Phó Thủ tướng, Bộ trưởng giải đáp minh bạch, rõ ràng về Sơn Trà
14/06/2017 | 08:51Chiều 13/6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã giải đáp minh bạch, rõ ràng nhiều băn khoăn của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Hai cơ sở pháp lý để lập Quy hoạch
Trả lời câu hỏi của đại biểu Kim Thúy (đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng) và đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn đại biểu Quốc hộiHà Nội) liên quan Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, có hai cơ sở pháp lý cơ bản để lập Quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Thứ nhất là Nghị quyết 33/NQ-TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Bộ Chính trị. Trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị nêu rõ: Thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng các phương án kết hợp kinh tế với quốc phòng trên các địa bàn chiến lược của thành phố, đặc biệt là khu vực bán đảo Sơn Trà, Hải Vân phục vụ cho phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, dịch vụ gắn với quốc phòng an ninh, trừ một số khu vực có các công trình phòng thủ”.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chấn vấn tại Quốc hội
Căn cứ pháp lý thứ hai là Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chiến lược và Quy hoạch này đã xác định, bán đảo Sơn Trà là một trong 47 địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Căn cứ vào hai văn bản này, Bộ VHTTDL đã thống nhất với UBND Tp Đà Nẵng tiến hành lập Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Trong quá trình lập, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với UBND TP Đà Nẵng ở tất cả các khâu từ lập đề cương nhiệm vụ, khảo sát thực địa, thu thập thông tin, tài liệu đến hình thành ý tưởng phát triển và dự thảo Quy hoạch.
Bộ VHTTDL đã gửi dự thảo Quy hoạch và nhận được ý kiến của 11 bộ, ngành liên quan (gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng) và thành phố Đà Nẵng. Các ý kiến cơ bản thống nhất với dự thảo Quy hoạch. Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, ngành và UBND TP Đà Nẵng, Bộ VHTTDL đã tổ chức thẩm định, hoàn thiện đề án Quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội)
Như vậy, Quy hoạch đã được lập, trình phê duyệt theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, phù hợp với quy định của Luật Du lịch, quy định pháp luật có liên quan và Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sẽ giảm tối đa số lượng phòng tại bán đảo Sơn Trà
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng bổ sung thông tin để làm rõ thêm nội dung về Quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Bán đảo Sơn Trà có diện tích tự nhiên 4.439 ha, trong khi đó Quy hoạch khu du lịch Quốc gia Sơn Trà quy định phạm vi ranh giới được quy hoạch cho phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà là 1.056 ha. Để quy hoạch khu du lịch quốc gia, không thể ít hơn 1000ha theo quy định Luật Du lịch.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chấn vấn tại Quốc hội
Trước thời điểm tiến hành lập Quy hoạch, Thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận đầu tư cho 25 dự án tại bán đảo Sơn Trà, trong đó có 18 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong số 18 dự án này có 11 dự án đã cấp phép với quy mô 5.049 phòng lưu trú. Khi lập Quy hoạch, Bộ VHTTDL cùng các chuyên gia, các đơn vị liên quan đã yêu cầu giảm từ hơn 5000 phòng xuống còn 1.600 phòng lưu trú tại bán đảo Sơn Trà.
“Sau khi có dư luận lên tiếng, bản thân tôi là Bộ trưởng Bộ VHTTĐL, tôi luôn luôn trăn trở về vấn đề này. Chúng tôi đã có nhiều cuộc họp với lãnh đạo Bộ và Tổng cục Du lịch và quán triệt tinh thần là sẽ lắng nghe tất cả các ý kiến góp ý một cách cầu thị. Quan điểm là sẽ phát triển du lịch một cách bền vững, có trách nhiệm, bảo đảm đa dạng sinh học và an ninh quốc phòng. Phát triển gắn với bảo tồn, nhưng ưu tiên bảo tồn hơn. Hiện nay, theo Quy hoạch là 1.600 phòng, tuy nhiên có thể giảm nữa. Số lượng giảm cụ thể là bao nhiêu thì còn phải căn cứ vào tình hình làm việc cụ thể trong thời gian tới” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
Làm rõ để cử tri cả nước yên lòng
Làm rõ thêm, bổ sung vào phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Tôi xin phép được nói đầu đuôi bởi rất nhiều cử tri quan tâm.Thứ nhất Bộ trưởng Bộ VHTTDL nói tại sao lại có quy hoạch này, thì đây là căn cứ Luật Du lịch qui định. Luật quy định là Thủ tướng phải phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước, trong đó có danh mục có các đô thị du lịch và danh mục các khu có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, tôi xin gọi tắt là các khu du lịch quốc gia.
