Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ninh Bình: Gìn giữ và phát huy giá trị của Hành cung Vũ Lâm

06/04/2023 | 10:23

Nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, Hành cung Vũ Lâm mang giá trị văn hóa và lịch sử dân tộc quan trọng. Đây không chỉ là căn cứ quân sự thời Trần góp phần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII mà còn là nơi gắn với sự kiện các vua Trần xuất gia tu hành, mở mang Phật giáo. Trước sự biến đổi không ngừng của thời gian, không gian, việc gìn giữ và phát huy các giá trị của địa danh này là yêu cầu cấp thiết.

Ninh Bình: Gìn giữ và phát huy giá trị của Hành cung Vũ Lâm - Ảnh 1.

Các nhà khoa học tiến hành khảo cổ, khai quật 3 điểm có dấu tích nền văn hóa thời nhà Trần tại xã Ninh Hải (Hoa Lư). Ảnh: Minh Đường

Hành cung vốn là hệ thống cung điện được xây bên ngoài kinh thành làm nơi nghỉ cho vua mỗi khi tuần du, vì vậy, quy mô, kiến trúc của Hành cung tương tự như cung điện ở kinh thành. Trong giai đoạn nắm giữ quyền lực, nhà Trần (1225 - 1400) vẫn đóng đô ở kinh thành Thăng Long, tiếp nối sự hưng thịnh từ đời nhà Lý. Ngoài ra, nhà Trần còn 3 hành cung quy mô khác, đó là: Hành cung Thiên Trường ở Nam Định, Hành cung Lỗ Giang ở Thái Bình và Hành cung Vũ Lâm ở Ninh Bình. Khác với Hành cung Thiên Trường và Lỗ Giang đã được minh định qua các chứng cứ khảo cổ lịch sử, Hành cung Vũ Lâm mới chỉ được xác định vị trí một cách tương đối và chưa được làm rõ về quy mô và mặt bằng kiến trúc.

Đồng chí Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Hành cung Vũ Lâm được trải dài trên địa bàn nhiều xã của huyện Hoa Lư, trọng tâm là xã Ninh Thắng và Ninh Hải. Nơi đây có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử triều Trần và lịch sử dân tộc. Trong gần hết lịch sử triều Trần, phải đứng bên cạnh một đế quốc mạnh, nhiều lần mang quân xâm lược Đại Việt, nhà Trần phải thực hiện nhiều hình thức chiến tranh, trong đó chủ đạo là chiến tranh du kích. Nhiều căn cứ kháng chiến được hình thành, trong đó Vũ Lâm - nơi các vua Trần chọn làm địa điểm đầu não quan trọng nhất, là nơi giúp vua tôi triều Trần chiêu tập, củng cố lực lượng để chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Đây cũng là nơi là vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông lập am tu hành đạo Phật và trở thành người có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm cuối thế kỷ XIII. Sự hiện diện của Hành cung Vũ Lâm mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, giáo dục sâu sắc. Tuy nhiên, diện mạo của Hành cung Vũ Lâm mới chỉ được hiện diện qua những dòng ghi chép trên sử sách và những tên gọi dân gian còn lưu giữ về các địa danh như Hành Cung, Khả Lương (nơi cất lương thực), Tuân Cáo (nơi báo cáo), Hạ Trạo (bến thuyền), đền Thái Vi…

