Phát triển du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19: Xây dựng hình ảnh về một Việt Nam an toàn
22/02/2020 | 10:30Ở Việt Nam, không phải vùng nào cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 này. Những điểm an toàn như Phú Quốc, Vũng Tàu… hoàn toàn có thể phát triển du lịch tốt trong thời điểm này. Tất nhiên phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay phải thực hiện các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn dịch bệnh. Và về nguyên tắc, những vùng nào không có dịch bệnh vẫn hoàn toàn có thể phát triển du lịch bình thường.
Du lịch Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Con đường nào để phát triển du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia HN) đã chia sẻ với phóng viên.
Thưa PGS, TS Phạm Hồng Long, du lịch Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Ông có thể cho biết những thách thức mà ngành đang đối mặt bởi sự ảnh hưởng của dịch bệnh lần này?
- Có thể nói chưa bao giờ có một đại dịch lớn và kéo dài như vậy, đến nay đã gần 3 tháng và chưa biết rõ thời điểm nào chấm dứt.
Thách thức xử lý tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến du lịch VN trong đó có việc suy giảm lượng khách, giảm về doanh thu. Theo ước tính của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thiệt hại của ngành có thể lên tới hàng chục ngàn, thậm chí là trăm ngàn tỉ đồng.
Vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nó liên quan đến rất nhiều ngành như hàng không, giao thông vận tải, nông nghiệp, thương mại… Nên kéo theo đó là sự suy giảm doanh thu trong nhiều lĩnh vực.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch. Dù Chính phủ đã rất chủ động, chúng ta đã khắc phục rất nhanh và là một trong số ít quốc gia xử lý khủng hoảng bệnh dịch khá tốt, quản lý bệnh dịch tốt, nhanh chóng, kịp thời nhưng du lịch Việt phần nào cũng bị ảnh hưởng.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng không có nghĩa là chúng ta không có những cơ hội.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta nên cơ cấu lại thị trường. Trong đó cơ cấu lại thị trường khách quốc tế và nội địa.
Đây là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại. Lâu nay, chúng ta đã phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc với 30% lượng khách. Qua đây chúng ta có bài học và có kinh nghiệm để thúc đẩy việc hướng đến những thị trường có khả năng chi trả cao như Mỹ, các quốc gia châu Âu, Úc, Newzealand, hay các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Nhìn nhận lại cơ cấu thị trường, từ đó chúng ta cần đưa ra một loạt những chính sách khác như nới lỏng về visa, thị thực.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp với sự hỗ trợ của Hiệp hội, của ngành thực hiện đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ cho ngành thời gian sắp tới, khi mà đại dịch qua đi.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành nên chung tay san sẻ khó khăn..
Du lịch Việt Nam cũng đã từng có những giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như dịch Sars (năm 2003), Mers (năm 2012). Liệu ở lần đối mặt với dịch bệnh này, du lịch Việt Nam đã có "sức đề kháng" hơn? Theo ông, đâu là "liều vắc xin" tăng sức đề kháng cho ngành trong thời điểm này?
- Điều kiện để có một cơ thể khỏe mạnh phụ thuộc nhiều thứ, nhiều điều kiện. Làm thế nào để ngành du lịch cùng nhau vượt qua đại dịch lần này? Tôi nghĩ, giải pháp để khắc phục ngành du lịch sau đại dịch này là giải pháp về thương hiệu. Vì ảnh hưởng lớn là thương hiệu, hình ảnh điểm đến Việt Nam.
Chúng ta cần có một thông điệp đối với du khách trong nước và quốc tế tuyên truyền về một nước Việt Nam là một điểm đến an toàn. Chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam dù bị ảnh hưởng nhưng vẫn là một điểm đến rất là an toàn.