Dựa vào đề nghị của Đà Nẵng thì Đà Nẵng được công nhận là đô thị du lịch và có 2 khu du lịch quốc gia là khu Bà Nà và khu Sơn Trà và cũng theo qui định của Luật Du lịch các khu du lịch quốc gia phải có diện tích 1.000 héc ta trở lên, phải đón được 1 triệu khách 1 năm và phải có cơ sở lưu trú. Và đã là khu du lịch quốc gia là phải quy hoạch từ đầu trở đi, quy hoạch này từ cuôi năm 2013 đến 2016 thì trình và theo quy định của luật vì là quy hoạch thì ký xong thì vẫn chưa thực hiện ngay mà phải tổ chức công bố quy hoạch.
Ngày 15.2.2017 vừa qua mới tổ chức công bố quy hoạch tại Đà Nẵng, ngay sau khi công bố thì đã có ý kiến của Hiệp hội Du lịch về quy hoạch này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tôi đã trực tiếp yêu cầu bằng văn bản Bộ và Thành phố phải xem xét tiếp thu các ý kiến đóng góp một cách rất cầu thị, khoa học và công khai.
Trước năm 2013 thì như Bộ trưởng đã nói UBND TP Đà Nẵng theo thẩm quyền của mình đã phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiếp 1/500, phê duyệt dự án đầu tư. Tôi xin sau đây gọi tắt là cấp phép, cho 25 dự án trong đó có 18 dự án về du lịch, có 11 dự án xây dựng cơ sở dự án và một trong những chỉ tiêu rất quan trọng đó là số phòng lưu trú thì chính xác số phòng à 1400 phòng khách sạn cộng với 1920 căn biệt thự. Nếu số căn biệt thự là 2 phòng thì sẽ có 5.240 phòng, nếu có 3 phòng thì sẽ có 7.160 phòng. Và nhìn như vậy thì dự án sinh thái biển Tiên Sa hay bất kỳ dự án nào trên bán đảo Sơn Trà đều được cấp phép, và nếu có bất kỳ vấn đề nào vi phạm thì đều được quản lý và xử lý với UBND TP Đà Nẵng, điều này là rất rõ ràng.
Thứ 3 là quy hoạch bán đảo Sơn Trà được thực hiện bởi một cơ quan tư vấn gồm các nhà chuyên môn đưa ra rất nhiều giải pháp để đảm bảo pháp triển đi đôi với bảo tồn và đảm bảo quốc phòng an ninh. Tôi đã gặp trực tiếp các nhà chuyên môn, con số 1.600 không phải là ý chí hành chính, không phải là từ 5.000 cắt xuống 1.600, mà kiến trúc sư trưởng những người chủ trì những người này đã nói với tôi rằng, đây là tính toán trên các công thức, mô hình chuyên ngành du lịch. Người ta tính ra cái ngưỡng để đảm bảo phát triển cân đối, nói 1.600 là số tròn, thực tế là số lẻ. Từ 1.600 tới 2.300 phòng, và hội đồng của Bộ cuối cùng đã ấn định lấy cái ngưỡng thấp tức là ưu tiên cho bảo tồn 1.600 phòng. 1.600 phòng này là quy hoạch tới năm 2030.
Thứ 4 là như đã báo cáo ngay sau khi quy hoạch được công bố thì đã có ý kiến, và chúng tôi đã yêu cầu Đà Nẵng làm việc và có ý kiến chính thức. Ngày 29.5 vừa qua Đà Nẵng đã có ý kiến chính thức, trong báo cáo Đà Nẵng nói rõ là Đà Nẵng không đồng ý với kiến nghị là giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà không xây dựng thêm cơ sở lưu trú của hiệp hội du lịch Đà Nẵng kiến nghị./.
Lâm Minh