Phác họa của Phan Quang về những tấm gương ham đọc sách
02/03/2020 | 09:01Chúng ta không chỉ cảm nhận được giá trị của việc đọc và học từ sách báo trong cuộc đời Phan Quang mà qua những trang sách và câu chuyện kể của ông còn chứa đựng nhiều bài học đầy tính nhân văn và lấp lánh ánh sáng của tình yêu đọc sách trong nhiều tấm gương khác, giản dị và cao quý.
Phan Quang là một nhà báo, nhà văn, dịch giả thân thuộc có khả năng truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người đọc. Ông từng khái quát về nghề cầm bút của mình trong bốn từ "ĐỌC - ĐI - NGHĨ - VIẾT". Khi tâm sự, ông luôn khẳng định vai trò của việc đọc trong quá trình học tập, công tác, từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành. Không chỉ quan tâm đến việc đọc của mình, ông còn đề cao những người, dù ở bất cứ cương vị nào, dù là lãnh tụ, cán bộ cấp cao hay, nhà văn, nhà báo, học giả hay văn nghệ sĩ đã quan tâm đến việc đọc sách báo.
Tại bài Tầm nhìn Lê Duẩn, Phan Quang không chỉ giúp mọi người hiểu hơn về nhãn quan sáng tạo của Lê Duẩn (1907-1986) "Là học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch, Lê Duẩn có tầm nhìn sáng tỏ vào những bước chuyển hoặc giờ phút khó khăn của đất nước", mà ông còn khắc họa hình ảnh ham đọc sách của vị Tổng Bí thư đáng kính. "Những ai có dịp gần cố Tổng Bí thư đều chung nhận xét: Ông đọc rất nhiều và luôn suy nghĩ. Ông đọc vào mọi dịp, đọc trong nhà tù, đọc khi đi nghỉ ở nước ngoài, đến lúc tuổi cao sức yếu vẫn say mê đọc. Trong điều kiện những năm 1980 trở về trước, chắc ít người tham khảo Bách khoa toàn thư của Pháp hay Kinh Coran của đạo Hồi để làm công tác như Lê Duẩn. Theo ông, "để làm việc với các tín đồ đạo giáo, cần hiểu đúng tôn giáo của họ". Ông đọc sách nhưng không nhất nhất tin mọi điều trong sách. "Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo" (Lênin), phải tìm chân lý từ thực tiễn đất nước mình, hơn nữa tư duy của mỗi người cũng cần phát triển chứ không phải một lần thuộc sách là đủ cho cả đời.
Thời trẻ, các bạn tù gọi Lê Duẩn là "người hay cãi sách". Ông đọc sách nhưng thường có ý kiến phản biện một số điều viết trong sách. Một lần đến thăm Trường Đảng, nơi các học viên là cán bộ trung, cao cấp đang nghiên cứu Lịch sử Đảng, lúc trao đổi với anh em ở hành lang, Lê Duẩn hỏi: "Các đồng chí học lịch sử Đảng, vậy theo các đồng chí bài học gì của Đảng ta là đáng ghi nhớ nhất?". Mỗi người trả lời một cách, ai cũng có cái đúng. Ông cười: "Theo tôi, bài học lớn nhất của Đảng ta là phải độc lập suy nghĩ, giải quyết các vấn đề của cách mạng Việt Nam trên cơ sở đánh giá đúng tình hình thực tế của Việt Nam".
Với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967), anh Thao kính yêu của Phan Quang, ông cũng cung cấp cho người đọc một hình ảnh một Đại tướng rất trân trọng sách và quan tâm đến việc đọc. Thật cảm động khi nghe lời dặn dò của anh Thao với cán bộ cấp dưới năm 1947, khi phải sơ tán cơ quan Xứ ủy Trung bộ lên vùng chiến khu: "Phải cẩn trọng giữ sách. Quý hơn vàng đấy. Còn sách báo là còn cách mạng. Hãy cố mà giữ cho được!".
Qua ngòi bút của Phan Quang, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người ham học và mê đọc. Để bổ khuyết cho việc học trong nhà trường không được tới nơi tới chốn, anh Thanh đã chịu khó nghiên cứu nhiều loại sách: sách kinh điển, lý luận, nghiên cứu kinh tế, tác phầm văn học tiếng Việt và cả tiếng Pháp. Khi đọc được sách hay, anh thường chia sẻ với người xung quanh. Ngay tại gia đình đồ đạc sơ sài nhưng có một giá gỗ xếp nhiều sách. Đại tướng đọc khá nhanh và ông luôn hiểu rõ vai trò và giá trị của sách, tìm mọi cơ hội để bồi bổ tri thức của mình thông qua việc đọc. Và điều đó đã trở thành một đặc điểm làm nên "phong cách Nguyễn Chí Thanh", cánh chim đại bàng, vừa có tầm nhìn xa trông rộng, lại thấy được cái rất cụ thể ( cách ví của Thủ tướng Phạm Văn Đồng).
