Phát triển nghề đầu bếp hiện tại và tương lai
26/07/2024 | 20:41Ngày 24/7/2024, tại Hà Nội, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm “Phát triển nghề đầu bếp hiện tại và tương lai” nhằm lắng nghe, chia sẻ các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, các đầu bếp có kinh nghiệm về nghề hiện tại và hướng tới tương lai. Qua đó, tọa đàm là dịp kết nối học hỏi, xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng phát triển giữa các cơ sở đào tạo và các tổ chức hiệp hội đầu bếp chuyên nghiệp, các câu lạc bộ đầu bếp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo một số trường đào tạo, các chuyên gia, đại diện các hiệp hội đầu bếp, đại diện các câu lạc bộ đầu bếp Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Sa Pa, Vĩnh Yên, Sầm Sơn…; tổng bếp trưởng, phó tổng bếp trưởng của nhiều khách sạn tại Hà Nội như: Sheraton, Movenpik, Lotte, Daewoo, Pan Pacific, Melia, JW Marriott, Intercontinental, Landmark 72, Super Candle…, đại diện các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các đơn vị thông tấn báo chí… cùng các cán bộ giảng viên, sinh viên.
Đề cập đến thực trạng nghề bếp và đội ngũ đầu bếp tại Việt Nam giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Thường Quân - Chủ tịch Hiệp hội đào tạo và việc làm đầu bếp Việt Nam trong tham luận về “Một số vấn đề của đội ngũ đầu bếp Việt Nam và vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp” nêu rằng: Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng nhà hàng và khách sạn tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 7% -10%, điều này tạo ra nhu cầu rất lớn đối với lao động trong nghề bếp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do vấn đề nguồn đào tạo còn khiêm tốn nên dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động nghề bếp. Số liệu cho thấy 60% - 80% nhà hàng và khách sạn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động nghề bếp, đặc biệt là lao động có trình độ cao. Điều này cho thấy, nhu cầu đào tạo đối với nghề bếp còn rất lớn mà thực tế đào tạo tại các cơ sở chưa đáp ứng được.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nghề bếp và cơ hội việc làm trong nghề bếp còn rất rộng mở tại Việt Nam. Trong những năm qua, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, nhà hàng đã có nhiều nỗ lực trong việc hợp tác các bên liên quan để nâng cao chất lượng đào tạo nghề đầu bếp. Các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học đã hợp tác, liên kết với hiệp hội nghề nghiệp để thấy vai trò quan trọng của các bên trong việc đồng kiến tạo sản phẩm đầu ra của nghề bếp. Tuy nhiên, những đòi hòi từ thực tiễn người đầu bếp không chỉ tinh thông chuyên môn mà còn đòi hỏi người đầu bếp phải được trang bị thêm những kỹ năng và năng lực mới trong điều kiện ngành ẩm thực Việt Nam càng cạnh tranh cao.
“Để đạt được điều này cần có sự hợp tác chặt chẽ của các bên để xây dựng chương trình đào tạo có thiết kế sao cho phù hợp với xu hướng hiện đại, tích hợp các công nghệ mới nhất và kỹ năng quản lý tiên tiến. Thế hệ đầu bếp tương lai cần phải được trang bị để không chỉ thành công trong nước mà còn có thể vươn ra thị trường quốc tế, đóng góp vào việc nâng cao vị thế của ẩm thực Việt Nam và rạng danh trong các cuộc thi tay nghề quốc tế.” - ông Trịnh Cao Khải bày tỏ.
Đánh giá cao việc kết nối mạng lưới các đầu bếp, tăng cường mối quan hệ khăng khít giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, TS. Phạm Văn Long - Hiệu trưởng Cao đẳng Du lịch Hải Phòng cho rằng: vai trò của các đầu bếp trong thực tiễn với các cơ sở đào tạo là rất quan trọng, các đầu bếp nổi tiếng cũng cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cá nhân, nâng cao năng lực và phương pháp truyền dạy, truyền thụ kinh nghiệm cho các thế hệ đầu bếp trẻ tốt hơn, nhằm mang lại kết quả tốt hơn song hành giữa trường và doanh nghiệp. “Các đầu bếp có năng lực toàn diện hơn, mạng lưới các đầu bếp lớn mạnh hơn, đáp ứng nhu cầu hội nhập góp phần thúc đẩy du lịch phát triển trong thời gian tới” - TS. Phạm Văn Long nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, đầu bếp đã chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến cũng như thảo luận nhiều giải pháp nhằm đưa ra những bước đi thiết thực mở đường cho sự phát triển bền vững của nghề đầu bếp, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng một thế hệ đầu bếp mới vừa có tay nghề cao vừa có phẩm chất, năng lực thích ứng trong bối cảnh hội nhập. Tọa đàm đã nghe nhiều ý kiến tham luận đánh giá thực trạng của lĩnh vực ẩm thực và nghề đầu bếp; đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực ẩm thực giai đoạn hiện nay; vấn đề đầu bếp Việt Nam đi thi quốc tế và cách tiếp cận với các cuộc thi ẩm thực thế giới; tầm quan trọng và kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các đầu bếp; làm sao thấu hiểu khách hàng - thách thức rất lớn của đầu bếp; truyền lửa nhiệt huyết nghề bếp cho thế hệ đầu bếp trẻ; xu hướng ẩm thực trong thời gian tới…
Để nghề đầu bếp phát triển, nhiều giải pháp cũng được để xuất thêm như: truyền thông marketing về giá trị nghề bếp, từ đó xã hội công nhận đầu bếp rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe khách hàng; tổ chức các buổi tọa đàm về ẩm thực; liên kết các hội đầu bếp qua tổ chức các chương trình giao lưu học hỏi giữa các câu lạc bộ, các chi hội đầu bếp trên cả nước; nâng cao sự sáng tạo của đầu bếp hội nhập xu thế song hành với đảm bảo tính truyền thống của món ăn Việt Nam, tính thuần khiết của nguyên liệu, gia vị và gắn kết vùng miền... làm sao để lại ấn tượng về món ăn truyền thống Việt Nam đối với du khách quốc tế... Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng của lĩnh vực ẩm thực, vai trò của các hiệp hội, các đầu bếp ngày càng phát triển và vị thế cao trong hoạt động của ngành Du lịch nước ta, vì vậy rất cần có sự chung tay góp sức của các bên liên quan.