Phát huy vai trò của di sản và văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
22/04/2023 | 18:14Trong khuôn khổ Lễ hội đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023; thiết thực kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 của UNESCO, ngày 22/4, tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, dưới sự bảo trợ của Bộ VHTTDL, Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu - AVSE Global phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Diễn đàn bền vững Việt Nam với chủ đề “Phát huy vai trò của di sản và văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững”.
Tham dự Hội nghị- Hội thảo có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng. Cùng tham dự Hội thảo có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Phú Thọ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, du lịch.
Trách nhiệm và tầm nhìn trong bảo tồn di sản
Phát biểu khai mạc Hội nghị- Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, trong thời gian qua, công tác kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được các cấp, các ngành, các địa phương ở Việt Nam quan tâm triển khai thực hiện.
Các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu. Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chỉ tính riêng tại 08 Di sản Thế giới ở Việt Nam năm 2016 đón 14,3 triệu khách doanh thu khoảng 1.776 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên khoảng 18,2 triệu khách, doanh thu khoảng 2.322 tỉ đồng, đây là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần cân bằng/bảo vệ môi trường, củng cố hòa bình và an ninh theo hướng phát triển bền vững.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã phê chuẩn 4/6 Công ước quốc tế về văn hóa của Tổ chức UNESCO, 05 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO và được tín nhiệm bầu là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005. Những đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua được UNESCO và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Phát biểu tại buổi hội kiến với Thủ tướng Chính phủ tại Hà Nội vào ngày 6.9.2022 vừa qua, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã bày tỏ ấn tượng về chiều sâu của nền văn hóa Việt Nam và khẳng định tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản văn hóa, công nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc coi trọng chính sách văn hóa, gìn giữ và phát huy di sản.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 3.2023, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO Lazare Eloundou Assomo đã nói Việt Nam là hình mẫu về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản và mong muốn kinh nghiệm của Việt Nam được chia sẻ với các quốc gia thành viên khác.
Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021, Bộ VHTTDL cùng các địa phương đang tập trung triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước về văn hóa, nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc, đưa văn hóa phát triển ngang hàng với chính trị, kinh tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Thứ trưởng khẳng định, sáng kiến tổ chức "Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2023: Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững", thể hiện trách nhiệm, cũng như tầm nhìn của Việt Nam trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững. Diễn đàn này cũng là cơ hội để tỉnh Phú Thọ quảng bá, giới thiệu đến bạn bè giá trị di sản văn hóa của địa phương, đồng thời tranh thủ tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của các vị đại biểu khách quý để tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Phú Thọ và các địa phương khác trong những năm tới.
Di sản góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững
Diễn đàn diễn ra trong một buổi sáng với 1 phiên thảo luận chung và 3 phiên thảo luận chuyên đề, tập trung vào các nội dung: Định vị thương hiệu địa phương thông qua văn hóa, di sản và phát triển du lịch bền vững; chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và di sản dựa trên du lịch để phát triển bền vững các thành phố và vùng miền; phối hợp các bên liên quan và gắn kết vùng miền thúc đẩy sự phát triển hài hòa.
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, việc tham gia các Công ước của UNESCO về văn hóa không chỉ thể hiện tinh thần hòa nhập của Việt Nam cùng bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hóa cho hiện tại và tương lai, phục vụ phát triển du lịch bền vững, mà còn hướng đến mục tiêu chung của UNESCO là "góp phần duy trì hòa bình và an ninh trên cơ sở thắt chặt sự hợp tác giữa các dân tộc thông qua giáo dục, khoa học và văn hóa, vì mục đích tôn trọng trên phạm vi toàn cầu công lý, luật pháp, các quyền con người và quyền tự do cơ bản đối với mọi người…".
