"Ờ"- một phong cách lạ của ba họa sĩ TP HCM tại Hà Nội
07/01/2020 | 15:12Ba họa sĩ, mỗi người một phong cách, nhưng tựu chung trong một triển lãm có cái tên cũng khá lạ lùng "Ờ". Hoàng Võ, Thái Vĩnh Thành, Lê Hải Triều chia sẻ, "Ờ" là cái cách người miền Nam nói với nhau, dễ dãi, bỏ qua cho nhau, đồng thuận cùng nhau.
Với Hoàng Võ, anh vốn yêu thích và có sở trường về tranh chân dung màu nước, nhưng đến với “Ờ”, anh tập trung nhiều hơn vào vật liệu tổng hợp, loạt chân dung trừu tượng-biểu hiện của anh khá ấn tượng. Kinh qua nhiều bút pháp, nhưng có lẽ đến loạt chân dung trừu tượng-biểu hiện này thì Hoàng Võ mới “hiện nguyên hình”, mới nói được cái bản thể băn khoăn, dằn vặt.
Ngoài đời thường, Hoàng Võ là người vui vẻ, nhẹ nhàng, dễ gần, nhưng với loạt tranh này, dường như ta thấy một nhân diện khác, thô ráp và căng thẳng hơn. Nhưng sự căng thẳng này không phải là chuyện của riêng ai, mà mang chở được sự căng thẳng chung của thời cuộc. “Đầu như muốn nổ tung” là câu nói mà ta có thể bắt gặp bất kỳ đâu, nay chúng được Hoàng Võ “biểu hình hóa”.
Điều thú vị là dù diễn đạt một căng thẳng đến không thể chịu đựng nổi, một tương lai đầy bất trắc, nhưng loạt chân dung trừu tượng-biểu hiện của Hoàng Võ không sa vào sự minh họa, vẫn giữ vững tinh thần thị giác trung lập, biểu nhiều hơn hiện, gợi nhiều hơn nói, cảm nhiều hơn ý. Đây đúng là những bức tranh bản lề của Hoàng Võ, hứa hẹn một lối rẽ khác, một bước đi mới của cây cọ đã vững vàng.
Cũng tại triển lãm này, những bức trừu tượng trong loạt tranh Những tầng tương lai và hoang dã của Hoàng Võ càng mang dấu của sự thay đổi, sự rời bỏ thói quen vẽ.
Như trái lại sự dễ gần của Hoàng Võ, ở đời thường, Thái Vĩnh Thành luôn có một chút xéo sắc và một khoảng cách nho nhỏ với đa số, trừ những người thực sự thân thiết. Thế nhưng tranh của Thái Vĩnh Thành thì ngược lại hoàn toàn, dễ gần, tươi vui.
Tranh trừu tượng của Thái Vĩnh Thành là sự kết hợp của bút pháp Tây phương và tinh thần thủy mặc của Đông phương. Tranh của anh nghiêng nhiều về tính trữ tình, về cảm tính, thay vì kỹ thuật và lý tính, anh như muốn diễn tả tâm thức và tâm thế của cái tôi-vô hình. Trong một cuộc trò chuyện, Thái Vĩnh Thành cho biết anh đang muốn dấn sâu vào sự buông lỏng và tối giản, để làm sao trừu tượng chỉ còn là sự khơi gợi nhẹ nhàng về cảm tính mà đủ đầy về kỹ thuật thể hiện.
Thái Vĩnh Thành chia sẻ: “Với tôi vẽ là hơi thở, là cuộc sống và là niềm đam mê! Bởi vì vẽ (hội họa) hiện tại là công việc sáng tạo duy nhất mà tôi có khả năng để làm tốt nhất".
Còn họa sĩ Lê Hải Triều lại mang đến các bức tranh chân dung thiếu nữ nude. Tại triển lãm này, chân dung của Lê Hải Triều có hai sắc độ. Thứ nhất là những bức vẽ sự thả lỏng của cơ thể. Thứ hai, đó là những tranh chân dung tiệm cận với ngôn ngữ trừu tượng, những tranh phảng phất chất siêu thực - ví dụ như bức Ngôn ngữ cơ thể 6. Nếu bước hẳn vào siêu thực, sẽ là một ngã rẽ táo bạo, một bước tư duy mới trong lối vẽ chân dung của Lê Hải Triều.
Về tên của triển lãm: “Ờ”, họa sĩ Hoàng Võ cho biết, là bởi vì trong tiếng Việt, "ờ" là tiếng thốt ra, nhằm biểu lộ sự đồng tình hoặc sực nhớ ra điều gì đó. Với ba họa sĩ, trong một triển lãm mang tính bản lề, họ cùng nhau ờ lên một tiếng, trước khi gọi tên hoặc đưa ra một danh xưng mới cho những công việc mới của mình.
Triển lãm tranh "Ờ" diễn ra từ nay đến hết ngày 10/1 tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội./.