Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ
23/11/2021 | 08:37Vi phạm bản quyền là một trong những vấn nạn của âm nhạc nước nhà, là lực cản lớn trong tiến trình xây dựng công nghiệp âm nhạc, bởi phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ.
Hiện nay, nền kinh tế tri thức đang lên ngôi và phát triển không ngừng, các sáng tạo đóng vai trò thiết yếu và thúc đẩy khả năng cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế. Phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp âm nhạc nói riêng phải dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ. Công nghiệp bản quyền là một trong những đòi hỏi cao của xã hội nhằm đáp ứng toàn cầu hóa.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn
Bảo hộ quyền tác giả nhằm hướng tới một cộng đồng tôn trọng "tài sản trí tuệ" và chỉ có ý nghĩa nếu người sáng tạo thực sự được tôn trọng các quyền về mặt tinh thần, quyền về mặt kinh tế, được hưởng các lợi ích được khai thác từ tác phẩm của mình. Bảo hộ quyền tác giả là công cụ hữu hiệu nhất nhằm khuyến khích, làm giàu và phổ biến di sản văn hóa quốc gia và di sản văn hóa của nhân loại. Thực tế đã chỉ ra rằng việc làm giàu và phổ biến di sản văn hóa quốc gia phụ thuộc trực tiếp vào mức độ bảo hộ đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Số lượng sáng tạo trí tuệ của một quốc gia càng nhiều thì quốc gia đó càng rạng danh.
Ở Việt Nam, quyền tác giả là một lĩnh vực còn mới mẻ nhưng các quy định pháp luật Việt Nam và các điều ước mà Việt Nam tham gia về quyền tác giả về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả nói chung và quyền tác giả âm nhạc nói riêng. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đã ra đời, tạo hành lang pháp lý an toàn, giúp bảo đảm điều chỉnh hầu hết các mối quan hệ xã hội ở lĩnh vực này, phù hợp với thông lệ và các điều ước quốc tế, dự báo được xu thế phát triển trong nước và quốc tế, nhằm mục đích khuyến khích các hoạt động sáng tạo, bảo hộ quyền tác giả đối với những tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được kết tinh từ lao động của tư duy sáng tạo của con người, thể hiện tư tưởng tiến bộ, nhân văn.
Các quy định của pháp luật từng bước hoàn thiện nhằm phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thực thi bảo hộ quyền tác giả. Đó là nguyên tắc bảo đảm quyền tự do sáng tạo của cá nhân, nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng, tự định đoạt của các chủ thể. Công dân có quyền sáng tạo trên cơ sở được sự bảo hộ của Nhà nước, Nhà nước tạo thế chủ động và tự do sáng tạo của cá nhân; tự do sáng tạo của cá nhân luôn được khuyến khích, tôn trọng và bảo đảm thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế thị trường các sản phẩm công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí tại Việt Nam hiện nay đang bị đe dọa bởi vấn nạn vi phạm bản quyền. Trong nhiều lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, sách, hội họa... vi phạm bản quyền đã khiến người sáng tạo và nhà sản xuất bị mất đi rất nhiều cơ hội thu lợi nhuận. Nếu không làm tốt việc bảo vệ bản quyền thì nhà sáng tạo sẽ không còn tâm huyết để tạo nên những tác phẩm chất lượng cao, có khả năng chinh phục thị trường và trở thành những "siêu phẩm" văn hóa mang lại nguồn lợi kinh tế lớn. Và như vậy, ngành Công nghiệp văn hóa sẽ không thể phát triển.
Bảo vệ bản quyền nhằm phát triển công nghiệp văn hoá
Riêng đối với lĩnh vực âm nhạc, việc bảo hộ thực thi quyền tác giả thời gian qua đã góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng vi phạm, tạo niềm tin cho các tác giả, khích lệ sức sáng tạo, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, công bằng và sòng phẳng, hài hòa lợi ích giữa người sáng tạo và người sử dụng.