Trong bài Một tầm cao báo chí viết về Hoàng Tùng (1920-2010), nhà báo lỗi lạc của Việt Nam, Phan Quang đã kể lại những kỷ niệm xúc động. Noi gương Bác Hồ, Hoàng Tùng đã "suốt đời học, dạy người học, mở mang việc học", thực hiện lời dạy của Bác "Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết", Hoàng Tùng đã không ngừng tự học, tạo điều kiện cho đội ngũ những người làm báo được học hỏi, đi thực tế. Điểm đáng chú ý là trong ấn tượng của Phan Quang: Hoàng Tùng là người ham đọc sách. Ông đọc nhiều, đọc nhanh, nhận thức sâu và có trí nhớ tuyệt vời. Do vị trí công tác, ông có điều kiện cập nhật thông tin về nhiều lĩnh vực. Và tổng hòa các nhân tố đó đã tạo nên một nhà báo, nhà chỉ đạo báo chí Hoàng Tùng sắc sảo, năng động, hiểu biết rộng, nhạy bén trước cái mới…
Chân dung của học giả Vương Hồng Sển (1902-1996), người nổi tiếng là có kiến thức uyên thâm dù chưa từng học qua bậc đại học ở nhà trường, cũng được Phan Quang khắc họa với những chi tiết sinh động gắn liền với việc đọc. Theo mô tả của Phan Quang, cụ Vương Hồng Sển là người ham đọc sách, chơi sách và sưu tầm sách quý hiếm. Cụ đọc và ghi chép trích dịch, luận bàn theo ý của mình. Phần lớn những tác phẩm cụ đọc được rút ra qua những tài liệu ghi chép dưới dạng hồi ký, mà đến ngoài tuổi 90 cụ vẫn còn giữ gìn và quý hơn vàng. Học giả Vương Hồng Sển là một trong những biểu tượng của văn hóa Nam bộ. Ông nổi tiếng về lối viết sách độc đáo, về bộ sưu tập sách quý và đặc biệt là về bộ sưu tập những món cổ vật vừa quý vừa đẹp mà ông cất công sưu tầm suốt hơn nửa thế kỷ.
Về nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Phan Quang dành những tình cảm đặc biệt. Phan Quang trân trọng Nguyễn Văn Bổng vì nhà văn là người học rộng, đọc nhiều, hiểu sâu. Ông không chỉ quan tâm đến việc thu thập dữ liệu phục vụ công tác của mình mà còn chú trọng đến việc giới thiệu cho những người thân trong gia đình những cuốn sách có giá trị để những người thân tranh thủ thời gian mà tự học. Phan Quang đã cung cấp cho người đọc nhiều chi tiết thật cảm động. Ngay trong một bức thư từ chiến trường Tây Nam Bộ gửi vợ ở Hà Nội, Nguyễn Văn Bổng nhắn nhủ "Trong quyển "Làm mẹ" tập II, có kể chuyện bà mẹ và bốn con (sau đẻ thêm một bé thứ năm) đã sống như thế nào trong khi người chồng ra tiền tuyến. Vân (tên người vợ ông) nên mua quyển ấy đọc, cho Phương đọc, hoặc kể cho Phương nghe. Sau này cho Nguyên đọc. (Phương, Nguyên tên các con trai của hai vợ chồn ấy). Anh rất thích những đứa con như trong chuyện ấy. Vân giảng cho Phương, và sau này cho Nguyên hiểu, ba đang ở đâu, tiền tuyến của chúng ta ở đâu, các con nên làm thế nào…Có thì giờ em nên học lại tiếng Nga. Em để dành tiền, chắc là được, mua bộ đĩa và cái máy quay mà tự học những lúc rảnh… (Thư đề ngày 8-9-1962).
Về nhà văn Tô Hoài, Phan Quang viết: Do hoàn cảnh gia đình, Tô Hoài thôi học sớm… Nhưng Tô Hoài thích đọc, ông có thể đọc được cả những tác phẩm văn học bằng tiếng nước ngoài, và sự uyên bác, lịch lãm của nhà văn Tô Hoài là do ông tự học, tự bồi đắp mà nên.
