Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát triển du lịch và nông thôn mới ở Thái Nguyên: "Bạn đồng hành"

25/07/2022 | 10:13

Cũng như trên nhiều miền đất nước, phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên trở thành “đôi bạn đồng hành”. Du lịch và nông thôn mới luôn hỗ trợ cho nhau, tạo thêm sản phẩm mới, chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của du khách, nâng cao mức sống cho nông dân. Chính vì thế mà du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới tự nó đã tạo sự hợp tác, trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội.

Ở vị trí trung tâm vùng Đông Bắc, Thái Nguyên được ví là địa phương sở hữu đa dạng nguồn tài nguyên phát triển du lịch. Cùng hệ thống các điểm di tích văn hóa, lịch sử, điểm đến tham quan du lịch, Thái nguyên còn sở hữu một phong cảnh hữu tình do thiên nhiên ban tặng. Đó là những cánh rừng, đồng ruộng, đồi chè, hệ thống sông, hồ, bản làng nhà sàn nơi lưng núi và các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP...

Một số vùng nông nghiệp, nông thôn của Thái Nguyên trở thành điểm đến thân thiện, gần gũi với môi trường tự nhiên. Các hoạt động du lịch cộng đồng, trải nghiệm thực tế với bà con nông dân vùng chè, vùng trồng cây ăn quả từng bước được đầu tư, khai thác.

Ví như một số vùng chè đặc sản: Tân Cương (TP. Thái Nguyên); La Bằng (Đại Từ); Minh Lập (Đồng Hỷ)... đến đó, du khách được tham gia hoạt động trải nghiệm cùng bà con nông dân qua các hoạt động chăm sóc, thu hái, chế biến chè, thưởng trà và cùng chủ nhà chế biến một số món ăn truyền thống.

Một thông tin vui với nông dân xứ trà Thái Nguyên là hiện vùng chè Tức Tranh (Phú Lương) đã có doanh nhân từ Cộng hòa Ba Lan đến khảo sát, hợp tác liên kết với nông dân về phát triển các sản phẩm chè và đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.

Phát triển du lịch và nông thôn mới ở Thái Nguyên: "Bạn đồng hành" - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài trải nghiệm hái chè tại vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên).

Là tỉnh trung du miền núi, Thái Nguyên có địa hình da dạng, đa hệ sinh thái, tạo được nhiều sản vật sản quý. Các yếu tố về địa hình, địa chất đã hình thành một không gian nông nghiệp rộng mở, đặc trưng.

Nhiều sản phẩm nông, lâm nghiệp trở thành nguồn tài nguyên phong phú phục vụ ngành Du lịch phát triển, như các vùng đất trồng hoa, trồng cây ăn quả ở ngoại vi TP. Thái Nguyên; vùng trồng quế Định Hóa…

Bà Phạm Tuyết Bảo, Phó Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đúc kết: Phát triển du lịch tại nông thôn đem lại các giá trị tinh thần, vật chất và sự gắn kết cộng đồng. Bởi du lịch nông nghiệp, nông thôn đem lại lợi ích kép: Du lịch thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới, hình thành cơ sở kinh tế dịch vụ tại khu vực nông thôn, đem lại sinh kế cho người nông dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái và hỗ trợ ngược lại cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch.

Thời đại 4.0, xã hội ngày càng phát triển hiện đại, việc thấy nhà cao tầng, đường bê tông, ánh điện rực rỡ dễ tạo sự nhàm chán cho du khách, chưa kể ảnh hưởng từ hiệu ứng nhà kính.

Cũng vì thế, nhiều người lại mong ước được về những vùng nông thôn với giếng nước, gốc đa, bờ tre, ruộng lúa, muốn tận mắt nhìn thấy chùm khế ngọt trong câu hát để nhẹ vơi nỗi niềm cơm, áo, được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, tận hưởng hương đồng, gió nội.

Nắm bắt được nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của đa phần người dân vào các kỳ nghỉ, nhiều doanh nhân trong ngành Du lịch Thái Nguyên đã đau đáu tìm một hướng đi về nông thôn. Các doanh nhân cũng sớm nhận ra hướng đầu tư vào du lịch nông nghiệp, nông thôn là giải pháp lâu dài, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của đông đảo công dân thời đại số.

Nhưng để du lịch và nông thôn mới thực sự là "bạn đồng hành", giống như đoàn tàu đi trên cùng đường ray hướng về một đích, tạo vị thế phát triển lành mạnh trong lĩnh vực kinh tế và giải trí, luôn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp làm du lịch, Nhà nước và bà con nông dân.

Phát triển du lịch và nông thôn mới ở Thái Nguyên: "Bạn đồng hành" - Ảnh 2.

Cảnh quan vùng chè Động Đạt (Phú Lương).

Theo ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới: Thực tế du lịch và nông thôn mới đã hợp tác phát triển từ lâu. Kết quả sự hợp tác giữa 2 ngành làm tư duy của doanh nghiệp và người dân thay đổi. Doanh nghiệp chủ động hơn khi bỏ vốn đầu tư về nông thôn. Còn nông dân có ý thức làm việc khoa học, chủ động sản xuất theo phương thức truyền thống kết hợp giải trí. Tất cả cùng hướng đến mục đích chung là lợi nhuận kinh tế và đáp ứng sự thỏa mãn tinh thần.

Thực tế các vùng nông thôn khi có khách du lịch đến tham quan, bà con nông dân tự ý thức hơn đến quy trình sản xuất an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, bảo đảm sản xuất không gây ô nhiễm môi trường.

Hơn thế, ngay từ đầu của quá trình sản xuất, bà con nông dân đã có ý thức về quy hoạch, thiết kế vườn bãi làm tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm cây trồng, tạo được cảnh quan đẹp mắt thu hút khách du lịch.

Điển hình là Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên), với các sản phẩm nhà sàn truyền thống, trải nghiệm cuộc sống lao động sản xuất, văn hóa tinh thần với đồng bào dân tộc Tày – Nùng, từ lâu đã có tên trên bản đồ du lịch sinh thái của vùng Việt Bắc.

Một nguyên tắc cơ bản được đặt ra lúc này cho ngành Du lịch và phong trào xây dựng nông thôn mới gặt hái được thành công là: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và doanh nhân làm du lịch có chữ tín. Đó cũng là đích đến của du lịch sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo Báo Thái Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×