Thứ 2, đối với cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp du lịch. Các doanh nghiệp hiện gặp khó khăn nhiều về kinh tế, thì nên có có chính sách miễn giảm thuế, tạo điều kiện tập huấn các đội ngũ người làm du lịch, miễn phí tham quan thắng cảnh… Bên cạnh đó, toàn ngành kêu gọi chiến dịch kích cầu, giảm giá dịch vụ. Mà thực tế là nhiều đơn vị đã giảm giá, các hãng hàng không đã giảm giá… Đó là vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Đối với các công ty du lịch thì bản thân họ trong lúc này cũng phải có chính sách hỗ trợ lẫn nhau. Trong lĩnh vực du lịch, các nhà hàng, lưu trú, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm… ảnh hưởng lớn nhất là doanh nghiệp liên quan đến lưu trú, đi lại. Các doanh nghiệp cần chung tay, hỗ trợ nhau. Chứ lúc này vì hủy tour tuyến nhiều quá mà doanh nghiệp đòi trả phí dịch vụ, đặt phòng 100% thì các doanh nghiệp sẽ bị suy sụp rất nhanh. Cần hỗ trợ nhau, cùng vượt qua khó khăn.
Thêm nữa là các doanh nghiệp cũng cần chung tay trong vai trò truyền thông đối nội và đối ngoại. Đối nội thì phải làm sao để đội ngũ nhân viên yên tâm làm việc ở trong doanh nghiệp của mình, đối ngoại thì làm sao cho khách trong nước yên tâm đi du lịch, khách nước ngoài biết được dịch đã được kiểm soát, đã qua đi và đến Việt Nam.
Ngoài ra cần sự phát huy vai trò của các bên để đưa ra các giải pháp khác, vai trò của các hiệp hội rất quan trọng. Như Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy du lịch phát triển trong giai đoạn tới.
Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo trên tinh thần chống dịch nhưng vẫn phát triển kinh tế. Đối với ngành du lịch, liệu có mô hình nào để chúng ta học tập hay không?
- Tôi nghĩ đó là bài học từ Nhật bản. Không phải đại dịch nhưng cũng là thảm họa thiên nhiên. Lúc đó tôi đang học tại Nhật Bản. Năm 2011, Nhật Bản là quốc gia không hề phát triển về du lịch. Năm đó, khi động đất, sóng thần xảy ra. Khu vực Fukusima chịu ảnh hưởng rất lớn đến nhà máy điện hạt nhân. Lúc này, nước Nhật xây dựng hình ảnh một quốc gia quật cường, vượt qua thảm họa thiên nhiên. Họ tuyên truyền khách du lịch đến với nước Nhật, đến những vùng bị ảnh hưởng bởi sóng thần mạnh mẽ nhưng không nguy hiểm như Fukusima thì người ta cho phép du khách làm tình nguyện. Từ đó, Nhật Bản trở thành cường quốc về du lịch. Trong khó khăn luôn luôn có cơ hội để phát triển.
Ở Việt Nam, không phải vùng nào cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những điểm an toàn như Phú Quốc, Thừa Thiên Huế, Vũng Tàu… hoàn toàn có thể phát triển du lịch tốt trong thời điểm này. Tất nhiên phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay phải thực hiện các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Và về nguyên tắc, những vùng nào không có dịch bệnh vẫn hoàn toàn có thể phát triển du lịch bình thường.
Ngoài việc tuyên truyền về điểm đến an toàn, chúng ta cũng cần kiểm soát tin giả, tin xấu. Thời điểm này cũng là cơ hội tuyên truyền về du lịch có trách nhiệm, tránh việc sử dụng và tiêu dùng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Đó là bảo vệ môi trường và cuộc sống của chúng ta.
Xin cảm ơn PGS.TS Phạm Hồng Long!
Hiện ông là Ủy viên Ban Soạn thảo Đề án “Phát triển khung trình độ quốc gia một số ngành, nghề trọng điểm lĩnh vực du lịch” của Bộ VHTTDL; thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo thuộc HHDL Việt Nam; thành viên trong Ban Biên tập International Journal of Tourism Studies (Nhà xuất bản Taylor & Francis); Thư ký Hội đồng Khoa học Liên ngành Văn hóa học, Nghiên cứu Nghệ thuật, Thông tin đại chúng và Truyền thông thuộc Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) nhiệm kỳ 2019 - 2021.