"Di sản văn hóa và thiên nhiên được xem là tài nguyên chính, phục vụ cho phát triển du lịch. Đồng thời, thông qua du lịch và các chính sách của nhà nước, đã giúp mang đến lợi ích cho cộng đồng được hưởng lợi từ di sản văn hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước…", Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Theo bà Lê Thị Thu Hiền, các khu di sản ở Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Những hiệu quả về kinh tế ở các khu di sản của Việt Nam hiện nay đa phần đều thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu. Có thể minh chứng điều này qua trường hợp Khu phố cổ Hội An, với việc chính quyền và nhân dân TP Hội An đã đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới, đạt kết quả nổi bật, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển du lịch - dịch vụ và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với số lượng khách tham quan Khu phố cổ Hội An ngày càng tăng, từ gần 879 nghìn khách năm 2006 đến năm 2019 đã tăng lên gần 2,5 triệu lượt. 20 năm qua từ khi trở thành Di sản thế giới, ngành kinh tế này đã tăng vượt bậc và hiện chiếm tỷ trọng hơn 70% so với GDP toàn thành phố .
Thông qua các hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu cho khách đến tham quan, nghiên cứu, các hoạt động du lịch, dịch vụ và bảo tồn di sản đã mang lại thu nhập và lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương, từ đó tạo nên mối quan hệ mật thiết, gắn bó của cộng đồng dân cư đối với di sản; góp phần mở rộng sự giao lưu, hiểu biết và thế giới quan của người dân, tăng cường đầu tư kinh tế cho địa phương và thúc đẩy sự hòa nhập của kinh tế địa phương vào hoạt động kinh tế chung của cả nước.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu: "Di sản văn hóa đã và đang trở thành nguồn lực quý giá, tạo ra động lực, thương hiệu, sự phát triển mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam. Các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản đã được ghi danh ở cấp độ quốc gia và quốc tế đều trở thành điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn khách du lịch, mang đến cho Việt Nam nhiều giải thưởng quốc tế, gần đây nhất là bình chọn "Điểm đến hàng đầu thế giới" năm 2022".
GS. Aaron Ahuvia, Đại học Michigan, chuyên gia hàng đầu thế giới về tình yêu thương hiệu chỉ ra rằng du lịch Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc những năm qua, tuy nhiên sau đại dịch Covid-19, nền du lịch đã gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tiếp tục củng cố để du lịch trở thành ngành mũi nhọn, Việt Nam cần đưa ra các biện pháp phù hợp trong bối cảnh hiện tại. GS. Aaron Ahuvia chỉ ra cách có thể biến những khách du lịch đến một lần thành những người yêu quý Việt Nam, quay lại nhiều hơn và lan tỏa niềm yêu thích về văn hóa và con người Việt Nam. Ông nhấn mạnh, cần chú trọng tăng thêm lượng khách du lịch từ phương Tây để có thể cạnh tranh được với các nước lân cận. Trên hết, để thực hiện được tất cả những điều trên chúng ta cần thực hiện một cách bền vững. Giáo sư cũng giải thích lý do tại sao việc nuôi dưỡng tình yêu thương hiệu của du khách đối với Việt Nam có thể giúp đáp ứng tất cả những thách thức chiến lược này, đưa Việt Nam đi trên con đường bền vững.
Khẳng định không có sự xung đột giữa bảo tồn và phát triển, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài nhấn mạnh, phát huy di sản văn hóa là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa, trong đó mô hình hợp tác công - tư được coi là điển hình tốt về phát triển bền vững, hiệu quả trong bảo tồn và lan tỏa giá trị của di sản văn hóa.
“Với mô hình này, các cơ quan quản lý nhà nước thể hiện vai trò trong xây dựng cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm cách tiếp cận cân bằng giữa phát triển du lịch với quản lý di sản; tuyên truyền, đồng hành với doanh nghiệp và người dân trong các vấn đề liên quan tới bảo tồn, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch… Từ đó, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cũng như cơ hội biết hơn về văn hóa, di sản, ứng phó tốt hơn với những thay đổi sinh kế, để có thể khai thác hiệu quả, hợp lý các giá trị di sản thành hàng hóa, các sản phẩm chất lượng”, ông Đặng Văn Bài chia sẻ.