Phim Nhà nước đặt hàng ra rạp: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phát hành, phổ biến phim
07/02/2024 | 15:28Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông vừa ký ban hành Quyết định số 316 /QĐ- BVHTTDL ngày 6.2.2024 phê duyệt Kế hoạch Phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước. Hai bộ phim truyện sử dụng ngân sách Nhà nước trong năm 2023 là Đào, Phở và Piano; Hồng Hà nữ sĩ sẽ chính thức ra Rạp vào mùng 1 Tết Nguyên đán 2024. Cùng với đó, có 6 phim hoạt hình cũng sẽ được phát hành dịp này.
Để phim sử dụng ngân sách được phổ biến rộng rãi
Trung tâm Chiếu phim quốc gia đã có lịch phát hành, phổ biến đối với hai phim truyện Đào, Phở và Piano; Hồng Hà nữ sĩ vào mùng 1 Tết Nguyên đán (tức ngày 10.2.2024) và dự kiến lịch chiếu sẽ kéo dài trong tháng. Cả hai bộ phim đều đã ra mắt trong năm 2023 nhưng đến nay mới chính thức ra rạp.
Theo Cục Điện ảnh, với phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước, mục tiêu hướng đến là phải tối ưu hóa các phương thức phát hành phổ biến như phổ biến trong rạp chiếu phim, trên không gian mạng, tại các địa điểm chiếu phim công cộng; tuyên truyền trong các Tuần phim, Đợt phim kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, cân đối giữa hai nhiệm vụ phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát hành thương mại.
Việc phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phát hành, phổ biến phim nói riêng và hoạt động điện ảnh nói chung trong giai đoạn hiện nay.
Việc phát hành, phổ biến thí điểm cần đảm bảo phim sử dụng ngân sách nhà nước được phổ biến rộng rãi, phục vụ nhu cầu của khán giả, đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền - Xuân Giáp Thìn năm 2024; xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai việc thí điểm phát hành, phổ biến phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước từ đó hình thành cơ chế khai thác đối với các phim này trong giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, dịp Tết Nguyên đán 2024, 2 phim truyện phát hành trong tháng 2.2024 là Đào, Phở và Piano, Công ty Cổ phần Phim truyện I sản xuất năm 2023; Hồng Hà nữ sĩ, Công ty TNHH MTV Truyền thông Nam Phương (HONGNGAT FILM) sản xuất năm 2023.
6 Phim hoạt hình cùng phát hành dịp này gồm: Giấc mơ của con, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất năm 2022, Giải thưởng Bông sen Vàng LHPVN lần thứ XXIII; Bà của Đỗ Đỏ, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất năm 2021, Giải thưởng Bông sen Bạc LHPVN lần thứ XXIII; Cái đuôi của cậu Ấm, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất năm 2022; Gia sản kếch xù, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất năm 2022; Cô bé tóc xù, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất năm 2022; Người hùng, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất năm 2023.
Bên cạnh đó, theo Kế hoạch Phát hành, phổ biến thí điểm phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước trên các Đài Truyền hình, Đài Phát thanh Truyền hình các tỉnh, thành phố, sẽ phát hành, phổ biến các Phim có chủ đề, nội dung phục vụ nhiệm vụ chính trị, hoặc có bối cảnh quay tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Thời gian từ quý II năm 2024 đến hết ngày 30.12.2025. Danh sách phim do Cục Điện ảnh lựa chọn.
Cục Điện ảnh sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập danh sách phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước có chủ đề, nội dung phục vụ các nhiệm vụ chính trị, hoặc có bối cảnh quay phim tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; đồng thời gửi công văn, ký thỏa thuận hợp tác với các Đài Truyền hình, Đài Phát thanh, Truyền hình trên toàn quốc để phổ biến phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước; triển khai thực hiện Kế hoạch Phát hành, phổ biến thí điểm phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước trên các Đài Truyền hình, Đài Phát thanh Truyền hình các tỉnh, thành phố; Thực hiện việc phổ biến phim trên các Đài Phát thanh, Đài Phát thanh- Truyền hình trong cả nước (mua ổ cứng, chuyển đổi định dạng phim, sao chép phim, đóng gói ổ cứng và gửi phim đi các tỉnh, địa phương).
