Phan Quang - Một tấm gương sáng về học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh
31/08/2019 | 10:01Đối với bạn đọc Việt Nam nhiều thế hệ, Phan Quang đã trở thành một tên tuổi quen thuộc. Cuộc đời ông đã gắn bó với những bài báo, trang sách, những bản dịch có sức sống mãnh liệt và truyền cảm hứng cho người đọc.
Phan Quang tên khai sinh là Phan Quang Diêu. Ông sinh năm 1928 trong một gia đình có truyền thống nho học tại làng Thượng Xá, nay thuộc xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, bên bờ sông Thạch Hãn gần Thành cổ Quảng Trị. Phan Quang là một người đã có cống hiến trên nhiều phương diện: một nhà báo kỳ cựu với ngàn bài báo, một nhà văn, một nhà văn hóa lỗi lạc và một dịch giả tài năng. Hơn 50 tác phẩm với nhiểu thể loại: truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, truyện thiếu nhi, phê bình, tiểu luận… đã được xuất bản đã cho thấy sự hiểu biết rộng lớn, sức làm việc phi thường và sự tận tụy của ông với đất nước, nhân dân, với cuộc đời, với những người bạn, người đồng chí thân yêu.
Trong các yếu tố để làm nên Phan Quang, một nhà báo lỗi lạc, một nhà văn, một dịch giả tài năng, có một yếu tố hết sức quan trọng: Ông đã luôn trân trọng những kỷ niệm và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và không ngừng phấn đấu để làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ. Điều khắc cốt ghi tâm đối với Phan Quang là lời chúc, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ của Bác từ Tết Bính Thân (1956), "Chú là phóng viên, là nhà báo. Năm mới, Bác chúc nhà báo viết cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc". Từ những tâm niệm ấy, người cầm bút Phan Quang đã nỗ lực suốt một đời. Thực hiện lời dạy của Bác, nhà báo Phan Quang đã xác định: Một tác phẩm báo chí muốn có chỗ đứng trong lòng người đọc phải "đúng, trúng, nhanh, hay". Phan Quang đã từng khái quát về nghề cầm bút của mình trong 4 chữ "ĐỌC - ĐI - NGHĨ - VIẾT".
Với lòng yêu nước thiết tha, dù chưa đến tuổi thành niên, học chưa hết phổ thông trung học, Phan Quang đã xếp bút nghiên, lên đường theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh. 17 tuổi, ông tham gia giành chính quyền ở huyện Hải Lăng ngay từ Cách mạng tháng Tám. Tuổi trẻ của ông gắn liền với hoạt động Đoàn Thanh niên, phong trào Bình dân học vụ sôi nổi. Năm 1948, Phan Quang đã được đồng chí Nguyễn Chí Thanh, lúc đó là Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên lựa chọn để đào tạo lâu dài. Từ vùng địch hậu Bình Trị Thiên, ông đã được điều chuyển ra vùng tự do Liên khu IV Thanh Nghệ Tĩnh và làm việc tại báo Cứu quốc. Công việc đó thoạt đầu ông không thích vì ông thích viết văn hơn, nhưng phân công của tổ chức không thể từ chối. Và thế là với tâm thế khiêm nhường của người học việc, ngay sau khi nhận công tác ông đã bắt đầu viết. Không có điều kiện được đào tạo căn bản, ông đã bắt đầu cầm bút từ việc tự học và trong tự học, sách với ông là người thày và người bạn muôn đời thủy chung. Ông đã trở thành phóng viên báo Cứu quốc năm 20 tuổi và được mọi người yêu mến với những bài viết đầu tay. Năm 1949, ông được cử trở lại chiến trường Bình Trị Thiên làm phóng viên mặt trận. Năm 1954, Phan Quang được điều động về báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Ông đã làm ở đây 28 năm liền. Với lý tưởng cao đẹp, luôn sẵn sàng dấn thân, không quản ngại gian khổ hy sinh và sự nỗ lực học hỏi không ngừng Phan Quang được nhìn nhận là người đi nhiều nhất, viết nhiều nhất. Bài viết của ông có nhiều thể loại: xã luận, bình luận, phóng sự điều tra, bút ký… mang hơi thở của cuộc sống và tầm vóc của thời đại. Cùng với các nhà báo đương thời như Hoàng Tùng, Thép Mới, Quang Đạm, Hồng Hà, Hữu Thọ, Hà Đăng… Phan Quang góp phần hình thành nên một thế hệ vàng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Năm 1987, Bộ Thông tin được thành lập. Phan Quang được bổ nhiệm Thứ trưởng phụ trách mảng báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất nhập khẩu sách báo… và công tác đối ngoại. Ông đã tích cực có những đóng góp để thực hiện chủ trương mở cửa, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với nước ngoài của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1988 đến hết năm 1997, ông là Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập, Bí thư Ban Cán sự Đảng Đài Tiếng nói Việt Nam, kiêm nhiệm kỳ Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hai nhiệm kỳ V và VI (1989-2000), đồng thời được bầu làm Đại biểu Quốc hội, làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nhiệm kỳ liền, từ năm 1987 đến 2002, góp sức thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại đổi mới của Đảng và Nhà nước ta.
