Quỹ Bảo tồn Văn hoá của Đại sứ Hoa Kỳ năm 2019
23/10/2018 | 08:56Theo thông tin từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, các tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam có thể nộp đề xuất xin hỗ trợ với ngân sách từ 200.000 USD đến 800.000 USD, với mục đích bảo tồn các di sản văn hóa tại Việt Nam.
Dưới đây là toàn văn nội dung Chương trình tài trợ lớn thuộc Quỹ Bảo tồn Văn hoá của Đại sứ Hoa Kỳ năm 2019.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội xin trân trọng thông báo về Chương trình Tài trợ lớn thuộc Quỹ Bảo tồn Văn hoá của Đại sứ Hoa Kỳ (AFCP) năm 2019. Các tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam có thể nộp đề xuất xin hỗ trợ với ngân sách từ 200.000 USD đến 800.000 USD, với mục đích bảo tồn các di sản văn hóa tại Việt Nam. Vui lòng nộp đề án (bằng tiếng Anh) tới Đại sứ quán Hoa Kỳ trước hoặc trong ngày 30 tháng 11 năm 2018.
Hướng dẫn chuẩn bị đề án:
Chương trình Tài trợ lớn thuộc Quỹ bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ (AFCP Large Grants) hỗ trợ việc bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, các tòa nhà lịch sử và các bộ sưu tập lớn của bảo tàng mà công chúng có thể tiếp cận được và được pháp luật Việt Nam bảo vệ.
Các đề án có thể xin số tiền tài trợ từ 200.000 USD trở lên. Từ năm 2008, các khoản tài trợ thông qua chương trình này có giá trị từ 200.000 đến 979.000 USD với mức trung bình là 480.000 USD.
Chương trình này dành cho các tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Việt Nam như các tổ chức phi chính phủ, bảo tàng, các cơ quan văn hoá của chính phủ, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa có khả năng chứng thực về khả năng và kinh nghiệm để quản lý & thực hiện một dự án bảo tồn di sản văn hóa. Quỹ AFCP không tài trợ cho các cá nhân, các tổ chức thương mại, và những tổ chức từng nhận tài trợ của AFCP nhưng không hoàn thành yêu cầu báo cáo sau dự án.
Chúng tôi tiếp nhận các đề án có mục đích:
Bảo tồn phòng ngừa (xử lý các tình trạng gây hư hại hoặc đe dọa di tích)
Tăng tính ổn định (giảm thiểu tác động vật lý [dân cư sinh sống, sập đổ, v.v.] tới một di tích)
Bảo tồn (xử lý hư hại hoặc xuống cấp của một bộ sưu tập hoặc di tích)
Gia cố (kết nối hoặc tái kết nối các cấu phần của một di tích)
Phục dựng (anastylosis – lắp ráp lại một di tích từ những chi tiết nguyên bản của nó)
Phục hồi (restoration – thay thế những chi tiết thiếu để tái tạo lại nguyên mẫu của một di tích, thường phù hợp với nghệ thuật sáng tạo, nghệ thuật trang trí và những tòa nhà lịch sử).
Ưu tiên tài trợ: Ưu tiên sẽ được dành cho các đề xuất năm 2019 trực tiếp ủng hộ một hoặc nhiều tiêu chí sau:
Trực tiếp ủng hộ các nghĩa vụ của Hoa Kỳ quy định trong hiệp ước hoặc hiệp định song phương, như các hiệp định bảo vệ tài sản văn hoá;
Ủng hộ các mục tiêu của Phái Đoàn Ngoại Giao Hoa Kỳ ở nước sở tại;
Khuyến kích giảm thiểu rủi ro cho các di sản văn hóa trong các khu vực chịu tác động của động đất hoặc các thảm họa khác;
Hỗ trợ khôi phục các di sản văn hóa sau thảm họa;
Ủng hộ việc bảo tồn các địa danh Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.
Điều khoản Căn bản của Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép chính phủ Hoa Kỳ được tài trợ cho những hiện vật hoặc địa điểm mang tính tín ngưỡng, với một số điều kiện. Ví dụ như một hiện vật có liên quan đến tín ngưỡng (bao gồm cả nơi thờ cúng) có thể được coi là hiện vật được tài trợ để bảo tồn văn hóa nếu hiện vật này có ý nghĩa quan trọng và được đề xuất hoàn toàn trên cơ sở khảo cổ, nghệ thuật, tính lịch sử hay văn hóa (mà không phải là tín ngưỡng). Tổ chức nào quan tâm đến những dự án bảo tồn có liên quan đến tín ngưỡng có thể liên hệ với Nhóm Văn hóa thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ qua hòm thư TAYL@america.gov nếu có bất kỳ câu hỏi nào.
Hình thức cạnh tranh: Chương trình này gồm 2 vòng xét duyệt hồ sơ: Vòng 1 (Tóm tắt đề án) và Vòng 2 (Đề án hoàn chỉnh). Trong Vòng 1, các tổ chức sẽ nộp tóm tắt đề án do những đơn vị hợp lệ xây dựng. Nếu, sau khi đánh giá kỹ thuật, xếp loại và thứ hạng của tóm tắt đề án, các tổ chức được mời vào vòng 2, thì tổ chức đó sẽ được phép nộp đề án hoàn chỉnh.
