Những tín hiệu vui của du lịch Hưng Yên
10/07/2024 | 09:29Trong thời gian qua, với nhiều nỗ lực, du lịch Hưng Yên đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Lượng du khách tăng nhanh, doanh thu từ du lịch đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đây cũng là tiền đề để ngành “công nghiệp không khói” tiếp tục đạt kết quả cao hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Không có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch thiên nhiên, nhưng Hưng Yên được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến, cách mạng. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.800 di tích; trong đó, 175 di tích, cụm di tích xếp hạng quốc gia, 271 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh. Khu di tích Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), chùa Thái Lạc (huyện Văn Lâm) và đền An Xá (huyện Tiên Lữ) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.
Không chỉ lớn về số lượng, đậm đặc về mật độ mà trữ lượng giá trị vật thể, phi vật thể của di sản văn hóa Hưng Yên rất phong phú, đặc sắc, hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc với trên 500 lễ hội, 147 làng nghề truyền thống, 243 đơn vị ca dao, tục ngữ, hò, vè, ngụ ngôn, truyện cổ tích, hát ru, văn tế. Tỉnh hiện có 5 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật hát trống quân ở xã Dạ Trạch (Khoái Châu); Lễ hội đền Tống Trân ở xã Tống Trân (Phù Cừ); Lễ hội cầu mưa ở xã Lạc Hồng (Văn Lâm); Lễ hội đền Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu và xã Mễ Sở, huyện Văn Giang); Lễ hội đền An Xá ở xã An Viên (Tiên Lữ). Con người Hưng Yên thân thiện, mến khách, trọng nghĩa, trọng tình, luôn rộng mở tấm lòng đón chào du khách. Những lợi thế này trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, tạo ra thương hiệu cho du lịch Hưng Yên.
Để phát huy lợi thế, tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, từ nhiều năm nay, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai hàng loạt các hoạt động cụ thể, trong đó tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển du lịch. Cùng với đó là những đề án, dự án chuyên đề về phát triển du lịch làng nghề, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với du lịch...
Các cấp, ngành tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống tour, tuyến, điểm du lịch hấp dẫn, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ tiện ích để phục vụ du khách; củng cố các điểm du lịch cấp tỉnh; tập trung phát triển, nâng cao trình độ đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm; khuyến khích các tập thể, cá nhân phát triển du lịch cộng đồng ở các làng nghề, vùng nông nghiệp sinh thái; xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển loại hình sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số; có chế độ ưu đãi đối với lao động du lịch…
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm nâng cấp mở rộng, phát triển hạ tầng phục vụ phát triển du lịch đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch dưới nhiều hình thức đến du khách trong nước và quốc tế. Nhờ đó, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, số lượng khách du lịch đến Hưng Yên ước đạt khoảng 1,5 triệu lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 1.150 tỷ đồng.
Đồng chí Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Du lịch Hưng Yên có bước tăng trưởng mạnh trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 là kết quả của việc xúc tiến, quảng bá du lịch từ nhiều năm trước. Các điểm du lịch hình thành, hoàn thiện có hướng dẫn viên, có sản phẩm du lịch. Đặc biệt, việc chú trọng phát triển du lịch văn hóa tâm linh với điểm đến là các di tích lịch sử văn hóa như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, cụm di tích Đa Hòa – Dạ Trạch, di tích đền Phù Ủng, Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chùa Nôm, làng Nôm, Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm cây đa và đền La Tiến, đền Tống Trân… đã khiến lượng khách tăng cao. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức thành công nhiều sự kiện có quy mô lớn tiêu biểu như: Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch và sự kiện “Không gian văn hóa du lịch Hưng Yên - Hành trình khám phá, lan toả” tại Hà Nội; Liên hoan ẩm thực tỉnh Hưng Yên lần thứ I năm 2024 cùng hàng loạt các hoạt động giới thiệu các tour, tuyến, điểm du lịch của tỉnh; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống; trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP; biểu diễn nghệ thuật truyền thống hát trống quân, ca trù, chầu văn…
Thời gian gần đây, du lịch Hưng Yên còn mở thêm hướng phát triển mới. Nhiều tập thể, cá nhân đầu tư trang trại nông nghiệp kết hợp tham quan du lịch, chụp ảnh, mua sắm sản phẩm nông nghiệp. Tiêu biểu như các làng hoa, cây cảnh ở các xã: Xuân Quan, Phụng Công, Mễ Sở (Văn Giang); làng thuốc Nam Nghĩa Trai ở xã Tân Quang (Văn Lâm); Hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam (thành phố Hưng Yên)… mang đến những trải nghiệm thú vị, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.Cùng với kết quả trên, du lịch Hưng Yên cũng nhận tin vui như: Hưng Yên lọt “top” điểm đến mới nổi tại Việt Nam với khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Văn Giang) thu hút lượng lớn khách du lịch đến vui chơi, giải trí bởi vẻ đẹp hiện đại, tráng lệ theo phong cách châu Âu. Nơi đây được mệnh danh là "Vũ trụ giải trí" với mục tiêu đón hàng triệu lượt khách du lịch tới tham quan, vui chơi và mua sắm. Bên cạnh đó, để khai thác nguồn lực du lịch dọc tuyến sông Hồng, ngày 6/7/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 368/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng, với tổng mức đầu tư khoảng 9.275 tỷ đồng. Đây được xem là những tiền đề, cơ hội để Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, đạt mục tiêu trong năm 2024 là thu hút hơn 1 triệu lượt khách; tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 1.000 tỷ đồng.