Nhà hát Tuồng Việt Nam: Chuyển đổi số là xu thế phát triển của nghệ thuật để thích ứng với đại dịch
05/09/2021 | 08:15Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc nhà hát Tuồng Việt Nam cho rằng, việc thay đổi hình thức hoạt động, hình thức quảng bá và giới thiệu các hoạt động nghệ thuật đến với công chúng là một việc làm rất phù hợp, đồng thời cũng là xu thế phát triển của nghệ thuật trong nước và trên thế giới.
Kể từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật đã buộc phải hủy, hoãn, gây ra không ít tổn thất đối với các đơn vị nghệ thuật. Hệ lụy của dịch còn khiến cho cuộc sống của các nghệ sĩ, diễn viên gặp nhiều khó khăn.
NSƯT Nguyễn Kiều Oanh (Nhà hát Tuồng Việt Nam) chia sẻ, dịch COVID-19 đã làm gián đoạn rất nhiều chương trình và kế hoạch hoạt động nghệ thuật của nhà hát, việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và thu nhập của các nghệ sĩ truyền thống. Trong một thời gian dài vừa qua, gần như tất cả các nghệ sĩ của nhà hát đều không được biểu diễn trước công chúng.
Trước tình hình trên, chuyển đổi số hiện đang là một trong những phương thức mang lại hiệu quả tốt, "cứu cánh" cho không ít các đơn vị nhà hát thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Với sự chỉ đạo thường xuyên của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều chương trình nghệ thuật đặc biệt đã ra đời trên cơ sở "số hóa", tạo ra nhưng khác biệt đầy hiệu quả, mang nghệ thuật tới với công chúng ngay trên những nền tảng mạng xã hội quen thuộc như Facebook, Youtube…
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp, việc triển khai các chương trình online của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là rất thiết thực. Những chương trình này đã đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống như Tuồng lên các nền tảng internet, website, facebook, youtube… để đến gần hơn với khán giả.
"Định hướng sử dụng "số hóa" vừa có thể duy trì, bảo tồn các giá trị nghệ thuật của dân tộc, đồng thời cũng tạo nên "món ăn tinh thần" cho người dân và cũng là tiếng nói của những người nghệ sĩ để thể hiện một phần nhỏ đóng góp của mình trong công cuộc chống dịch" - Ông Phạm Ngọc Tuấn nói.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng việc thay đổi hình thức hoạt động, hình thức quảng bá và giới thiệu các hoạt động nghệ thuật đến với công chúng là một việc làm rất phù hợp, đồng thời cũng là xu thế phát triển của nghệ thuật trong nước và trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Tuấn cũng cho rằng, "số hóa" không thể thực hiện trong "một sớm một chiều", mà cần phải có định hướng cụ thể trong tương lai. Bởi nếu không, giá trị truyền thống sẽ mất dần, công chúng sẽ không có được cơ hội để tiếp cận và thưởng thức những giá trị nghệ thuật truyền thống lịch sử của Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, với sự hỗ trợ từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Nhà hát Tuồng Việt Nam đang có điều kiện rất tốt để phát triển trong lĩnh vực này.
Ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết, hiện nhà hát đã xây dựng trang youtube riêng để đăng tải các trích đoạn, các vở tuồng đặc sắc nhất do các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Việt Nam thực hiện, những video này thu hút hàng trăm nghìn lượt xem của khán giả khắp nơi theo dõi và nhận được những phản hồi rất tích cực từ phía khán giả trên khắp cả nước.
"Khán giả cho rằng đây là một hình thức chuyển đổi mới và thú vị, phù hợp với tình hình thực tiễn, xu hướng phát triển chung. Thông qua "số hóa", số lượng khán giả có thể tiếp cận nghệ thuật tăng cao. Không chỉ khán giả trong nước mà cả khán giả quốc tế" – ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.
Được biết, ngoài các nền tảng mạng xã hội, nhà hát cũng liên hệ với các đài truyền hình để phối hợp ghi hình, phát sóng các chương trình thuộc đề tài lịch sử, hiện đại, dân gian để chuyển tải nghệ thuật Tuồng…Cùng với đó là các kênh thông tin của nhà hát Tuồng Việt Nam trên các nền tảng số như trang web, fanpage, zalo, youtube. Tất cả đều được thường xuyên cập nhập, đăng tải các tin tức, để lưu giữ và phát huy các giá trị truyền thống của môn nghệ thuật dân gian này./.