Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ông Phạm Quang Nghị: Truyền thống lịch sử hàng nghìn năm là mạch nguồn để tiếp tục xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

18/08/2023 | 08:23

Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Phạm Quang Nghị khẳng định, truyền thống lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam là mạch nguồn để chúng ta tiếp tục phấn đấu "xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, trong Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Thông tin - Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) được thành lập. Với ý nghĩa đó, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 28/8 hằng năm là ngày truyền thống của ngành để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực Văn hóa - Thông tin.

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hoá, phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trò chuyện với nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Phạm Quang Nghị.

Ông Phạm Quang Nghị: Truyền thống lịch sử hàng nghìn năm là mạch nguồn để tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Ảnh 1.

- Thưa ông, sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã thành lập Bộ Thông tin tuyên truyền. Trước đó, năm 1943 Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời đã khẳng định vị trí, tầm quan trọng của văn hoá... Như vậy có thể thấy, ngay từ rất sớm, Đảng, Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt cho văn hoá, điều này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập trước ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Trong số 12 Bộ của nội các đầu tiên của nước ta, có Bộ Thông tin – Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa – Thông tin sau này (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Bộ trưởng ngày ấy là ông Trần Huy Liệu.

Như mọi người đều biết, từ khi thành lập Đảng, trong cương lĩnh năm 1930 cũng như các văn kiện, nghị quyết mang tính cương lĩnh của Đảng, vấn đề văn hóa luôn được đặt ở vị trí quan trọng hàng đầu, gắn với vấn đề xây dựng con người. Ngay từ lúc chưa giành được chính quyền, Đảng ta đã đề ra chủ trương xây dựng và phát triển nền văn hóa mới.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng đề ra chủ trương "kháng chiến hóa văn hoá" và "văn hóa hóa kháng chiến". Đây là một chủ trương lớn, một tầm nhìn, một phương pháp tập hợp, huy động mọi nguồn lực cùng tham gia kháng chiến. Văn hóa trở thành một mặt trận, đồng thời cũng là một lực lượng cùng toàn dân tham gia đánh giặc lập công.

Năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời khẳng định vị trí, vai trò và tính chất nền văn hóa mà Đảng ta chủ trương xây dựng: Dân tộc – khoa học - đại chúng.

Cùng với những chủ trương lớn và đúng đắn ấy của Đảng, câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Câu nói hết sức ngắn gọn, nhưng ý nghĩa lại vô cùng lớn lao, chỉ ra vai trò, sứ mệnh của văn hóa trong đời sống xã hội. Đặc biệt, cần phải kể đến Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết như là một Cương lĩnh của Đảng về vấn đề xây dựng nền văn hoá, con người Việt Nam. Xác định xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Ông Phạm Quang Nghị: Truyền thống lịch sử hàng nghìn năm là mạch nguồn để tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Ảnh 2.

Có lẽ ít có thuật ngữ gì, khái niệm nào lại được các nhà văn, các nhà khoa học đưa ra nhiều định nghĩa như với khái niệm văn hoá. Đã có khoảng ba trăm định nghĩa về văn hoá, vậy mà vẫn không thể hàm chứa, bao quát hết được tầm vóc, vị trí, vai trò của văn hóa đối với con người và xã hội. Riêng điều ấy cũng đã nói lên sứ mệnh, và trò của văn hóa to lớn biết bao. Và điều ấy, cũng rất đúng với phát biểu khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…".

Nếu cần diễn giải thêm, chúng ta cũng nên nhắc lại những điều vô cùng căn cốt và sâu xa đã được cha ông ta nói đến từ lâu: "Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu" (Đại cáo Bình Ngô - Nguyễn Trãi). Đó là những lời tuyên ngôn về văn hoá, về truyền thống lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đấy cũng là mạch nguồn để chúng ta tiếp tục phấn đấu "xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

- Thực tiễn, trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển, đi lên của đất nước, thưa ông?

Trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa đã có những đóng góp vô cùng to lớn đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Giang sơn gấm vóc nước ta đàng hoàng, to đẹp như hiện nay cũng là nhờ sự dệt thêu, đóng góp lớn lao của những danh nhân, những anh hùng dân tộc, những nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc.

Lý Thường Kiệt với bài "thơ thần" đánh đuổi giặc Tống. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn với "Hịch tướng sĩ" cổ vũ tinh thần tướng sĩ dốc lòng đánh bại quân Nguyên. Nguyễn Trãi với "Đại cáo Bình Ngô" là khúc ca khải hoàn đánh tan quân Minh, giành độc lập cho đất nước.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, với bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam mới. Đó không chỉ là những áng hùng văn bất hủ, mà còn là những lời hịch, lời kêu gọi thiêng liêng vang vọng núi sông, cổ vũ tinh thần bất khuất, hy sinh của toàn dân, quyết đứng lên đánh giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, văn hóa Việt Nam mang tinh thần "tiếng hát át tiếng bom" và như lời tổng kết của Tổng Bí thư Lê Duẩn: "Ta thắng Mỹ trước hết là thắng về văn hoá". Đó là sự đúc kết hết sức sâu sắc, đúng đắn, khoa học và đầy sức thuyết phục. Nó không chỉ là sự tổng kết cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà còn là sự đúc kết chung cho mọi thắng lợi trong trường kỳ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Ông Phạm Quang Nghị: Truyền thống lịch sử hàng nghìn năm là mạch nguồn để tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Ảnh 3.

- Kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: "Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất"…, trong phát biểu chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng luôn khẳng định quan điểm phải "đặt văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị". Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, nhà nước đối với văn hoá, tuy nhiên có lúc, có nơi, sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa còn chưa thực sự xứng tầm, thưa ông?

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra tại Thủ đô Hà Nội vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng. Đồng chí nhấn mạnh: "Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước… Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn.

Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước… Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…".

Đó là sự nhấn mạnh về vị trí, vai trò, mục tiêu, phương hướng xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhất là những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa thêm một lần nữa hiểu rõ, thấm sâu ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không chỉ trong giai đoạn hiện tại, mà là lâu dài.

Ông Phạm Quang Nghị: Truyền thống lịch sử hàng nghìn năm là mạch nguồn để tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Ảnh 5.

Tuy vậy, điều mà chúng ta mong muốn là sự chuyển biến về nhận thức ấy cần phải được thể hiện ngay trong công tác tổ chức thực hiện. Sự coi trọng vai trò của văn hoá, của vấn đề xây dựng con người phải được thông qua việc tăng cường các nguồn lực, kinh phí, ngân sách, bằng các cơ chế, chính sách quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ thỏa đáng những người đã ngày đêm lao động, sáng tạo trên lĩnh vực văn hoá. Sự phân bổ ngân sách cho lĩnh vực văn hóa phải được tăng thêm, không phải chỉ ở mức "khoảng 1,5%" như hiện nay. Thiếu những điều kiện về cơ chế, chính sách, nguồn lực vật chất thì những lời huấn thị, kêu gọi cũng chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu mà thôi.

Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 chính là cơ hội hết sức thuận lợi để Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai công việc, và đặc biệt là từ đó đề xuất, kiến nghị những cơ chế, chính sách hết sức cần thiết cho ngành và cho lĩnh vực văn hoá.

- Từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, trong nhiệm kỳ của mình, điều gì làm ông tâm đắc và điều gì khiến ông còn trăn trở nhất về lĩnh vực văn hoá?

Tôi được Đảng, Nhà nước giao làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin vừa tròn một nhiệm kỳ (2001 – 2006). Thời gian ấy trên đất nước ta diễn ra rất nhiều đổi thay và có nhiều sự kiện đáng nhớ: Kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng; 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 50 năm chiến thắng Điện Biên; 60 năm ngày thành lập nước…

Thời gian 5 năm từ 2001 – 2005, Bộ Văn hóa – Thông tin đã tham gia, đóng góp xây dựng nhiều Bộ luật, nhiều văn bản quan trọng liên quan đến công tác, hoạt động quản lý của ngành.

