu thập, báo cáo, quản lý và khai thác thông tin, số liệu, dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

Về hình thức phối hợp: Trao đổi ý kiến hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; Tổ chức các hoạt động của mạng lưới quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; Tổ chức các cuộc họp liên ngành định kỳ, đột xuất; Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết theo giai đoạn; Thành lập các đoàn công tác liên ngành định kỳ, đột xuất; Thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế…

Về trách nhiệm phối hợp, Bộ VHTTDL chủ trì, hướng dẫn thực hiện Quy chế và điều phối việc xây dựng, thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án về phòng, chống bạo lực gia đình; Chủ trì thành lập, tổ chức hoạt động và phát triển mạng lưới quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình gồm thành viên là đại diện các Ban, Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở cấp Trung ương; Hướng dẫn nội dung, cung cấp tài liệu về phòng, chống bạo lực gia đình cho các cơ quan, tổ chức, địa phương…

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện Quy chế, gửi về Bộ VHTTDL tổng hợp; Chủ động, tích cực phối hợp với Bộ VHTTDL trong việc xây dựng, thực hiện các kế hoạch, chương trình công tác liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình…

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×