Các tóm tắt đề án vòng 1 phải được nộp qua email, bằng tiếng Anh, muộn nhất vào 23h59 ngày 30 tháng 11 năm 2018, giờ Việt Nam. Các dự án nộp sau 23h59 sẽ không được coi là hợp lệ.
AFCP sẽ không hỗ trợ cho những hoạt động hoặc chi phí dưới đây, và những đề xuất liên quan đến những hoạt động hoặc chi phí dưới đây sẽ được coi là không hợp lệ:
A. Bảo tồn hoặc mua bán những hiện vật, bộ sưu tập hay tài sản văn hóa thuộc sở hữu tư nhân hoặc mang tính thương mại, bao gồm cả những thứ đang trong quá trình nhưng chưa hoàn tất (tính đến thời điểm nộp đề xuất), sẽ được, hoặc có kế hoạch được chuyển giao từ sở hữu tư nhân hoặc thương mại thành tài sản công cộng.
B. Bảo tồn những di sản thiên nhiên (những vật được tạo nên một cách tự nhiên, sinh học hoặc địa chất, những bộ sưu tập cổ sinh học, môi trường sống của những loài động, thực vật hay hoá thạch có nguy cơ tuyệt chủng, vv…);
C. Bảo tồn hài cốt người hay người tiền sử & động vật linh trưởng (hominid)
D. Bảo tồn những phương tiện truyền thông (báo chí, chương trình thời sự, phát thanh truyền hình, vv…)
E. Bảo tồn những ấn phẩm khác (sách, tạp chí, vv…)
F. Xây dựng giáo trình hay tài liệu giảng dạy tại các lớp học;
G. Khai quật khảo cổ hoặc trắc đạc thám hiểm phục vụ mục đích nghiên cứu;
H. Nghiên cứu lịch sử, trừ trường hợp nghiên cứu này là chính đáng và cần thiết cho sự thành công của dự án được đề xuất;
I. Thu thập hoặc tạo ra những hiện vật hay bộ sưu tập mới cho các bảo tàng mới hoặc sẵn có;
J. Xây dựng toà nhà mới hoặc mái cố định (ví dụ: để che phủ cho một địa điểm khảo cổ);
K. Tiền hoa hồng cho một tác phẩm nghệ thuật mới với mục đích kỷ niệm hoặc phát triển kinh tế;
L. Sự hình thành một ứng dụng mới hoặc hiện đại cho các loại hình nghệ thuật truyền thống như múa, hát, tụng kinh, soạn nhạc, kịch…
M. Tạo ra những bản sao hoặc tái tạo những hiện vật hoặc địa danh văn hóa đã thất truyền;
N. Di dời những địa danh văn hóa từ vị trí thực tế đến nơi khác;
O. Mang các hiện vật, hoặc các chi tiết thuộc các địa danh văn hóa ra khỏi Việt Nam, vì bất cứ lý do nào;
P. Số hoá các hiện vật hoặc bộ sưu tập văn hóa, trừ khi đây là một phần trong dự án bảo tồn quy mô lớn được xác định rõ;
Q. Kế hoạch bảo tồn hoặc các nghiên cứu khác, trừ khi đây là một phần của dự án lớn hơn và sẽ được triển khai với kết quả của nghiên cứu này;
R. Dự trữ tiền, tài trợ hoặc vốn quay vòng (tiền tài trợ phải được chi tiêu hoàn toàn trong thời gian dự án [không quá 5 năm], và Không được dùng để tạo một quỹ tài trợ hoặc quỹ vốn quay vòng);
S. Chi phí cho những chiến dịch gây quỹ;
T. Những chi phí ngẫu nhiên, không lường trước hoặc chi phí lặt vặt;
U. Những chi phí cho công việc xảy ra trước khi dự án được chính thức tài trợ, trừ khi là những chi phí được phép theo khoản 2 CFR 200.458 và phải được phê duyệt bởi Đại diện ký hợp đồng tài trợ của Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ;
V. Chi phí đi lại quốc tế, trừ trường hợp việc đi lại là chính đáng và cần thiết cho sự thành công của dự án được đề xuất;
W. Chi phí đi lại hoặc nghiên cứu để nâng cao nghiệp vụ;
X. Những dự án độc lập có giá trị ít hơn $200,000
Y. Những dự án độc lập của công dân Mỹ ở nước ngoài.
Vui lòng sử dụng mẫu đề xuất dự án theo mẫu dưới đây và gửi bản điện tử (bằng tiếng Anh) đến Phòng Thông tin-Văn hóa (PAS) của Đại sứ quán Hoa Kỳ qua email tới địa chỉ TAYL@america.gov trước 23:59 ngày 30 tháng 11 năm 2018.
Để biết thêm thông tin, vui lòng viết thư vào địa chỉ email điện tử trên đây để nhận được câu trả lời.
Hiền Lê (t/h)