Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Pái nhnáng: Lễ bái tổ tông của người Dao Đỏ đêm 30 Tết

04/02/2019 | 19:10

Pái nhnáng- Lễ bái tổ tông của người Dao Đỏ ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên là nghi lễ truyền thống của bà con thể hiện lòng thành kính tổ tiên.

Đây cũng là dịp để mỗi dòng họ gặp mặt nhận anh em họ hàng và xưng hô theo thứ bậc. Trong lễ Pái nhnáng này, còn có các nghi thức nhằm cầu an lành, may mắn, mưa thuận gió hoà.

Trong đêm 30 tết, chiêng trống nổi lên rộn rã tại nhà trưởng dòng họ Triệu. Lúc này, ngoài sân, các gia đình con cháu trong dòng họ đã chuẩn bị sẵn sàng qua canh 1 là “Khzuất tzụaz” (Khởi hành), để tất cả dòng họ đi về hướng đông. Họ nhặt những hòn đá tượng trưng là vàng ngọc, hái những cành hoa tượng trưng cho phúc lộc, duyên may rồi cả đoàn người mang những lễ vật đó quay về nhà trưởng dòng họ, đặt phía dưới bàn thờ. Sau đó tiếp tục chuẩn bị các mâm lễ bái tổ tông, rồi ra sân chất thêm củi lửa, xếp thành hàng đợi trưởng dòng họ rót những bát nước mới mời họ hàng, thay cho lời chúc sức khoẻ, năm mới may mắn hạnh phúc.

Pái nhnáng: Lễ bái tổ tông của người Dao Đỏ đêm 30 Tết - Ảnh 1.

Bếp lửa được chất thêm củi.

Ông Chảo Tràn Sin trưởng dòng họ Triệu ở bản Huổi Theo, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện  Biên nói: “ Hôm nay dòng họ tôi tổ chức paiz nhnáng. Để tổ chức lễ này, dòng họ tôi đã họp bàn thống nhất trong ngày “Búa nhnáng” hay còn gọi là lễ tổng kết cuối năm để làm lễ bái tổ tông sao cho thật chu toàn. Các gia đình trong dòng họ thống nhất việc đóng góp lễ vật như  gia súc, gia cầm, rượu thịt và phân công công việc trong ngày lễ trọng đại của dòng họ mình. Đây là một phong tục gắn kết hòng họ có từ này sang đời khác”.

Lễ vật Pái nhnáng của người Dao Đỏ Điện Biên được các gia đình trong dòng họ kỳ công chuẩn bị. Nếu tổ tiên có bao nhiêu âm thì con cháu trong dòng họ phải chuẩn bị tương ứng bấy nhiêu con gà. Ngoài con gà trống đang tập gáy mang đến nộp cho trưởng dòng họ, đại diện các gia đình khi đến Pái nhnáng phải mang đủ 120 cuộn tiền âm. Các lễ vật phải có đủ gạo, rượu, dao liềm, cờ giấy…, đặc biệt những con gà trống phải để sống cho đến khi kết thúc lễ bái tổ tông mới được sát.

Anh Chảo Nẻ Phin, một người cháu trong dòng họ Triệu cho biết: “Từ đêm 30 tết chúng tôi đã có mặt tại nhà trưởng dòng họ. Sáng sớm mồng một, chúng tôi gọi nhau dậy sớm, gõ trống chiêng rộn rã, rủ nhau “Khzuất saz” (đi hái lộc, uống nước mới). Lễ bái tổ tông còn là dịp để anh em nhận họ hàng, để biết nhau và cách xưng hô theo thứ bậc, để khỏi đặt tên trùng nhau, để tránh việc hôn nhân trong cùng dòng họ. Thứ nữa là rút kinh nghiệm trong cuộc sống. Đây là một nét đẹp văn hoá truyền thống của người Dao tôi không thể bỏ được.”

Lễ bái tổ tông của người Dao Đỏ được tổ chức với hai nghi thức: Bái âm (pái ziêm) và bái dương (pái zàng). Mỗi năm tổ chức một lần và do cả dòng họ quyết định. Lễ này được dòng họ kỳ công chuẩn bị. Vào đúng đêm 30 tết, đại diện các gia đình có mặt tại nhà trưởng dòng họ. Sau khi tất cả con cháu “khzuất saz” quay về thì người thầy cúng làm lý cúng báo tổ tiên biết để làm lễ bái âm. Những mong tổ tiên cầm trịch và phù hộ.

