Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phê duyệt Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

15/03/2013 | 10:00

(VP) – Thủ tướng Chỉnh phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” tại Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 8/3 với mục tiêu đưa bóng đá nước ta phát triển, trở thành một trong những trung tâm bóng đá của khu vực và châu lục; đến 2030, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu Châu Á.

Với quan điểm phát triển bóng đá theo hướng toàn diện và bền vững; chú trọng tới bóng đá phong trào, công tác tuyển chọn và đào tạo tài năng bóng đá. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá nhằm phát huy nội lực, huy động rộng rãi các nguồn lực và sự tham gia của xã hội cho phát triển bóng đá, kết hợp với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Nhà nước. Coi trọng việc nâng cao thành tích trong bóng đá ở cấp độ đội tuyển vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bóng đá, đồng thời là công cụ hữu hiệu để góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế. Và, đổi mới phương thức quản lý, điều hành bóng đá theo cơ chế chuyên nghiệp trên cơ sở tăng cường quản lý Nhà nước về bóng đá và phát huy vài trò, hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong lĩnh vực bóng đá.

Trong giai đoạn 2012 - 2020, Chiến lược đặt chỉ tiêu đội tuyển quốc gia nam và U23 nam đoạt chức vô dịch Đông Nam Á hoặc SEA Games (từ 1-2 lần); bóng đá nam đứng trong nhóm 6 quốc gia mạnh khu vực châu Á.

Đồng thời cần hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia, bao gồm: Giải Vô địch quốc gia (V-League), Giải hạng nhất, Giải Cúp quốc gia, Giải siêu Cúp quốc gia, Cúp Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Giải hạng Nhì quốc gia, Giải hạng Ba quốc gia, các giải trẻ quốc gia (U21, U18, U15, U13, U11), giải bóng đá nữ, giải Futsal và giải bóng đá bãi biển.

Giai đoạn 2021 - 2030, Liên đoàn bóng đá Việt Nam vững mạnh về tổ chức, tự chủ về kinh phí, đảm nhiệm hầu hết các hoạt động bóng đá; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Liên đoàn bóng đá. Bóng đá nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có trình độ bóng đá hàng đầu ở khu vực châu Á. Bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia hàng đầu khu vực châu Á. Số lượng các câu lạc bộ bóng đá phong trào đến năm 2030 đạt trên 12.000 câu lạc bộ.

Chiến lược đề ra nhiệm vụ phát triển bóng đá phong trào. Trong đó, xây dựng và triển khai dự án phát triển bóng đá học đường; đưa môn bóng đá và bóng đá Futsal vào trường học các cấp dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa.

Bên cạnh đó, từng bước tiêu chuẩn hóa hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ bóng đá học đường của các trường trong hệ thống giáo dục, trước mắt tập trung vào các trường điểm, trường đạt chuẩn quốc gia. Phát triển mạng lưới các câu lạc bộ bóng đá trường học, đến năm 2020 đạt trên 1 triệu hội viên.

Phát triển các câu lạc bộ bóng đá cơ sở ở phường, xã, làng, bản, thôn, ấp, khu dân cơ, doanh nghiệp, đơn vị vũ trang, tổ chức đoàn thể... Hình thành hệ thống thi đấu bóng đá phong trào có sự hỗ trợ chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và cơ quan quản lý thể dục thể thao các cấp.

Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ khác là đổi mới, hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo vận động viên bóng đá. Cụ thể, xây dựng, ban hành bộ tiêu chí đánh giá năng khiếu bóng đá (các độ tuổi từ 7 - 11 tuổi và từ 12 - 15 tuổi), làm căn cứ để tố chức kiểm tra, tuyển chọn năng khiếu bóng đá trên phạm vi toàn quốc, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, phát triển tài năng bóng đá. Hình thành học viện bóng đá tại các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, tuyển chọn và đào tạo vận động viên bóng đá trẻ ở các lứa tuổi; cải tiến hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia với các quy định, chế tài đảm bảo vận động viên bóng đá U21 được thi đấu tối thiểu 20 trận mỗi năm.

Xây dựng các Học viện bóng đá quốc gia, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ quốc gia do Tổng cục Thể dục thể thao và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trực tiếp quản lý.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng và thành tích của các đội tuyển bóng đá quốc gia, trong đó tăng cường đầu tư cho các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia nam, nữ; bố trí huấn luyện viên giỏi, có trình độ chuyên môn cao cho các đội tuyển.

Triển khai các kế hoạch chuẩn bị lực lượng cho các đội tuyển bóng đá tham dự thi đấu vòng loại các kỳ World Cup và các giải bóng đá quốc tế quan trọng. Cử các đội tuyển lứa tuổi trẻ (14 - 18 tuổi) đi đào tạo dài hạn (tối thiểu 2 năm) ở các quốc gia có nền bóng đá phát triển.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết vào cuối năm 2015 và tổng kết vào cuối năm 2020.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×