Phát triển du lịch Bình Định giai đoạn 2015 – 2020: Tạo đà tăng tốc, chuyển biến tích cực
14/10/2020 | 13:52Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch phát triển du lịch ngắn hạn, dài hạn, chỉ đạo công tác quy hoạch phục vụ phát triển du lịch mang tính chuyên nghiệp, bài bản hơn. Ðây là nền tảng để du lịch Bình Ðịnh có nhiều chuyển biến tích cực, tạo đà tăng tốc phát triển mạnh hơn trong những năm tới.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ
Nền tảng của những chuyển biến thời gian qua của du lịch Bình Định chính là Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, do UBND tỉnh ban hành. Trong đó, mục tiêu chung là phát triển du lịch Bình Định nhanh và bền vững để đến năm 2020 thực sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu chung của tỉnh. Khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng du lịch, nhất là phương tiện vận tải, cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng du lịch chất lượng cao...
Qua 5 năm triển khai Kế hoạch, du lịch đã trở thành ngành kinh tế có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển KT-XH của địa phương. Một trong những mục tiêu cụ thể của Kế hoạch đặt ra là đến năm 2020, tổng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 260 cơ sở/7.200 phòng (tăng 4.300 phòng so với thời điểm ban hành Kế hoạch vào đầu năm 2017). Kết quả, tính đến hết tháng 8.2020, toàn tỉnh có 323 cơ sở/7.940 phòng, bao gồm: 1 khách sạn 5 sao, 7 khách sạn 4 sao, 8 khách sạn 3 sao, 40 khách sạn 2 sao, 45 khách sạn 1 sao, 222 cơ sở lưu trú đạt chuẩn du lịch.
Anh Nguyễn Thanh, chủ một khách sạn trên đường Nguyễn Thị Định, TP Quy Nhơn, cho biết: "Gia đình tôi nhiều năm hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực khác, nhưng thấy được lượng khách du lịch đến Quy Nhơn ngày càng đông, cùng chủ trương của tỉnh kêu gọi đẩy mạnh phát triển du lịch, nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng, kinh doanh khách sạn khu vực gần biển. Trừ thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, còn lại có thể nói là đạt hiệu quả như mong đợi".
Theo Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Nguyễn Thị Mỹ, đến năm 2019, tổng việc làm do du lịch tạo ra đã lên tới hơn 123.200, trong đó chỗ làm trực tiếp là 49.200, gián tiếp tạo ra gần 74.000 việc làm cho các ngành khác. Bà Mỹ phân tích: "Tổng đóng góp của hoạt động du lịch vào GRDP tỉnh có xu hướng tăng rõ rệt trong 2 năm qua. Năm 2018, tổng đóng góp của du lịch là 16,7% (đóng góp trực tiếp 6,6%; đóng góp gián tiếp, lan tỏa là 10,1 %); năm 2019, tổng đóng góp là 17,99% (đóng góp trực tiếp 7,2%, đóng góp gián tiếp là 10,79%). Về đóng góp của du lịch vào ngân sách của tỉnh, tổng đóng góp qua thuế sản phẩm năm 2018 là 541 tỷ đồng (đóng góp trực tiếp 214 tỷ đồng, đóng góp gián tiếp 327 tỷ đồng); năm 2019 khoảng 662 tỷ đồng (đóng góp trực tiếp 265 tỷ đồng, đóng góp gián tiếp 397 tỷ đồng). Các con số này đã chứng minh vai trò của hoạt động du lịch trong việc phát triển kinh tế tỉnh, và phần đóng góp lan tỏa nhiều hơn đóng góp trực tiếp, cho thấy sự phát triển hoạt động du lịch kéo theo hoạt động của các ngành kinh tế khác của tỉnh".
Sẽ còn phát triển mạnh hơn
Sự phát triển của du lịch Bình Định mấy năm qua tạo nền tảng tốt cho việc tăng tốc sắp tới. Điều đáng mừng là sức hút của du lịch Bình Định tăng dần qua từng năm. Theo thống kê của Sở Du lịch, Bình Định đón hơn 3,7 triệu lượt khách trong năm 2017 (tăng 15,6% so với năm 2016), tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 2.133 tỷ đồng. Đến năm 2019, đón 4,829 triệu lượt khách (tăng 18% so với năm 2018), tổng doanh thu ước đạt 6.000 tỷ đồng. Năm 2020, nếu không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch tỉnh hoàn toàn có thể đạt mục tiêu cụ thể "Phấn đấu đến năm 2020 đón 5,5 triệu lượt khách" đặt ra trong Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy. Điều này phần nào được thể hiện trong tháng 7.2020, khi dịch chưa bùng phát trở lại, đã có đến 620.400 lượt khách đến Quy Nhơn - Bình Định (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019).
Hiện toàn tỉnh có 53 dự án trong lĩnh vực du lịch, chiếm tỷ lệ cao trong số các dự án đầu tư vào tỉnh, trong số này có khoảng 2/3 số dự án du lịch đang trong giai đoạn triển khai... Bà Nguyễn Thị Xuân Lan - Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Golden Life, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định - nhìn nhận: "Qua tìm hiểu đánh giá từ nhiều công ty lữ hành, Quy Nhơn - Bình Định cùng với Đà Lạt, Phú Quốc có sự phục hồi du lịch mạnh nhất trong cả nước trong tháng 6 - 7.2020. Dù giá khách sạn 3 - 4 sao ở Quy Nhơn thời điểm này cao hơn khá nhiều so với ở Đà Nẵng, Nha Trang đang giảm giá mạnh hơn, nhưng cung vẫn không đủ nhu cầu lượng khách muốn đến TP Quy Nhơn, nên nhiều đoàn đành chuyển đi du lịch nơi khác. Những người làm lữ hành chúng tôi tin rằng, bên cạnh lợi thế đang có vẻ đẹp biển, đảo, khi có thêm nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi, giải trí trong những năm tới, du lịch Quy Nhơn - Bình Định sẽ còn phát triển mạnh hơn".
Theo ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở Du lịch, nhằm có những định hướng đưa du lịch Bình Định phát triển mạnh hơn những năm tới, Sở đã phối hợp với các đơn vị chức năng, mời các chuyên gia trong nước cộng tác, nghiên cứu thực hiện Đề án xác định đóng góp của hoạt động du lịch vào nền kinh tế của tỉnh, để báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Đồng thời Sở Du lịch cũng chuẩn bị nội dung báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về dự thảo Đề cương chi tiết Chương trình hành động về Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025...