Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Những danh hiệu cao quý dành cho lao động sáng tạo

29/08/2019 | 14:23

Báo Tổ Quốc trích đăng một số chân dung nghệ sĩ có mặt trong cuốn sách "Thăng hoa cùng hành trình sáng tạo" của PGS.TS Lê Thị Bích Hồng được phong danh hiệu cao quý lần thứ 9/2019.

Ngày 12/8/2019, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký hai Quyết định số 1358/QĐ-CTN và số 1359/QĐ-CTN chính thức phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) cho 391 nghệ sĩ. Và hôm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã long trọng tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là một sự kiện văn hóa nhằm tôn vinh những nghệ sĩ đã miệt mài lao động sáng tạo, cống hiến nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi Lễ vinh danh diễn ra vào đúng dịp cả nước hân hoan chào mừng 74 năm Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh mùng 2/9.

Những danh hiệu cao quý dành cho lao động sáng tạo - Ảnh 1.

Bìa cuốn sách

Cùng trong không khí hân hoan này, cuốn sách "Thăng hoa cùng hành trình sáng tạo" của PGS.TS Lê Thị Bích Hồng cũng vừa được Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành. Cuốn sách là tình cảm của tác giả dành cho các nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực sân khấu. Nhân dịp này Báo Tổ Quốc trích đăng một số chân dung nghệ sĩ có mặt trong cuốn sách "Thăng hoa cùng hành trình sáng tạo" được phong danh hiệu cao quý lần thứ 9.

NSƯT - Đạo diễn Sĩ Tiến: Nghệ thuật là bầu trời tự do và sáng tạo

NSƯT Sĩ Tiến sinh ngày 22/8/1968 tại Hà Nội. Sự nghiệp của chàng trai Hà Nội bắt đầu từ niềm đam mê sân khấu và hiện thực hóa bằng lớp viễn viên sân khấu tại Nhà hát Tuổi trẻ (1990-1994).

Những danh hiệu cao quý dành cho lao động sáng tạo - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Nguyễn Sĩ Tiến

Vào Nhà hát, Sĩ Tiến bắt đầu với những vai diễn dành cho trẻ em. Tôi luyện trong môi trường thử thách đầy nghiệt ngã, anh đã sớm trở thành một gương mặt quen thuộc, ấn tượng trong 15 chương trình hài kịch "Đời cười" vào cuối những năm 90 đầu thế kỷ XXI. Khán giả nhớ và ấn tượng với những vai diễn tạo thành phong cách riêng, như: "Quỷ nhập tràng" (Nguyễn Khắc Phục), "Nhà Búp bê" (Henrick Ibsen); "Con cáo và chùm nho" (G.Fighereido), "Tất cả đều là con tôi" (Arthur Miller)…

Sở hữu dáng người cao, đậm và nhất là chất giọng trầm ấm, Sĩ Tiến luôn có ý thức làm mới, hóa thân vào từng vai diễn, nhất là những vai chính kịch dàn dựng từ kịch bản nước ngoài. Anh thể hiện khá xuất sắc vai Chu Bình trong vở kịch "Lôi Vũ" (Tào Ngu). Một Sĩ Tiến ngoài đời khá hiền với cặp kính trắng, vẻ mặt lành, có vẻ ngơ ngác ấy thế mà vào vai Chu Bình đã bộc lộ đến cùng nhân vật đa dạng, nhiều khuôn mặt. Trong "Nhà Búp bê" (Henrick Ibsen), Sĩ Tiến vào vai luật sư Torval Henmer rất nét. Sĩ Tiến mặc sức tung tẩy, thể hiện thật tròn vai nhân vật với bản chất tự cao, tự đại, ích kỷ, tồi tệ…

Khi là diễn viên, Sĩ Tiến đã nỗ lực làm mới mình qua những vai diễn. Sĩ Tiến thử sức với từng bước đi vững vàng thành công vai trò đạo diễn. Sĩ Tiến là tác giả đạo diễn nhiều vở kịch thiếu nhi: "Mẹ ơi, con sắp lớn" (2009), "Ông ba bị", "Thợ săn sa bẫy", "Con chim xanh" (2017)…Trong đó vở "Con chim xanh" (tác giả Maurice Maeterlinck, đồng đạo diễn cùng nghệ sĩ người Bỉ Xavier Lukomski, 2017) đã khẳng định việc tiếp cận cho các dự án hợp tác nghệ thuật sân khấu quốc tế giúp khán giả nhỏ tuổi Việt Nam có cơ hội được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật sân khấu quốc tế nổi tiếng. Anh đã khẳng định được vai trò đạo diễn và vở "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" (Lưu Quang Vũ) đoạt huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Kịch toàn quốc 2018.

