Nông cụ của Dân tộc Mường, tỉnh Hòa bình
16/12/2019 | 14:13Nếu lấy trung tâm Thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) làm thủ phủ thì bốn Mường lớn nằm xung quanh: Mường Vang, Mường Bi, Mường Thàng, Mường Động được coi là cái nôi của văn minh Sông Hồng. Dân tộc Mường định cư trong các thung lũng, theo dòng chảy của các con suối lớn và sống bằng nghề trồng lúa nước, săn bắt thú rừng.
Công cụ săn bắn
Săn bắt là một hoạt động kinh tế của dân tộc Mường từ thượng cổ. Họ dùng vật liệu sẵn có trong thiên nhiên như tre, gỗ đá… chế tạo công cụ săn bắt. Trên cạn, công cụ phổ biến là bẫy. Ngay cả khi hỏa mai, súng kíp du nhập vào xứ Mường thì bẫy vẫn là công cụ hàng đầu của các thợ săn.
Bẫy kẹp có thể làm bằng những phiến đá lớn, đặt mồi nhử trên lẫy. Khi lẫy sập, trọng lượng ghê gớm của phiến đá sẽ giết chết con thú. Cũng có thể bẫy kẹp làm bằng sắt hay bằng tre, nhỏ, gọn đặt trên đường đi, dùng lực đàn hồi của tre, lò xo để giữ chặt lấy con mồi. Bẫy lưới dùng chủ yếu vào ban đêm. Lưới được chăng hai bên lối đi của con thú từ lúc sẩm tối. Người thợ săn ngụy trang ngồi ở đầu lưới. Khi con thú di chuyển tới gần, họ đập gậy, hò hét, gõ cồng. Theo bản năng tự nhiên, con thú sẽ rời lối cũ, bỏ chạy sang bên và đâm vào đống lưới lùng nhùng.
Nếu bẫy để săn loại thú lớn tầm vài chục kilogram thì nỏ lại là công cụ bắn tên cổ điển nhất mà người Mường dùng để săn thú nhỏ, chim, gà rừng. Khác với súng kíp, khi khai hỏa gây tiếng nổ, làm náo loạn cả một khu vực rộng lớn, nỏ tuy hiệu quả kém hơn nhưng tiếng động do nó gây ra lại rất nhỏ, thợ săn có thể sử dụng nhiều lần một vị trí săn trong một ngày, như vậy cũng tạm đủ cho bữa ăn mà không phải đi xa.
Sống bám theo dòng chảy các con sông, dòng suối nên công cụ săn bắt dưới nước của dân tộc Mường khá phát triển. Hàng trăm năm nay, dân tộc Mường đã biết xe vỏ gai dệt lưới chài, đánh cá dưới nước. Mỗi buổi đánh cá là một ngày hội mà một năm chỉ diễn ra một, hai lần. Hàng chục chiếc mảng quay thành vòng tròn nhất loạt tung chài theo tiếng hò của hàng trăm con người. dân tộc Mường không ăn trứng cá nên cá chửa đều được đem thả, còn lại chia đều cho từng nhà. Ngoài lưới chài họ còn dùng rất nhiều loại hom để bắt cá dựa vào dòng chảy. Có hom rất lớn chặn ngang dòng thác, khi con nước lũ, cá lớn thi nhau vượt thác, cũng là lúc hom phát huy tác dụng.
Ngày nay, do diện tích rừng bị thu hẹp và nhất là khi các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa được mở rộng nhằm nâng cao mức sống của đồng bào miền núi thì hoạt động săn bắn còn lại rất ít, ý nghĩa kinh tế của săn bắn hầu như không tồn tại, thậm chí có nơi thanh niên Mường không còn biết nhiều đến những công cụ săn bắt của ông cha mình.
Cọn nước
Dân tộc Mường sống trong nhà sàn nhưng khi làm nhà luôn chọn cho mình hướng thích hợp để sao cho lưng nhà dựa vào núi để được che chở, cửa luôn hướng về phía suối, nguồn nước để được nghe thấy tiếng róc rách và tận hưởng không khí trong lành. Nông nghiệp ruộng nước chiếm vị trí hàng đầu, cây lúa là lương thực chính. Công cụ làm đất phổ biến là chiếc cày chìa vôi và chiếc bừa đơn có răng nhỏ bằng gỗ hoặc tre. Lúa chín dùng nái gặt bó thành cụm gùi về nhà phơi khô xếp để trên gác, khi cần dùng, lấy từng cụm bỏ vào máng gỗ, dùng chân chà lấy hạt rồi đem giã. Trong canh tác ruộng nước, người Mường có nhiều kinh nghiệm làm thủy lợi nhỏ, dùng cọn đưa nước từ suối lên ruộng cao. Cọn nước gồm hai thành phần chính: đập và guồng. Đập cấu tạo bằng hàng cọc tre, đóng chắc xuống long suối theo hình vòng cung, chắn ngang dòng chảy. Mặt đập thưa, cao gần một mét bện bằng cỏ guột, một loài cỏ cứng rất bền khi ngâm nước. Đập không chặn hoàn toàn mà chỉ hướng một phần thế năng của dòng chảy về phía guồng nước.