Nhà thơ Chế Lan Viên lớn hơn Phan Quang tám tuổi nhưng luôn coi Phan Quang là bạn tâm giao, "người đã chứng kiến phần lớn của tôi" (lời Chế Lam Viên qua lời ghi tặng bạn bộ Tuyển tập Văn học của ông), trong khi Phan Quang lại coi tác giả "Điêu tàn" và "Ánh sáng và Phù sa"… là người thầy của mình trong nghề báo, nghề văn. Phan Quang kể: Khi ông mới đến nhận việc ở báo Cứu quốc Liên Khu IV, lúc này ông chưa tròn 20 tuổi, Chế Lan Viên đã giới thiệu cho ông đọc nhiều tác phẩm văn học nước ngoài qua các bản dịch Pháp văn. Ông khuyên Phan Quang, khi nghiên cứu về đạo Thiên chúa, không nên chỉ đọc Tân ước mà nên tìm đọc cả Cựu ước thì mới thấy hết độ thâm thúy của bộ kinh này. Tuy nhiên nhà thơ khuyên nên tìm đọc bản tiếng Pháp, vì bản tiếng Việt do nhà báo Phan Khôi làm theo đặt hàng của Hội Tin lành, dịch qua bản Trung văn, nhiều chỗ còn lủng củng, không còn nhiều chất thơ như bản dịch tiếng Pháp, đặc biệt chương Nhã Ca.
Năm 1957, khi phải đi dưỡng bệnh tại một bệnh viện ở nước ngoài, Chế Lan Viên báo tin với bạn, tại đây ông được gặp một cán bộ cách mạng lão thành của ta cũng sang đây dưỡng bệnh. Cụ xuất thân là một nhà Nho học uyên thâm nên giúp Chế Lan Viên đọc và hiểu sâu hơn thơ Đường cổ đại. Tại bức thư khác gửi Phan Quang, nhà thơ tâm sự: "Để khỏi phí thì giờ, Hoan (tên khai sinh của Chế Lan Viên) vẫn ghi vẫn học… Pablo Neruda (nhà thơ Chilê) càng đọc càng thích. Nếu Nếu Neruda phản ánh sự đấu tranh bên ngoài thì Paul Éluard (nhà thơ Pháp) nói lên sự đấu tranh bên trong… Ở Đỗ Phủ, tính nhân văn, tính hiện thực cao độ. Hoan đọc sách nhưng cố gắng không để sách che lấp cuộc sống. Hoan đọc và suy nghĩ thêm. Hiện thực nếu chỉ nhờ vào con mắt và lỗ tai, voir (thấy) mà không savoir (biết) thì rồi viết ra cũng sẽ bôi hồng hay tô đen thôi. Hoan không thích những nhà văn viết ra tác phẩm như con kiến bò lên cột nhà mà leo, Hoan cũng không thích những con kiến không bò, giơ chân lên mà hỏi đây là chân thứ mấy… Hoan thích những nhà văn luôn đặt vấn đề về cuộc sống, về nghệ thuật, luôn luôn tự hỏi mình và trả lời mình, hỏi giúp người khác và trả lời giúp người khác" (Thư ngày 1-5-1957).
Phan Quang cũng cho bạn đọc của ông biết nhiều chi tiết thú vị về nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: Cũng như phần lớn những nhà soạn nhạc thuộc thế hệ đầu của tân nhạc Việt Nam, Nguyễn Văn Thương đi vào nhạc lý mới bằng tự học qua sách tiếng Pháp. Ông chịu ảnh hưởng khá sâu những bài hát phương Tây thời thượng hồi trẻ thể hiện qua điện ảnh Pháp, nhưng cái nền nhạc dân tộc thì đã thấm đậm đà trong máu thịt ông từ ngày còn bé. Năm 1936, sau khi học xong bậc trung học cơ sở, ông chuẩn bị ra Hà Nội học tiếp ban tú tài. Một lần cùng bạn bè du ngoạn trên sông Hương, cảm xúc đến, và chàng trai tự học âm nhạc ấy đã sáng tác ca khúc đầu tay "Trên sông Hương".
Thực sự thú vị khi đọc sách của Phan Quang và được nghe ông kể chuyện. Người đọc, người nghe không chỉ học hỏi và tiếp thu được nhiều kiến thức và thông tin phong phú từ vốn sống đầy ắp và trí nhớ phi phàm của ông mà luôn được truyền một cảm hứng mãnh liệt về văn hóa đọc. Chúng ta không chỉ cảm nhận được giá trị của việc đọc và học từ sách báo trong cuộc đời Phan Quang mà qua những trang sách và câu chuyện kể của ông còn chứa đựng nhiều bài học đầy tính nhân văn và lấp lánh ánh sáng của tình yêu đọc sách trong nhiều tấm gương khác, giản dị và cao quý.