Ông Võ Văn Thưởng: Âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, góp phần tạo ra các bản sắc và phẩm giá con người Việt Nam
07/08/2020 | 15:08Ngày 7/8, tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ X (2020 - 2025). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội Văn học nghệ thuật Trung ương và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Võ Văn Thưởng đã đến dự Đại hội.
Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ IX (2015 - 2020), và phương hướng công tác nhiệm kỳ X (2020 - 2025), Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ IX, PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, nhìn lại 5 năm qua, các nhạc sĩ hội viên đã đóng góp tích cực trong các hoạt động âm nhạc của đất nước, từ sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình... trong các sự kiện âm nhạc quan trọng như: lễ hội truyền thống, các hội diễn chuyên nghiệp, các cuộc vận động sáng tác... nhiều tác phẩm từ ca khúc, nhạc múa, hòa tấu, liên khúc... đoạt nhiều HCV, HCB, các giải cao của các Ban, Bộ, ngành...
Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn theo sát những hiện tượng nổi cộm trong đời sống âm nhạc, nhất là lĩnh vực âm nhạc giải trí. Các hoạt động biểu diễn ở trong nước được triển khai với nhiều hoạt động biểu diễn lớn nhỏ, với việc tổ chức 8 Liên hoan âm nhạc các khu vực, nâng tổng số các liên hoan lên tới con số 33 nếu tính từ Liên hoan lần thứ nhất.
Trong nhiệm kỳ tới, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân thông qua các Liên hoan quốc tế, trao đổi nghiệp vụ với các nhạc sĩ nước ngoài, cụ thể là: tiến hành kế hoạch tổ chức Festival Quốc tế Âm nhạc Mới Á - Âu lần thứ IV tại Việt Nam. Hội cũng tiếp tục tiến hành các thủ tục theo qui định để giới thiệu các nhạc sĩ đủ tiêu chuẩn xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội là tiếp tục sáng tạo, nâng cao vị thế của nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu lý luận và đào tạo, từng bước phát triển hài hòa các loại hình thanh nhạc và khí nhạc, nâng cao tính chuyên nghiệp.
Chú trọng đầu tư các nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm có quy mô lớn như giao hưởng, hợp xướng, opera, ballet, concerto, oratorio... cũng như những tác phẩm hòa tấu và độc tấu cho nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt chú trọng đến sáng tác cho thiếu nhi…
Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã bầu ra 21 thành viên tham gia Ban chấp hành của Hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, PGS.TS Đỗ Hồng Quân tiếp tục tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực, từ hoạt động sáng tác, lý luận phê bình, biểu diễn, đào tạo và hoạt động hợp tác quốc tế về âm nhạc.
Theo ông Võ Văn Thưởng, bức tranh phong phú, đa dạng của nền âm nhạc Việt Nam ngày nay cho thấy đã có những bước phát triển nhanh chóng, tích cực gắn liền với dòng chảy của lịch sử dân tộc và đời sống xã hội.
Từ âm nhạc truyền thống với những loại hình phong phú, đặc sắc, chúng ta đã hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới với nhiều phong cách, thể loại đa dạng, từng bước xây dựng nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, mang tính chuyên nghiệp, đại chúng. Đồng thời vẫn giữ được những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống.
Âm nhạc giáo dục, định hướng, nâng cao nhận thức thẩm mỹ, góp phần thực hiện có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho hay, thời nào cũng vậy, âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, góp phần tạo ra các bản sắc và phẩm giá con người Việt Nam.
“Âm nhạc là lời mời, gọi ngọt ngào, hiếu khách, là nét quyến rũ hấp dẫn mang màu sắc cá tính và tâm hồn riêng có, góp đưa hình ảnh con người Việt Nam ra thế giới.
Âm nhạc là công cụ tinh thần hữu hiệu, tạo ra sự kết nối vượt mọi biên giới và lãnh thổ, kêu gọi sự sẻ chia, đoàn kết, cổ vũ sức mạnh để vượt qua những lúc gian nan, nghịch cảnh như đại dịch Covid-19 thời gian qua và đang diễn ra hiện nay”, ông Võ Văn Thưởng nói.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, nhìn lại bức tranh sống động của đời sống âm nhạc trong dòng chảy lịch sử, chúng ta biết ơn và tự hào về những nghệ sĩ dân gian với tâm hồn yêu cái đẹp và giàu sáng tạo, những chiến sĩ, nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, trong đó có những nhạc sĩ, những người hoạt động âm nhạc hy sinh tuổi xuân để lại máu xương của mình trên chiến trường.
Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã bầu ra 21 thành viên tham gia Ban chấp hành của Hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, PGS.TS Đỗ Hồng Quân tiếp tục tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Chúng ta tự hào khi có những tác phẩm âm nhạc bất hủ đã trở thành di sản văn hóa dân tộc trên bước đường tạo dựng văn hoá, văn hiến, giữ gìn nền độc lập tự do của tổ quốc.
Chúng ta cũng thấy vai trò trọng trách của mình trong việc tiếp nối lịch sử, tiếp bước các thế hệ hoạt động văn hoá, đưa hoạt động giàu bản sắc dân tộc đi liền với nhịp bước của thời đại, gắn bó với nhân dân, tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước.
Để làm được điều đó, ông Võ Văn Thưởng cho rằng, chúng ta cần nhận thức rõ những vấn đề mà công chúng quan tâm, những mong muốn và kỳ vọng của nhân dân.
Đồng thời nhìn rõ những hạn chế, bất cập trong hoạt động âm nhạc hiện nay mà Văn kiện Đại hội cũng đã nêu ra. Đó là sự thiếu vắng những tác phẩm khai phá chiều sâu nhân văn của đất nước, con người Việt Nam; tính chuyên nghiệp trong sáng tác chưa cao, chưa định hình rõ nét xu hướng dòng nhạc chủ lưu trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa trong hội nhập quốc tế...
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 10 tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ông Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh hoạt động âm nhạc cần bám sát thực tiễn sinh động của công cuộc xây dựng đất nước trong thời đại mới, phản ánh hơi thở cuộc sống, dẫn đường và đồng hành cùng công chúng, vươn đến tầm cao về tư tưởng, nghệ thuật và thị hiếu thẩm mỹ.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhạc sĩ tiếp tục đi sâu, tắm mình trong thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới đất nước và đời sống xã hội để lấy tư liệu và cảm hứng sáng tác; chú trọng tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tìm tòi, mở đường định hình một dòng âm nhạc tích cực, giàu sức biểu cảm, tính thẩm mỹ cao làm chủ lưu, thôi thúc, giục giã con người yêu thương, khát vọng, hành động vì tổ quốc, vì nhân dân...
Phát triển đa dạng các loại hình và thể loại âm nhạc, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu đa dạng của công chúng. Chú trọng với giải pháp giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống trong bối cảnh cơ chế thị trường, toàn cầu hóa cách mạng công nghiệp lần thứ 4... Hạn chế sự lệch lạc, sa đà theo các trào lưu, xu hướng hời hợt, thoáng qua, thiếu bền lâu trong lòng công chúng.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động âm nhạc, nâng cao vị thế của nền âm nhạc Việt Nam trong các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn...
Chủ động phát huy vai trò phản biện xã hội, tư vấn cho các cơ quan quản lý về văn hoá. Phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông để góp phần định hướng thẩm mỹ đúng đắn cho công chúng, khán thính giả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, góp phần làm đa dạng và sâu sắc thêm các hình thức, văn hóa đối ngoại thông qua con đường âm nhạc, nâng cao hình ảnh và sức hấp dẫn của con người và đất nước Việt Nam.../.