Bếp lửa được chất thêm củi, trống chiêng mỗi lúc nổi lên rầm rộ và liên tục. Những người đàn ông Dao có nhạy cảm với “đồng bóng’ thì rung cả người lên nhảy vào đống lửa đang cháy ngùn ngụt, và nằm lăn ra rồi từ từ lăn về phía bàn thờ. Theo quan niệm của đồng bào Dao, khi lên đồng như vậy có nghĩa mời tổ tiên tắm sạch sẽ, gột rửa những điều không may mắn, khai sáng, phù hộ con cháu làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu. Sau nghi lễ nhảy lửa, người thầy cúng sẽ chọn ra 8 người đã có tên âm là những người bái tổ tông. Số người này đứng thành hàng ngang, mặt hướng về phía bàn thờ, mỗi người trong tay cầm những lễ vật như dao, liềm, cờ, gà trống: tiến lùi 12 lần, vái 12 cái.

Pái nhnáng: Lễ bái tổ tông của người Dao Đỏ đêm 30 Tết - Ảnh 2.

Con gà trống - lễ vật không thể thiếu trong lễ Pái nhnáng.

Hết động tác vái thì đi vòng quanh những cái bát đặt sẵn dưới đất để chuẩn bị cắt tiết gà. Sau đó mỗi người lấy một ít tiết gà bôi vào bàn thờ, rồi nhổ vài cái lông gà ở cổ dính vào đó. Nghi thức này có ý nghĩa tiễn các binh mã của tổ tiên. Và ra dấu với các thần linh là dòng họ Chảo đã làm lễ bái âm. Sau đó thầy cúng đốt tiền giấy, rót rựou tiễn đưa tổ tiên về nơi âm phủ. Những người lên đồng làm động tác “thúi tồng” (thoái đồng). Lễ bái âm kết thúc.


Sau khi kết thúc lễ bái âm, các thành viên trong dòng họ lại bắt tay tổ chức lễ bái dương ngay trong sáng ngày mồng 1. Sau khi con cháu đã thắp hương cúng tổ thì mỗi người được phát một sấp tiền âm phủ cầm trên tay. Tất cả con cháu đều hướng bề phía bàn thờ tổ tiên, bái theo sự điều khiển của thầy cúng. Thầy cúng đọc bài, con cháu bái đủ 12 lần, bởi một năm có 12 tháng, một ngày đêm có 12 thời khắc.

Thầy cúng Chảo Sin Taz cho biết thêm nội dung bài ca bái tổ: “Bái tạ âm gian, kính mong âm gian phù hộ độ trì; Thánh ông được phúc, thánh lực bảo thời, thông đến chế lễ nhất lang, chế lễ nhị lang, Phụ Hy tỷ muội. Phù hộ sinh nam nữ, Sinh vàng sinh báu. Phù hộ người già thọ tựa bành tổ, người trẻ lớn như cành vững như gốc. Phù hộ con cháu giàu sang vàng bạc đầy hòm, quàn áo đầy bem; Phù hộ ruộng nương canh tác mùa màng ngũ cốc đầy kho, gia súc đầy chuồng đầy sân. Phù hộ đi học đỗ tú tài, bệnh hoạn được tu tai, vườn đào hàng năm nở rộ; Phù hộ cầu quan tiến chức; Cầu thánh mong thánh mở ân. Mong nhờ âm gian được phúc. Sau khi hết bài cúng thì tất cả con cháu bỏ xấp giấy vào xếp thành đống trước bàn thờ để hoá tiền giao cho âm Phủ.”

Phong tục của người Dao đỏ ở Nậm Pồ xưa và nay đều gìn giữ truyền thống Pái Nhnáng bắt đầu vào đêm 30 tại nhà trưởng dòng họ, để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đây cũng là dịp để họ cảm tạ các vị gia tiên, thần linh đã phù hộ độ trì họ suốt năm qua, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hoà, dòng họ trên dưới ấm no, hạnh phúc./.



Theo VOV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×