Hiện nay, các địa điểm này cùng với các di tích lịch sử văn hóa liên quan đến thời Trần trong Quần thể danh thắng Tràng An là nơi thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, từ năm 2014 khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, số lượng du khách ngày càng tăng dẫn đến việc hệ thống di tích thời Trần ngày càng không đáp ứng đủ sự quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu của nhân dân và du khách. Trải qua biến thiên của thời gian và lịch sử, nhiều dấu tích đã không còn hiện hữu. Do vậy, Sở Du lịch đã phối hợp với Viện Khảo cổ Việt Nam, các sở, ngành, địa phương tích cực nghiên cứu, khảo cổ, bảo tồn và phát huy giá trị của Hành cung Vũ Lâm. Đây cũng là một bước thực hiện khuyến nghị của UNESCO là tiếp tục triển khai nghiên cứu khẳng định những giá trị đặc trưng của Quần thể danh thắng Tràng An.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Với những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, đơn vị đã phối hợp tổ chức nhiều đợt khảo cổ, khai quật để xác định phạm vi, giá trị còn ẩn chứa dưới lòng đất về Hành cung Vũ Lâm. Đợt khai quật khảo cổ mới nhất diễn ra vào cuối năm 2022 đầu năm 2023 do Sở Du lịch phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu đã chứng minh những nhận định, ghi chép của lịch sử, các nhà nghiên cứu về Hành cung Vũ Lâm là hoàn toàn có căn cứ. Trong đó, đoàn đã khai quật khảo cổ tại khu vực cánh đồng sau đền Thái Vi thuộc địa bàn xã Ninh Hải; khu vực Vườn Am nằm phía trong khu vực Hang Cả của Tam Cốc và phát hiện lớp đất nền kiến trúc bằng đất sét với nhiều di vật gạch, ngói, gốm sứ mang đặc trưng thời nhà Trần.

Việc phát hiện khảo cổ này chứng minh cho nhận định nơi đây từng được vua Trần xây dựng một am nhỏ phục vụ việc tu hành; đồng thời thể hiện hoạt động sinh hoạt, củng cố, nuôi quân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân, dân Đại Việt. Hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ đã làm "sống lại" những giá trị độc đáo, riêng có của Hành cung Vũ Lâm. Những mảnh vỡ, di vật tưởng chừng là vô tri, vô giác, có nguy cơ biến mất thì thông qua hoạt động khảo cổ đã đóng góp thêm những tư liệu, nhận thức quan trọng, giúp mỗi người hình dung rõ hơn về bức tranh lịch sử, văn hóa liên quan đến thời Trần trong lịch sử dân tộc.

Từ những phát hiện của công tác khảo cổ, cộng với những di tích lịch sử hiện hữu liên quan đến Hành cung Vũ Lâm đòi hỏi các cấp, các ngành cần nâng cao vai trò trong quản lý Nhà nước, bảo tồn, tuyên truyền, vận động người dân sống trong khu vực di tích không có các hoạt động làm xâm hại di tích lịch sử.

Ông Đinh Anh Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư thông tin: Hành cung Vũ Lâm được xác định nằm phần lớn trên địa bàn xã, những năm qua xã Ninh Hải đã tích cực phối hợp trong công tác khảo cổ, nghiên cứu; vận động nhân dân, các hộ trong vùng tạo điều kiện, hợp tác phục vụ công tác này. Đồng thời tuyên truyền đến người dân bảo vệ cảnh quan tại các khu vực được xác định có dấu tích của Hành cung Vũ Lâm như đền Thái Vi, Thung Nội Lấm…

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học Việt Nam đề xuất: Trước mắt, Ninh Bình cần có kế hoạch bảo vệ và giữ nguyên hiện trạng các địa điểm có di tích khảo cổ thời Trần. Các di tích triều Trần đã phát hiện là minh chứng cho tinh thần bất khuất, quật cường của dân tộc chống lại nạn ngoại xâm phương Bắc giữ vững nền độc lập tự chủ của dân tộc.

Hiện nay, các địa điểm phân bố di tích đều nằm trong khu vực đất của người dân địa phương, nếu không có kế hoạch bảo vệ hiện trạng, những di tích trên có nguy cơ sẽ bị xóa sổ khi người dân thực hiện các hoạt động kinh tế ở khu vực này. Ngoài ra, trong tương lai cần thu hồi những khu vực này, đưa vào danh mục di tích và lập kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị phục vụ du lịch và tuyên truyền, quảng bá, giáo dục lịch sử địa phương trong dòng chảy lịch sử dân tộc đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Qua đó góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào của mỗi người dân về mảnh đất địa linh nhân kiệt.

Theo Báo Ninh Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×