Về những điều tâm đắc hay trăn trở qua một nhiệm kỳ. Nói một cách khái quát và chung nhất, đó là những suy tư và đóng góp với tư cách Bộ trưởng, chủ yếu trên hai phương diện. Một là tập trung xây dựng các văn bản pháp quy, các bộ luật trên lĩnh vực Văn hóa – Thông tin, nhằm nâng cao vị thế, vai trò của văn hoá.

Thứ hai là đề nghị Chính phủ và Quốc hội tăng mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa từ nguồn ngân sách của Nhà nước. Tôi nghĩ đó là hai công việc lớn, có ý nghĩa quan trọng trong nhiệm kỳ 5 năm (2001 – 2006) mà Bộ Văn hóa – Thông tin đã làm rất tốt.

Còn về những trăn trở! Mối quan tâm, trăn trở lớn nhất của mọi người đấy là sự xuống cấp về mặt văn hoá, đạo đức của một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Điều ấy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không kể tới sự coi nhẹ vai trò của văn hoá, cả từ việc đầu tư kinh phí, vật chất cho tới việc vun trồng, bồi đắp các giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp cho xã hội chúng ta…

Ông Phạm Quang Nghị: Truyền thống lịch sử hàng nghìn năm là mạch nguồn để tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Ảnh 6.

Một lần khác, tôi đi dự hội nghị, thấy đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười từ chối không cho cài nơ lên ngực áo. Đồng chí nói nhỏ với tôi: "Cài hoa làm gì cho lãng phí, tốn kém, mà lại làm rác bẩn môi trường". Nhân đó, tôi đã chỉ thị cho toàn ngành văn hoá, từ nay mỗi khi tổ chức hội nghị, không được mua nơ để cài lên ngực áo các đại biểu. Những việc mang tính lễ tân, nghi thức tưởng như bình thường, vô hại, nhưng thật ra đó cũng là những căn bệnh phô trương, hình thức và lãng phí, tiêu cực.

Một kỷ niệm nữa cũng thật khó quên là tại buổi lễ mít tinh, diễu binh diễu hành mừng Ngày Quốc khánh 2/9/2005 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin là người được phân công đọc lời khai mạc, giới thiệu đại biểu. Danh sách những người được giới thiệu khá dài gồm các chức danh lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam…Công việc tưởng như không có gì khó khăn, nhưng thật không đơn giản, bởi trước đó, đã có những lần xảy ra nhầm lẫn.

Trước giờ khai mạc, trong không khí vô cùng trang nghiêm và trọng thể, trước hàng vạn quần chúng nhân dân đang tập hợp ở quảng trường Ba Đình và trước đội ngũ phóng viên báo chí đông đảo đang tác nghiệp, ống kính truyền hình đang hướng tới… Từ trên lễ đài, rất nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vui vẻ nhắc tôi: "Này ông Nghị, chú ý lát nữa đừng có nhầm lẫn khi giới thiệu nhé". Lời nhắc vui, rất chân tình nhưng đầy trách nhiệm khiến tôi khá lo và hội hộp.

Mặc dù trước đó, để chuẩn bị cho lúc giới thiệu không bị nhầm lẫn, tôi đã phải lấy bút màu gạch chân để phân biệt những từ, những chức danh: Trưởng và phó; những đồng chí là "nguyên" lãnh đạo và những đồng chí đương chức… Trong sự kiện trọng đại như vậy, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo các ngày lễ lớn mà đọc nhầm chức danh, tên, họ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì sự cố ấy sẽ không hề là nhỏ. Vậy nên tôi khó tránh được lo lắng, hồi hộp.

Cũng may là hôm ấy, nhờ chuẩn bị chu đáo, cẩn thận, tôi đã đọc, giới thiệu không dài, không sai tên, họ, chức vụ của mọi người.

Đó là những kỷ niệm nhỏ, vui của tôi, còn những việc lớn hơn, vốn là công việc, là thành tích, công lao của tập thể, của Bộ, ngành thì có lẽ mọi người đều đã biết.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Trường

Xuân Trường (Thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×