Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số

20/02/2023 | 09:32

Quảng Bình là địa phương ở khu vực miền trung giàu tài nguyên du lịch. Ngoài bờ biển dài và những thắng cảnh nổi tiếng thì phía tây của tỉnh còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nằm dưới tán rừng Trường Sơn và dọc theo hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Khách du lịch tham gia lễ hội đập trống của người Ma Coong, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đây là tiềm năng rất lớn để Quảng Bình phát triển du lịch cộng đồng gắn với nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện, trong số hơn 40 sản phẩm du lịch mà địa phương đang khai thác, có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch.

Bản đẹp như tranh

Thung lũng bản Còi cách không xa trung tâm xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy nhưng nhiều năm trước chỉ là đồng cỏ bỏ hoang. Thêm vào đó, dưới chân dãy núi đá vôi phía tây bắc Lệ Thủy có hệ thống hang động đẹp song cũng chưa mấy ai biết tới, ngoại trừ người dân bản địa. Cho tới khi tiềm năng du lịch ấy được khảo sát, đánh giá một cách cụ thể, kỹ càng bằng một đề án phát triển du lịch cộng đồng dựa vào cảnh quan thiên nhiên và người dân bản địa, thì vùng đất đẹp như tranh này mới được “đánh thức”.

Bây giờ, thung lũng bản Còi và hệ thống hang Chà Lòi ở xã Ngân Thủy - nơi từng in dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bộ đội trong những năm chiến tranh đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo ở miền tây Lệ Thủy. Đến hang Chà Lòi, du khách được chiêm ngưỡng vô vàn măng đá và thạch nhũ còn nguyên sơ tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ như khơi gợi sự liên tưởng của mỗi người. Hang có dòng sông ngầm nước biếc xanh, mát lạnh và các hồ nước nhỏ, là nơi sinh sống của một số loài tôm, cá có mầu trong suốt rất đặc biệt.

Thạch nhũ trong hang động chứa nhiều silic nên mỗi khi chiếu đèn vào trở nên lung linh, tuyệt đẹp. Bên ngoài hang, đồng cỏ bản Còi nay thành thảo nguyên xanh mênh mông. Cắm trại ngủ đêm tại đây, du khách dường như quên những tất bật, ồn ào của cuộc sống, được hít thở không khí thiên nhiên tươi đẹp và có dịp khám phá nét văn hóa độc đáo, thưởng thức các sản vật nổi tiếng của đồng bào Bru-Vân Kiều nơi đây.

Ngược ra phía bắc, lên tuyến đường 12A huyền thoại, du khách đến với bản Dộ-Tà Vờng ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa. Lọt thỏm giữa thung lũng dưới chân dãy Giăng Màn, bản Dộ-Tà Vờng đẹp như một bức tranh thủy mặc và ẩn chứa những huyền tích văn hóa đậm chất sử thi của người Mày (dân tộc Chứt).

Từ trên cao nhìn xuống, những nếp nhà sàn xinh xắn hệt như những nốt nhạc được viết lên “khuông nhạc” của núi rừng. Giữa mầu xanh thẫm của rừng già, xanh non của lúa rẫy, sương mù lãng đãng. Tia nắng ngày mới chiếu xuống, màn sương như tan ra thành sợi trong veo. “Mày” - theo tiếng của tộc người này có nghĩa là đầu nguồn con nước. Bây giờ, các bản làng của người Mày sinh sống, trong đó có Dộ-Tà Vờng vẫn là nơi cao nhất, nằm đầu nguồn sông Gianh ở Quảng Bình.

Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi cho biết, huyện Minh Hóa đã chọn Dộ-Tà Vờng để xây dựng thành bản nông thôn mới kết hợp du lịch cộng đồng. Ở bản bây giờ, nhà này nối nhà kia theo từng cụm, lối đi trong bản là những vườn cây, hoa trái với sắc xanh dịu mát. Bà con người Mày ở đây luôn tâm niệm, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng vẻ đẹp cho bản làng của họ, nếu không ngăn nắp, sạch sẽ thì có lỗi với Giàng.

Phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Du lịch sinh thái thiên nhiên ở thung lũng bản Còi, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Vì thế, hằng tuần, người dân trong bản lại tổ chức làm vệ sinh, nhắc nhở nhau làm sạch đẹp thêm cho bản làng. Từ sự hỗ trợ của chính quyền và quá trình học hỏi từ các tỉnh miền núi phía bắc, Chi hội Nông dân bản Dộ-Tà Vờng thử nghiệm thành công mô hình lúa nước trên ruộng bậc thang, mở ra hướng sản xuất mới, không chỉ giúp bảo đảm nguồn lương thực nhờ tận dụng được những thửa đất hoang ven suối, mùa vàng trên ruộng bậc thang mà còn tạo ra cảnh quan đẹp cho bản làng giữa mầu xanh điệp trùng của núi rừng Trường Sơn.

Bảo tồn giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong cho biết, địa phương có hai dân tộc thiểu số chính là Bru-Vân Kiều (với các tộc người Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong) và dân tộc Chứt (bao gồm người Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng). Mỗi dân tộc và tộc người có giá trị văn hóa độc đáo riêng và từ lâu đã diễn ra quá trình giao lưu, đan xen văn hóa, từ đó làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Quảng Bình. Những giá trị văn hóa này cùng với tài nguyên thiên nhiên có giá trị lớn để phát triển kinh tế-xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Trong số hơn 40 sản phẩm du lịch mà Quảng Bình đang khai thác, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế như: Khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều; trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại vùng đồng bào Rục ở Thượng Hóa; khám phá khe nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời; khám phá thiên nhiên Hóa Sơn-hang Rục Mòn...

Bên cạnh đó, các chương trình tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại cũng là những sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Bình. Một số lễ hội văn hóa độc đáo được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như lễ hội đập trống của người Ma Coong ở huyện Bố Trạch; lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; hò thuốc cá huyện Minh Hóa, đã trở thành các sự kiện văn hóa, du lịch thu hút sự quan tâm của nhân dân và khách du lịch.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ở Quảng Bình mới đạt được những kết quả bước đầu, khó khăn và hạn chế còn nhiều. Sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, sự tham gia và lợi ích của người dân chưa rõ nét. Ở các nơi giàu tài nguyên du lịch, nhận thức cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền để phát triển du lịch dịch vụ còn hạn chế.

Trong tháng 6/2022, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng là phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa-lịch sử; sản phẩm du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian; hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người.

Trên cơ sở đó, mới đây, Sở Du lịch Quảng Bình tổ chức chương trình khảo sát các sản phẩm du lịch ở các bản, làng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nơi cư trú của các tộc người thiểu số còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Từ đó, ngành du lịch Quảng Bình có kế hoạch, giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống khu vực miền núi.

Dưới góc độ của doanh nghiệp đang khai thác tua du lịch ở vùng dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống, Giám đốc Công ty Netin Trần Xuân Cương cho rằng, để phát triển bền vững du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phải dựa vào tài nguyên và cộng đồng. Trong những năm qua, Netin đã phối hợp chính quyền địa phương cùng dân bản bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên du lịch trên cơ sở tôn trọng thiên nhiên, không tác động vào rừng cây, hang động, bảo vệ môi trường sinh thái, thu gom rác thải sinh hoạt.

Dân bản tham gia vào hoạt động du lịch bằng cách cung cấp sản vật địa phương để chế biến thành món ăn, biểu diễn các nhạc cụ truyền thống phục vụ khách tham quan. Công ty phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cách chế biến và trình bày món ăn, kỹ năng, thao tác sử dụng các thiết bị bảo hộ khi du lịch khám phá mạo hiểm, hỗ trợ khuân vác cho khách. “Quá trình đó giúp người dân bản địa cảm nhận rằng mình là một phần trong tua, tuyến du lịch nên đã nỗ lực hợp tác cùng phát triển. Sự chia sẻ lợi ích công bằng giữa doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương sẽ khuyến khích người dân tham gia vào chuỗi hoạt động du lịch bền vững” - ông Trần Xuân Cương chia sẻ.

Có thể nói, việc phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm đa dạng hóa, bổ sung dịch vụ cho các sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng Bình; đồng thời góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng còn khó khăn nhưng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ giữa núi rừng Trường Sơn.

Theo Báo Nhân Dân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×