Ông đã có công xây dựng và phát triển Đài Tiếng nói Việt Nam với cơ sở hạ tầng hiện đại, đội ngũ phóng viên có trình độ tác nghiệp chuẩn hóa, năng động, đổi mới các hệ phát thanh của Đài tạo bước khởi đầu để các nhiệm kỳ lãnh đạo kế tiếp dần dà hình thành nên hệ thống hùng hậu các kênh từ VOV1 đến VOV 6, VOV Giao thông, VOVTV… ngày nay.
Phan Quang đã có nhiều cống hiến cho công tác Hội Nhà báo Việt Nam. Từ năm 1991, ông đề xuất và được cấp trên chấp nhận thành lập Giải báo chí toàn quốc, tiền thân của Giải Báo chí quốc gia Việt Nam hiện nay góp phần nhân rộng tài năng, khích lệ đam mê nghề nghiệp báo giới. Ông là người du nhập Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khuyến khích thúc đẩy. Qua nhiều lần trao đổi, hội thảo, đặc biệt là sau Hội thảo toàn quốc về chủ đề này năm 1993 tại Hà Nội, ông khởi thảo Quy ước đạo đức báo chí Việt Nam gồm 10 điều, được Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Hội thông qua năm 1995. Không ít công việc do ông khởi xướng đã được Hội Nhà báo Việt Nam nhiều nhiệm kỳ kế tiếp tiếp tục thực hiện, đổi mới, nâng cao.
Ông nghỉ hưu năm 2003 khi đã 75 tuổi. Nghỉ hưu nhưng ông không hề ngơi nghỉ, ông tiếp tục làm báo, viết và dịch sách. Những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy cùng nhiệt huyết tiếp tục lắng đọng, tuôn chảy thành những tác phẩm cống hiến cho người đọc, đúc kết và gợi mở biết bao điều. Tài năng và đức độ của Phan Quang đã trở thành niềm tự hào của những người làm báo Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp và tấm lòng của ông đối với đất nước và đối với nghề đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà báo, nhà văn viết lên các tác phẩm, có thể kể đến như: Tiểu thuyết Từ bến Sông Nhùng của Phạm Quốc Toàn, Phan Quang - Nhà báo xuất sắc liền hai thế kỷ của Nguyễn Sĩ Đại, tuyển tập Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề do Nguyễn Thị Trường Giang tuyển chọn…
Nhìn lại hơn 70 năm cống hiến, ở bất cứ cương vị nào, Phan Quang cũng tâm huyết làm tròn trách nhiệm của mình. Từ kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ và lời dạy của Bác về làm báo, làm theo tấm gương của Bác không ngừng tự học, Phan Quang đã luôn sử dụng chiếc chìa khóa vạn năng khiến ông có thể thích ứng được vào mọi hoàn cảnh là tự học không ngừng.
Với Phan Quang, tài năng là một sự tích lũy lâu dài. Học rộng trong quan niệm của ông là phải đọc nhiều. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc…" vốn là người ham đọc sách từ nhỏ, Phan Quang đã luôn dành thời gian cho việc đọc. Theo ông: Để có thể viết nên các bài báo hay, nhà báo phải có tri thức xã hội tổng hợp, đồng thời phải có hiểu biết chuyên ngành. Trước khi đi, viết, ông luôn có thói quen đọc để tìm hiểu về vấn đề phải viết.