Ngoài sân khấu, Sĩ Tiến rất có duyên khi chạm ngõ điện ảnh. Anh xuất hiện trong một số phim, như: phim "Trò đời" (cố tác giả Vũ Trọng Phụng, đạo diễn Nhuệ Giang); phim "Chàng rể họ Lê" (đạo diễn Lê Quang Hưng, năm 2008); "Đàn Trời" (Bùi Huy Thuần đạo diễn, Phạm Ngọc Tiến viết kịch bản dựa theo tiểu thuyết "Đàn trời" của nhà văn Cao Duy Sơn)…

Với NSƯT Sĩ Tiến nghệ thuật là bầu trời của tự do và sáng tạo. Tin rằng bầu trời tự do và sáng tạo của anh đang hứa hẹn những mùa vàng. Chúng ta có quyền chờ đợi và hy vọng.

NSƯT Minh Phương - Người đẹp xứ Mường

Bùi Thị Minh Phương sinh ngày 30/4/1962 trong một gia đình công chức ở xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình. Năm 16 tuổi, cô gái Mường đến với sân khấu khi học lớp diễn viên kịch khóa đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ.

Những danh hiệu cao quý dành cho lao động sáng tạo - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Minh Phương

Năm 17 tuổi, vở diễn đầu tiên của Minh Phương trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ là bà Tiên hiền hậu, tóc trắng như cước. Minh Phương còn tỏa sáng với các vở "Lời thề thứ 9", "Nắng quái chiều hôm"…

 Công chúng biết chị nhiều hơn với những vai diễn trong các bộ phim truyện nhựa và phim truyền hình như người mẹ chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị trong phim "Mùi cỏ cháy" (biên kịch: Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn: Hữu Mười, quay phim: NSƯT Phạm Thanh Hà); vai phụ nữ Chăm mẹ Narin trong "Trên đỉnh bình yên" (tác giả Đoàn Minh Tuấn, đạo diễn: Hữu Mười)… Hay những vai diễn có số phận trong phim truyền hình: "Chuyện đời thường", "Đất và người", "Nơi núi rừng yên ả", "Nắng trong mắt bão"…

Minh Phương là nghệ sĩ rất chỉn chu, nghiêm túc với nghề. Xinh đẹp là thế, nhưng chị cũng không ngại hóa trang trở thành nhân vật già nua, xấu xí, lụ khụ, chậm chễ… Vào bất cứ vai diễn nào, Minh Phương cũng nghiên cứu kỹ kịch bản, tâm lý, tính cách nhân vật…

Đến nay Minh Phương có hai huy chương Vàng, đó là vai bà Xuyên trong vở kịch "Lời thề thứ 9" tại Liên hoan các tác phẩm kịch Lưu Quang Vũ; vai Kiều trong vở kịch "Nắng quái chiều hôm" tham gia Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc" tại Thanh Hóa năm 2015. 

Được biết, trong Lễ trao danh hiệu, NSƯT Minh Phương đang cùng Sân khấu Lệ Ngọc biểu diễn ở Bhutan. Xin gửi đến Bhutan lời chúc mừng NSƯT Minh Phương.

NSƯT Nguyễn Ngọc Trìu – sáng tạo trong từng con rối

NSƯT Nguyễn Ngọc Trìu – Nhà hát múa rối Việt Nam tham gia Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ IV tại Hà Nội năm 2015 với vai Chư Bát Giới (cùng Trịnh Thùy Trang) trong chương trình Rối cạn "Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh". 

Những danh hiệu cao quý dành cho lao động sáng tạo - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Trìu

Liên hoan Múa rối Quốc tế năm 2015 có 17 chương trình của 14 Nhà hát thuộc 10 quốc gia, cùng sự tham gia của gần 150 nghệ sĩ, nhà quản lý, nhà chuyên môn. Chương trình nghệ thuật Múa rối trong Liên hoan thật phong phú, đa dạng từ phong cách đến cách thể hiện của nhiều thể loại con rối (rối dây, rối que, rối đen, rối bóng, mặt nạ, rối nước, rối cạn); sân khấu rối thoáng rộng hơn; khán giả được giao lưu với diễn viên ít che chắn hơn cùng nghệ thuật tài hoa tung tẩy những con rối…

Chương trình Rối cạn "Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh" đoạt Huy chương Bạc chương trình và Huy chương Vàng cho hai diễn viên Nguyễn Ngọc Trìu và Trịnh Thùy Trang của Nhà hát Múa Rối Việt Nam. Ban Tổ chức đánh giá cao vở Rối cạn "Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh" đã kết hợp Người và Rối vừa độ và hợp lý.

Xin chúc mừng NSƯT Nguyễn Ngọc Trìu.

PGS. TS Lê Thị Bích Hồng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×