Những kỷ niệm về người Người thầy tận tụy, nhân hậu
07/02/2020 | 14:02Tôi bàng hoàng nghe tin Thầy Lương Gia Ninh vừa qua đời sáng ngày 6 tháng 2. Vẫn biết Thầy ốm hơn nhiều so với mọi năm nhưng với tôi và các bạn, sự ra đi của Thầy thật là đột ngột.
Thầy Lương Gia Ninh sinh ngày 28 tháng 3 năm 1930 tại làng Nội Linh, xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Xuất thân từ một gia đình viên chức, Thầy đã được dạy về lễ nghĩa ngay từ khi còn nhỏ. Trong Kháng chiến chống Pháp Thầy làm trưởng ban Thông tin của xã sau đó theo học trường Quân chính Liên khu III-IV. Ra trường, Thầy nhập ngũ vào Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Kháng chiến thắng lợi. Thầy xuất ngũ và vào học Đại học Sư phạm Hà Nội Khoa Ngữ văn khóa 1 (1954-1957). Tốt nghiệp đại học Thầy về làm tại Báo Người Giáo viên nhân dân. Sau đó ít lâu, Thầy đã chuyển sang công tác giảng dạy. Trong cuộc đời công tác, Thầy đã trải qua nhiều trường khác nhau tại Hải Dương, Hà Nội. Những năm cuối, Thầy chuyển về dạy Văn tại trường Cấp III Việt Đức. Dù kinh qua nhiều công việc khác nhau nhưng phần lớn cuộc đời Thầy gắn bó với sự nghiệp trồng người. Mặc dù không có quyền cao, chức trọng nhưng đối với nhiều thế hệ học sinh Thầy đã trở thành biểu tượng của người Thầy tận tụy và nhân hậu. Học trò của Thầy có nhiều người đã thành đạt, trên nhiều phương diện khác nhau. Tiêu biểu, có thể kể đến như ông Phạm Thế Duyệt, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhà văn Phong Thu…
Thầy Lương Gia Ninh nổi tiếng là người luôn đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết. Chính điều này đã khiến cho các đồng nghiệp và nhiều thế hệ học sinh mến mộ Thầy. Thầy ghét sự cẩu thả trong học tập và trong cả sinh hoạt. Tác phong của thầy luôn ôn tồn, thầy không nói to, không nói nhanh, cứ thủng thẳng chỉ dạy mọi điều cho học sinh, từ cách ứng xử đến cách ăn mặc. Phong thái thanh tao, giản dị của Thầy đã luôn được khắc ghi trong tâm trí của các thế hệ học sinh về một nhà giáo luôn ân cần và thật gần gũi.
Chúng tôi, những học sinh khóa 1979-1982 có may mắn làm học trò của Thầy dưới mái trường Việt Đức. Thầy dạy văn và làm chủ nhiệm lớp. Lớp tôi cũng nổi tiếng một thời là "siêu quậy", mệnh danh là lớp Gấu, nhưng với tình yêu thương, sự chỉ bảo ân cần của Thầy, tất cả đều đã trưởng thành. Thầy cảm hóa học sinh bằng tình thương yêu và sự chỉ bảo ân tình. Không chỉ dạy, trao truyền cho chúng tôi kiến thức và tình yêu văn học, Thầy còn chú ý rèn chúng tôi viết chữ cho đẹp, ăn mặc cho chỉn chu. Thầy không gay gắt, mắng mỏ nhưng cũng rất kiên trì và quyết liệt trong việc phân tích chỉ ra những cái chưa đúng để học trò phải sửa.
Chính từ những tình cảm ân tình mà Thầy đã dành cho học sinh nên ngay cả khi Thầy đã nghỉ hưu nhiều năm, mỗi khi Tết đến, xuân về hay ngày Nhà giáo Việt Nam, căn buồng nhỏ ở tầng 2 số nhà 5 phố Tràng Thi của Thầy luôn đầy ắp học trò cũ đến thăm.
Ngọn lửa yêu thương, niềm tin và sự tân tụy của thầy đã truyền cho các thế hệ học trò và trở thành điểm tựa cho chúng tôi không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Sự trân trọng và tình cảm sâu nặng đối với học sinh của Thầy nhiều khi khiến chúng tôi ngạc nhiên và xúc động rơi nước mắt. Cách đây 2 năm, nhân một lần đến thăm, Thầy nói có một số quà muốn trao cho tôi. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi Thầy đã lần lượt lấy ra từng thứ: Bài thơ tôi viết tặng Thầy năm 1981, các bức ảnh của tôi qua thời gian, tập hồi ký của các bạn Thầy viết về những những Thầy giáo cũ của Thầy hồi học trường Sư phạm… Thầy nói Thầy muốn trao lại cho tôi vì không biết sức khỏe của mình thời gian tới thế nào. Chẳng lâu sau, Thầy ốm và phải nằm trên giường. Không dậy và đi lại được nhưng Thầy vẫn minh mẫn và ân cần mỗi lần có học trò đến thăm.
Vẫn biết Sinh - Lão - Bệnh - Tử là quy luật của cuộc sống mà sao nghe tin Thầy mất tôi vẫn thấy đau xót và hẫng hụt vô cùng. Tôi tin rằng những lời dạy bảo...những bài học từ Thầy sẽ mãi còn sống mãi trong tâm khảm các thế hệ học trò đã từng được học và gặp Thầy trong cuộc đời.