Guồng là một bánh xe khổng lồ cao từ 5m đến 10m cấu tạo như bánh xe đạp. Trục quay làm bằng gỗ dổi chắc chắn nhưng lại mềm, chịu mài mòn. Nan hoa làm bằng tre đằng ngà, loại tre rất khó mục trong môi trường ẩm ướt. Vành guồng rộng khoảng 80cm dến 1m đặt các tấm đà bằng phên tre, xen kẽ giữa chúng có rất nhiều ống bương múc nước xếp chéo 45 độ so với momel quay. Guồng nước của dân tộc Mường ví như động cơ vĩnh cửu. Nó quay suốt ngày đêm, có thể đưa nước lên cao 8m.
Ớp hay còn gọi là Giỏ hay Ví
Ớp là loại giỏ đa năng mà dân tộc Mường luôn đeo bên hông. Khó có thể gọi cụ thể nó là ví hay giỏ, bởi nó thuộc trang phục, dùng để đựng đồ trang sức, nông sản…. Thông qua ớp, người Mường phân biệt đẳng cấp, giới tính, tuổi tác. Ớp to của người lớn, ớp nhỏ của trẻ con. Ớp vuông của đàn ông, ớp tròn của đàn bà. Ớp của giới bình dân đan thưa, ớp khọ của giới quí tộc đan mau. Gọi là giỏ bởi ớp đựng rau, tôm, cá hay bất kỳ thứ gì mà người Mường hái lượm được. Đôi khi, ớp còn là vật giao duyên của các đôi nam nữ, khi lấy chồng, nàng dâu sẽ mang về nhà chồng đôi ớp rất lớn gọi là Bồ không.
Lịch Mường
Người Mường có lịch riêng của xứ Mường và có cả lịch riêng của mỗi Mường như ở Mường Bi, vẫn có lịch riêng để "ngày đến sớm hơn ngày" với các vùng xung quanh. Như vậy, về mặt lịch pháp, xứ Mường có không ít hơn hai loại.
Cho đến nay, chưa thấy có nhiều người "dũng cảm" đi tìm cái kho tàng tri thức này của văn hóa Mường nhưng trên đại thể, chúng ta đã biết, xưa người Mường chia một năm thành "tám định kỳ". Cách chia này lại rất giống với bố cục hoa văn trên mặt trống đồng Hoàng Hạ có tên là : Thiên đồ Hoàng Hạ. Mở rộng ra các trống đồng Đông Sơn khác, ta cũng thấy chúng có cùng quy luật – vòng tròn chia thành 8 phần. Vì vậy, người ta dự đoán – Người xưa đã ghi lại lịch pháp của mình bằng các hoa văn trên mặt các trống đồng. Hay nói một cách khác, mặt trống đồng Đông Sơn là thể hiện lịch pháp của người xưa.
Nếu như giả thuyết này đúng thì, người Việt và người Mường, có một thời đã từng cùng sử dụng chung một hệ thống phân chia thời gian – chung một lịch pháp.
Dẫu rằng, cho tới nay, ta vẫn chưa thể hiểu được lịch Mường một cách thật thấu đáo nhưng cũng đã đủ để nhận ra một "… sáng tạo trí tuệ của người Mường, một di sản văn hóa vô cùng quý giá".
Theo thời gian, xã hội Mường có nhiều chuyển động. Vì thế, lịch pháp Mường cũng chuyển động. Mo "Đẻ đất – đẻ nước" đã xác nhận:
"Một năm có 12 tháng
Một tháng có 30 ngày
Có năm đầy năm vơi
Có tháng no tháng thiếu".
Như vậy, dân tộc Mường đã chấp nhận hệ thống chia thời gian mới – giống như lịch pháp mà chúng ta đang dùng. Thế nhưng, về khách quan, dân tộc Mường chỉ chấp nhận lịch 12 tháng về phương diện phân chia thời gian. Vẫn có một lịch Mường khác tồn tại song hành vi khả năng hàm chứa của nó rộng lớn hơn "dưới góc độ thiên nhiên, chúng ta (vẫn) bắt gặp ở Mường Bi, một loại lịch riêng độc đáo không chỉ tồn tại trên thực tế (hình như không chỉ về phương diện chia thời gian) mà còn gắn liền với những truyền thuyết kỳ thú, giải thích cội nguồn ra đời của lịch". Đó là cái sáng giá của tri thức Mường, văn hóa Mường./.