Người phụ nữ 28 năm lặng lẽ đón Giao thừa ngoài đường
18/10/2019 | 13:2928 năm trong nghề thì cũng chừng ấy năm chị chưa từng được đón Giao thừa cùng chồng con, gia đình. Người phụ nữ vẫn miệt mài với chiếc chổi để làm sạch các tuyến phố, để sáng mùng 1, người dân Thủ đô được đón năm mới trong không khí vui tươi, sạch đẹp.
Công việc của chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Tổ trưởng Tổ Môi trường 1 - Chi nhánh Hoàn Kiếm - Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội ngày bình dị như bao người khác làm công tác vệ sinh môi trường. Chị bảo, dù nhiều năm trong nghề, nhưng chưa bao giờ chị nghĩ mình vinh dự được tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú".
Làm việc tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thi Hà Nội từ tháng 11 năm 1991, chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu được giao là Tổ trưởng Tổ phục vụ vệ sinh môi trường khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phường Hàng Bạc - địa bàn thường xuyên đón khách du lịch tham quan. Chị cùng các thành viên trong tổ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân, du khách, hộ kinh doanh trong khu vực bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không xả rác ra đường và nơi công cộng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu với công việc hằng ngày của mình
Đặc biệt khi địa bàn của chị phụ trách trở thành tuyến phố đi bộ trong những ngày cuối tuần, công việc của chị Hiếu và các chị em trong Tổ càng thêm bận rộn.
Chị chia sẻ: "Việc giữ cho khuôn viên khu vực luôn sạch đẹp là nhiệm vụ hàng đầu, tôi thường xuyên phối hợp với UBND Phường Hàng Bạc trong việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không vứt rác ra đường phố và nơi công cộng, đổ rác đúng giờ, đúng nơi công cộng. Thường xuyên phối hợp với các tổ dân phố trong phường tổng vệ sinh vào sáng thứ 7 hàng tuần. Điều này góp phần giữ gìn môi trường trên địa bàn phường luôn sạch đẹp".
Trong các đợt phục vụ lễ, tết, các ngày hội lớn của Thủ đô, Đất nước, những kỳ họp của Đảng và Nhà nước đặc biệt trong đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội và phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ 2 tại Hà Nội, chị luôn sẵn sàng làm tăng ca, thêm giờ, không quản ngại mưa nắng, ngày đêm miệt mài với công việc thu gom rác để giữ môi trường luôn sạch đẹp.
Chỉ Hiếu tận tình chỉ đường cho người dân
Tổ môi trường do chị phụ trách luôn được đánh giá cao bởi địa bàn phố cổ nhiều chợ, đông dân cư, nhiều tuyến đường, tuyến phố buôn bán suốt ngày đêm, lượng rác xả ra nhiều mà lực lượng lao động của tổ lại ít. Đây là bài toán khó đòi hỏi người Tổ trưởng như chị phải nhanh nhạy, biết sắp xếp phân công công việc hợp lý, đồng thời tìm tòi, sáng tạo ra những cách làm mới trong công tác vệ sinh môi trường. "Tôi đã cùng chị em trong tổ đưa Tổ Môi trường 1 là một trong những tổ đi đầu khi áp dụng cơ giới hóa sản xuất, áp dụng thử nghiệm các thiết bị mới nhằm tăng năng suất lao động, giảm sức lao động chân tay cho người công nhân"- Chị Hiếu chia sẻ.
Đặc biệt, sáng kiến ghi hình, chụp ảnh những trường hợp người dân xả rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định trên các tuyến phố không gian đi bộ quận Hoàn Kiếm của chị được chính quyền địa phương ủng hộ. Ngoài ra, chị cũng cùng các thành viên nâng cao công tác tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường tới du khách và các hộ kinh doanh trong khu vực. Nhờ đó, không gian đi bộ hạn chế đối đa rác thải, các hộ kinh doanh có ý thức bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Đến nay, ý thức người dân ở khu vực đã tốt lên rất nhiều.
Gần 30 năm làm công nhân vệ sinh môi trường, mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chồng mắc bệnh ung thư, phải điều trị lâu dài và mất sớm nhưng chị đã khắc phục khó khăn, bố trí công việc gia đình để điều hành, giải quyết công việc, các sự cố phát sinh trên địa bàn đảm bảo vệ sinh môi trường và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
28 năm trong nghề lao công cũng là 28 lần chị đón Tết ngoài đường
"Hầu như toàn bộ thời gian của tôi trong những ngày Tết là đón Giao thừa và ăn Tết trên đường phố để phục vụ bà con nhân dân vui chơi quanh khu vực Bờ Hồ. 28 năm trong nghề, chưa năm nào được đón Giao thừa ở nhà, nhưng vì nhiệm vụ chung, tôi luôn ý thức rằng khu vực Bờ Hồ rất quan trọng, là bộ mặt của Thủ đô. Đêm cuối năm, người dân Hà Nội đổ về đây rất đông, khi mọi người ra về hết, mình phải dọn dẹp cho đường phố sạch sẽ, để sáng mùng 1, người dân Thủ đô lại được đón năm mới trong một không gian sạch, đẹp"- chị Hiếu cho hay.
Chị cũng chia sẻ, nhiều khi cũng thương chồng, con thiệt thòi vì không có vợ, mẹ ở bên cạnh để đón Giao thừa, để cùng làm mâm cỗ cúng. Nhưng công việc phải chấp nhận. Chị bảo, mình là người phụ nữ, vẫn phải chuẩn bị tươm tất mọi việc trong nhà rồi mới đi làm. Như thế, chồng con cũng hiểu và chia sẻ.