Trong 16 năm qua, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc nhằm đảm bảo tối ưu quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Số tiền sử dụng quyền tác giả mà VCPMC thu được hằng năm để phân phối, chi trả cho các tác giả, các nhạc sĩ trong suốt thời gian qua đã góp phần động viên, khích lệ tinh thần sáng tác, thể hiện sự trân trọng giá trị các tác phẩm ở nhiều thể loại sáng tác âm nhạc. Từ con số khiêm tốn thu được trong năm đầu tiên hoạt động (năm 2002) là 78 triệu đồng, tăng dần qua các năm và tăng vượt bậc ở những năm gần đây, tính đến năm 2017, tổng số tiền sử dụng quyền tác giả mà VCPMC đã thu là trên 200 tỷ đồng. VCPMC thực hiện nhập liệu, phân phối chi trả theo định kỳ mỗi quý cho các tác giả Việt Nam và quốc tế. Trong năm 2020, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là hơn 150 tỷ đồng, tăng 12 % so với năm 2019. VCPMC đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền (đã trừ phí quản lý) là hơn 107 tỷ đồng. Số lượng thành viên ký hợp đồng ủy quyền tại VCPMC trong năm 2020 là 276 tác giả. Tổng số thành viên viên ký hợp đồng ủy quyền tại VCPMC đến nay là 4.540 tác giả.
Hiệu quả của quá trình triển khai thực thi bảo hộ quyền tác giả trong những năm qua còn được thể hiện rõ nét ở số lượng thành viên tăng dần mỗi năm, cùng với số lượng tác phẩm cập nhật tại kho dữ liệu của VCPMC ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, VCPMC cũng đại diện để quản lý, khai thác quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc quốc tế được sử dụng tại lãnh thổ Việt Nam, thông qua ký kết thỏa thuận song phương giữa VCPMC và 71 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs), có phạm vi điều chỉnh trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bên cạnh công tác phối hợp, tuyên truyền phổ biến pháp luật, VCPMC đã phối hợp với các đơn vị quản lý nhà nước thường xuyên, nỗ lực vận động, thuyết phục các tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hộ cá thể có sử dụng âm nhạc thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về quyền tác giả. Điều này đã giúp cho việc thực hiện quy định quyền tác giả dần ổn định và đi vào nền nếp, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả của các tổ chức, cá nhân có bước chuyển biến rõ rệt, thể hiện qua thái độ ứng xử văn minh, tôn trọng đối với một loại tài sản đặc biệt của nhân loại - tài sản trí tuệ.
Cùng với VCPMC, có nhiều trung tâm, hội bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan ra đời như: Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA); Trung tâm Bảo vệ bản quyền số... Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng vi phạm về quyền tác giả một cách cố ý, công nhiên, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, dẫn đến yêu cầu cấp thiết trong việc tiến hành các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm. Việc sử dụng tác phẩm không xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt trong lĩnh vực internet, ứng dụng (app) nghe nhạc, tải nhạc...
Chúng tôi mong muốn bên cạnh sự quan tâm của các cấp chính quyền, việc thực thi, bảo hộ quyền tác giả phải được thấm sâu vào đời sống người dân, có sự ủng hộ, ý thức của người dân được nâng cao thì vấn đề vi phạm bản quyền mới không có đất sống.
Bên cạnh đó, hiện đang trong giai đoạn sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ. Các công ước chúng ta đã tham gia tương đối đầy đủ. Chúng ta đã tham gia WTO, công ước Bern, chúng ta có Luật Sở hữu trí tuệ, hàng loạt nghị định, thông tư hướng dẫn, nhưng chế tài chưa đủ mạnh. Thiết nghĩ, trong khi lợi nhuận từ việc vi phạm bản quyền là rất lớn, nên cần chế tài đủ mạnh để có sức răn đe.
Cần phải rà soát, xem xét tính tương thích của Luật với Công ước Bern. Những điểm vênh với thực tiễn và công ước, điều ước quốc tế thì phải điều chỉnh. Trong xu hướng hội nhập quốc tế, tham gia sân chơi chung, chúng ta phải tôn trọng các điều ước, công ước đã tham gia. Rà soát xem trong luật của chúng ta có những mục có độ vênh, xem có chồng chéo, đặc biệt là vấn đề về quyền biểu diễn, quyền ghi âm, ghi hình. Làm sao Luật sửa tốt, để anh em thực thi cho tốt và những đơn vị kinh doanh cũng dựa trên Luật để trả lại môi trường trong sạch về bản quyền cho nền nghệ thuật Việt Nam./.