Những ký ức đọng mãi với thời gian của các nhân chứng lịch sử
09/04/2025 | 16:57Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975/30 – 30/4/2025), ngày 9/4, tại Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức chương trình tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử "Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng".
Chương trình tọa đàm "Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng" có nội dung lịch sử xuyên suốt từ năm 1954 đến năm 1975 với 3 chủ đề: Miền Bắc - hậu phương vững chắc; Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - thống nhất đất nước.

Quanh cảnh chương trình
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, chương trình tọa đàm "Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng" là dịp để chúng ta ôn lại những kiến thức hào hùng và bày tỏ lòng biết ơn đến thế hệ cha anh đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống yêu nước, về tinh thần, đấu tranh kiên trung bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Đồng thời, đây cũng như là một lời tri ân của thế hệ hôm nay với các thế hệ cha anh đã một thời oanh liệt, hào hùng, không tiếc tuổi xuân hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân.
Điều này càng trở nên đặc biệt và thiêng liêng khi trong những ngày tháng tư lịch sử này, cả nước đang hân hoan hướng về cột mốc lịch sử trọng đại 50 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu liền một dải. Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước mang trong mình trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hà Nội luôn là điểm tựa, là niềm tin, là hậu phương vững chắc, luôn hướng về miền Nam với tình cảm thân thương nhất với tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt", hết lòng, hết sức cùng cả nước động viên, cổ vũ cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.


Các nhân chứng lịch sử chia sẻ tại chương trình
"Ý nghĩa sâu sắc của sự kiện hôm nay như một lần nữa khẳng định lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ đã khơi dậy ý chí tự lực, tự chủ, tự tin, tự cường, tự hào của dân tộc, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân, kết hợp với sức mạnh thời đại. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để thế hệ chúng ta hôm nay vững tin và thực hiện thành công kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng" - bà Bạch Liên Hương nói.
Chương trình đã mang đến cho khán giả những câu chuyện chân thực, đầy cảm xúc về một thời bom đạn của các nhân chứng lịch sử, những người đã trực tiếp tham gia và chứng kiến các sự kiện quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc qua những chia sẻ của các nhân chứng lịch sử như: Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn; NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng; ông Nguyễn Xuân Thuần; Đại úy Vũ Đăng Toàn; ông Phạm Duy Đô; ông Nguyễn Văn Tập; KTS Nguyễn Hữu Thái,…

Các nhân chứng lịch sử chia sẻ tại chương trình
Dù mới ở độ tuổi 20 tuổi nhưng đã được giao nhiệm vụ phụ trách những đoàn tàu quân sự chở bộ đội vào Nam tiếp viện cho Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và tiếp thương binh từ chiến trường ra Bắc để điều trị, bà Nguyễn Thị Sang chia sẻ: "Nhiệm vụ của người trưởng tàu thời bấy giờ là phụ trách chung cả đoàn. Tổ tàu Ba đảm đang toàn các đồng chí nữ, có 8 thành viên, phục vụ 13 đến 15 toa. Mỗi người một nhiệm vụ và thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình của máy bay địch. Khi có máy bay địch đánh phá, thành viên tổ tàu phải phát tín hiệu cho tàu dừng kịp thời".
Kể về giây phút miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Văn Tập – người lái chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng chính cổng dinh Độc Lập – làm nên giây phút lịch sử đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cho biết: "Sau khi xe 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, các xe còn lại của Đại đội 4 cũng đã tiến vào bên trong Dinh Độc Lập. Tiếp đến, các xe tăng binh chủng tăng thiết giáp theo 5 cánh quân cũng tràn về Sài Gòn. Thời khắc đó, các đường phố trong nội thành Sài Gòn tràn ngập cờ, hoa, tưng bừng ngày hội lớn đón chào quân giải phóng. Ngay trong sân của Dinh Độc Lập những người lính như chúng tôi vui mừng ôm nhau nhưng nước mắt cứ tuôn trào vì hạnh phúc".

Không gian triển lãm
Ngoài những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, công chúng còn được nghe chuyện kể của đạo diễn Phạm Việt Tùng, người đã có nhiều thước phim ghi lại những thời khắc lịch sử của dân tộc và cũng là một trong những phóng viên chiến trường đồng hành cùng đoàn quân Nam tiến giải phóng miền Nam. Hình ảnh chiếc xe tăng nghiến lên lá cờ ba sọc của Ngụy quyền, những khoảng khắc đầy xúc động của quân dân Sài Gòn - Gia Định ngày đất nước thống nhất mà chúng ta được xem là nhờ công sức lớn lao của ông.
Hay câu chuyện của KTS Nguyễn Hữu Thái, Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, ông là nhân chứng lịch sử thời khắc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và cũng là một trong những người lên tiếng sớm nhất trên Đài Phát thanh Sài Gòn để đón chào chiến thắng 30/04/1975.


Một số hiện vật trưng bày tại triển lãm
Bên cạnh việc gặp mặt, giao lưu với các nhân chứng lịch sử, công chúng còn được tham quan triển lãm "Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng". Triển lãm đã giới thiệu những tài liệu, hiện vật quý giá, phản ánh sự kiên cường, bền bỉ và niềm tin bất diệt của người dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1954 - 1975, cũng như tôn vinh những chiến công vĩ đại đã góp phần vào chiến thắng của dân tộc.
Trong dịp này, Bảo tàng Hà Nội đã tiếp nhận nhiều tài liệu, hiện vật của các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Những hiện vật này gồm đồ dùng, trang thiết bị quân sự, thư từ, hình ảnh, tài liệu hành chính, nhật ký và các kỷ vật khác từ thời chiến tranh, giúp thế hệ hôm nay và tương lai hiểu rõ hơn về những mất mát, hy sinh của thế hệ cha anh, truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng../.