Tôi thực sự tâm đắc với cảm nhận của nhà văn Hữu Thỉnh: "Với kiến văn rộng rãi và sự trải nghiệm sâu sắc và tầm nhìn xa rộng, anh viết về bất cứ lĩnh vực nào cũng gợi lên nhiều vấn đề để suy nghĩ… Ở nước ta, Phan Quang là một trong số những tên tuổi lớn đóng góp vào sự thay đổi căn bản trong văn hóa đọc". Khi đọc những trang viết của Phan Quang, chúng ta như bắt gặp cả dân tộc với những con người bình dị, nỗ lực vươn lên làm nên những huyền thoại trong chiến đấu, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, một dân tộc trong giai đoạn hào hùng chuyển mình, từ lạc hậu, đói nghèo vươn lên kiêu hãnh làm người sánh vai cùng với cường quốc năm châu. Qua những trang sách của ông, những con người của một thời đại gắn liền với những chiến công và kỳ tích đưa Việt Nam từ một cái tên không có trên bản đồ thế giới đến một danh xưng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" phần lớn đều có điểm chung là đi lên từ tự học và thâu thái mọi điều từ việc đọc không ngừng, đọc nhanh và đọc rộng.
Khi hỏi ông về phương pháp và lời khuyên cho thế hệ trẻ về đọc sách, ông nêu ba điều cần quan tâm: Thứ nhất là chọn sách, phải biết chọn sách mà đọc, không chạy theo phong trào hay số đông. Thời gian vốn hữu hạn vì thế, chọn sách được sách tốt sẽ như chọn được bạn tốt, giúp người đọc đỡ mất thời gian vô bổ. Thứ hai: Đọc luôn gắn liền với ghi chép, ghi chép cảm tưởng và dữ liệu. Thứ ba: Làm nghề nào, làm việc gì cũng cần phải đọc, đặc biệt là nhà báo nhà văn.
Trong cuộc đời không ngừng học hỏi và đọc sách của mình, ông sử dụng nhiều nguồn khác nhau. Ông mượn sách tại thư viện, mượn bạn bè, đồng thời luôn dành tiền để mua sách thường xuyên. Bất cứ khi nào gặp sách hay, khi đi công tác ở trong và ngoài nước, ông cũng dành thời gian đến các hiệu sách, cũ và mới để sưu tầm những cuốn sách hay. Trong tủ sách của ông có thể gặp vô số các cuốn sách ghi dấu tích của những chuyến đi. Sách đã trở thành người bạn, giúp cho cuộc hành trình bớt dài, giúp cho Phan Quang đến với thế giới, cuộc sống và sự hiểu biết vô cùng vô tận.
Đọc Phan Quang, chúng ta không chỉ ngưỡng mộ các tác phẩm báo chí hay văn học của ông mà còn thực sự cảm ơn về những tác phẩm dịch với văn phong trong sáng, sinh động và hấp dẫn. Từ vốn ngoại ngữ uyên thâm ông đã đem đến bạn đọc Việt Nam những tác phẩm văn học dịch nổi tiếng: Hội chợ bán người, Những ngôi sao ban ngày, Trở lại với đời, Sử thi huyền thoại Đông Tây, Nghìn lẻ một ngày, Trà thư, Chuyện rừng châu Phi… Trong đó Nghìn lẻ một đêm đã được xuất bản tới hơn 30 lần với hơn 30.000 bản (không tính rất nhiều bản in lậu không nộp lưu chiểu). Điều đáng kinh ngạc là ngoại ngữ mà Phan Quang có được cũng hình thành chủ yếu từ khi học tiểu học, trung học, được tự học và không ngừng trau dồi qua năm tháng. Đây cũng là một phong cách học tập theo phong cách Bác Hồ của Phan Quang mà không dễ gì ai có thể theo kịp.
Từ mỗi bài viết, trang văn của Phan Quang, có trang mộc mạc, giản dị, có trang triết lý sâu xa, chúng ta như được tiếp thêm một nguồn năng lượng trong sáng, dạt dào và niềm khát vọng vươn đến sự hiểu biết, sáng tạo không ngừng để góp phần xây dựng một xã hội nhân văn, dân chủ, một đất nước đàng hoàng, to đẹp như Bác Hồ hằng mơ ước.