Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030

01/06/2012 | 10:46

(VP) - Ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 629/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Chiến lược xác định rõ các quan điểm gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020.

Đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ưu tiên, tạo điều kiện để các gia đình khu vực nông thôn, miền núi, khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Mục tiêu chung của Chiến lược là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Các mục tiêu cụ thể được xác định trong chiến lược gồm: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ; Nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo theo quy định.

Chiến lược cũng đề ra các giải pháp chủ yếu trên các mặt như: Lãnh đạo, tổ chức, quản lý; Truyền thông, vận động; Giáo dục, cung cấp kiến thức về xây dựng gia đình; Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về gia đình và công tác gia đình; Thực hiện các chính sách, chương trình về an sinh xã hội; Xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ gia đình; Đẩy mạnh xã hội hoá công tác gia đình; Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế trong đó ưu tiên các hoạt động nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo về hoạch định chính sách, quản lý, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tuyên truyền, giáo dục và cung cấp dịch vụ có chất lượng, hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động của các cơ quan, hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống; Tổ chức thực hiện chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 sau khi được phê duyệt nhằm hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương giải quyết những vấn đề trọng tâm của công tác gia đình; Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.

Cũng theo Chiến lược, sẽ có 7 Đề án được triển khai thực hiện, gồm: Đề án kiện toàn, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020; Đề án tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020; Đề án giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Đề án nâng cao chất lượng các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020; Đề án về công tác an sinh xã hội giai đoạn 2012-2020; Đề án xây dựng mạng lưới dịch vụ hỗ trợ gia đình, hỗ trợ thành viên gia đình đến năm 2020; Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020.

Chiến lược được thực hiện qua các giai đoạn: Giai đoạn I (2012-2015) và Giai đoạn II (2016-2020) với các nội dung cụ thể; đồng thời xác định tầm nhìn đến năm 2030.

HCTC





Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×