Trung tâm Chiếu phim Quốc gia xây dựng phương án phổ biến phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (thời gian, lịch chiếu, kế hoạch truyền thông, công tác khán giả…); thực hiện, phương án doanh thu theo quy định; Chủ trì, phối hợp với Cục Điện ảnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch Phát hành, phổ biến thí điểm 02 phim truyện và 06 phim hoạt hình nhân dịp Tết Nguyên đán 2024 và báo cáo kết quả và doanh thu về Bộ VHTTDL (qua Cục Điện ảnh).
Công ty Cổ phần Phim truyện I, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Công ty Cổ phần Phim Giải Phóng, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Công ty TNHH MTV Truyền thông Nam Phương (HONGNGAT FILM) cung cấp bản phim (DCP) và các tài liệu liên quan cho Trung tâm Chiếu phim Quốc gia để phổ biến phim. Lập danh sách các phim có chủ đề, nội dung phục vụ các nhiệm vụ chính trị, hoặc có bối cảnh quay phim tại các tỉnh, thành phố gửi Bộ VHTTDL (Cục Điện ảnh) để tổ chức phổ biến trên hệ thống truyền hình toàn quốc.
Nâng cao hiệu lực phát hành, phổ biến phim
Sự xuất hiện của bộ phim lịch sử “Hồng Hà nữ sĩ” cùng với “Đào, phở và piano” trong “đường đua” phim Tết khiến nhiều người hâm mộ bất ngờ và thích thú. Đây là những bộ phim đã tham gia các liên hoan, giải thưởng điện ảnh trong nước, được giải thưởng cao như “Đào, phở và piano” đã vinh dự nhận giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII, tuy nhiên, các bộ phim đều chưa được phổ biến rộng rãi đến công chúng.
Cùng khai thác đề tài lịch sử song hai bộ phim mang đến cho khán giả những trải nghiệm rất khác biệt. “Hồng Hà nữ sĩ” đưa khán giả ngược thời gian trở về thế kỷ thứ 18, để được gặp gỡ và chứng kiến những thăng trầm của cuộc đời nữ sĩ tài sắc Đoàn Thị Điểm. Bộ phim truyền tải những thông điệp nhân văn về những giá trị văn hóa và đạo đức của người Việt với sự kết hợp của dàn diễn viên gạo cội và dàn diễn viên trẻ đầy tài năng của điện ảnh nước nhà. Nữ chính của phim là diễn viên Anh Đào (sinh năm 1996) vào vai Đoàn Thị Điểm; Đặng Trần Côn do Quốc Toàn thủ vai; bên cạnh đó là dàn diễn viên gạo cội gồm NSND Lê Khanh, NSND Trung Anh...
Không lo ngại lép vế trước "cuộc đua" phim Tết, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát- nhà sản xuất Hồng Hà nữ sĩ, cho biết: "Phim Hồng Hà nữ sĩ không tìm sự hấp dẫn bằng các cảnh đuổi bắt, đánh đấm hay cảnh nóng mà nó thuần túy về nghệ thuật kể chuyện dung dị nhưng tinh tế không kém phần hấp dẫn và cách mổ xẻ tâm lý nhân vật trong các sự kiện từng xảy ra trong đời thật của các nhân vật lịch sử”.
Còn bộ phim “Đào, phở và piano” là bộ phim tôn vinh cái đẹp và cốt cách tinh thần của người Hà Nội xưa. Bộ phim kể về mối tình lãng mạn, nồng nàn của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh), về người họa sỹ già (NSƯT Trần Lực) luôn ấp ủ về một bức tranh để đời, về vị cha xứ (NSND Trung Hiếu) muốn lánh đời nhưng vẫn vun vén cho sự sống khi tổ chức hôn lễ cho cặp đôi và vợ chồng ông hàng phở (Anh Tuấn và Nguyệt Hằng) trong cảnh thiếu thốn vẫn muốn làm bát phở thật đủ vị. Trận chiến gần kề, nhưng từng người dân Thủ đô vẫn hiện lên với vẻ đẹp giản dị, yêu nước, cốt cách hào hoa, phong nhã. Họ yêu cuộc sống, nhưng đầy quả cảm và sẵn sàng hy sinh để gìn giữ mảnh đất quê hương.
Được biết toàn bộ doanh thu từ bán vé sẽ được nộp vào ngân sách. Có thể thấy quyết định kịp thời của Bộ VHTTDL góp phần thiết thực vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phát hành, phổ biến phim nói riêng và hoạt động điện ảnh nói chung trong giai đoạn hiện nay.