Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ngoại giao văn hóa – cầu nối phát triển du lịch

05/08/2024 | 07:43

Ngoại giao văn hóa được xem là “quyền lực mềm”, “sức mạnh mềm” trong bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Ngoại giao văn hóa đang chứng tỏ sức lan tỏa mạnh, rất hiệu quả, thiết thực, không chỉ thắt chặt quan hệ đối ngoại, xây dựng lòng tin, quảng bá giá trị văn hóa ra thế giới, tiếp thu văn hóa nhân loại để làm giàu cho nền văn hóa đất nước.

Ngoại giao văn hóa được xem là “quyền lực mềm”, “sức mạnh mềm” trong bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Ngoại giao văn hóa đang chứng tỏ sức lan tỏa mạnh, rất hiệu quả, thiết thực, không chỉ thắt chặt quan hệ đối ngoại, xây dựng lòng tin, quảng bá giá trị văn hóa ra thế giới, tiếp thu văn hóa nhân loại để làm giàu cho nền văn hóa đất nước.
Ngoại giao văn hóa – cầu nối phát triển du lịch - Ảnh 1.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội vào sáng 24/11/2021.

Đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, văn hóa và con người, tăng cường xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo điều kiện  hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động giao lưu văn hóa góp phần tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước. Đồng thời, ngoại giao văn hóa cũng chính là cầu nối tạo động lực cho hoạt động du lịch phát triển bền vững.

Ngoại giao

Theo Wikipedia, ngoại giao (diplomacy) là một nghệ thuật tiến hành trong việc đàm phán, thương lượng giữa những người đại diện cho một nhóm hay một quốc gia. Thuật ngữ này thường đề cập đến ngoại giao quốc tế, thực hiện các mối quan hệ quốc tế thông qua sự can thiệp hay hoà giải của các nhà ngoại giao liên quan đến các vấn đề như kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch, chiến tranh, hòa bình và thường gọi là bang giao hay đối ngoại...

Về mặt hình thức, ngoại giao chủ yếu là đàm phán. Thực chất của ngoại giao chính là thông qua đàm phán để xử lý quan hệ quốc tế. Xét trong phạm vi hẹp, ngoại giao là khoa học của nghệ thuật đàm phán”. Theo từ điển Anh ngữ Oxford giải thích, ngoại giao là: (1) Thông qua đàm phán xử lý quan hệ quốc tế; (2) Phương pháp mà đại sứ hoặc các nhân viên ngoại giao điều chỉnh và xử lý những quan hệ này; (3) Nghiệp vụ hoặc kỹ thuật của nhà ngoại giao; (4) Kỹ năng hoặc cách ăn nói trong xử lý quan hệ giao lưu và đàm phán quốc tế.

Văn hóa

Văn hóa là một khái niệm rất phong phú và đa dạng vì ở mỗi dân tộc, mỗi thời đại lịch sử cho ta định nghĩa khác nhau về văn hóa, và văn hóa gắn liền với xã hội (kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao…). Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) khẳng định: Văn hóa là một tổng hợp các đặc điểm tinh thần, thể chất, tri thức và tình cảm đặc trưng cho một xã hội hoặc một nhóm xã hội, bao hàm không chỉ nghệ thuật và văn học mà còn cả lối sống, cách thức cùng chung sống, các hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng. Những đặc trưng của các yếu tố cấu thành đó giúp phân biệt được một xã hội (hoặc một nhóm xã hội) với các xã hội (hoặc nhóm xã hội) khác.

Với định nghĩa này, UNESCO đã chỉ ra bản chất của văn hóa là tổng hợp đặc điểm tinh thần của một cộng đồng, trong đó cơ cấu của văn hóa là nghệ thuật, văn chương, lối sống, cách sống chung, giá trị, truyền thống, tín ngưỡng của một cộng đồng. Định nghĩa trên cũng đã nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong việc giúp một xã hội khẳng định sự hiện diện của mình trên thế giới và đảm bảo sự tồn tại của xã hội đó theo dòng thời gian. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác “đa dạng văn hóa” còn ẩn chứa một sức mạnh bên trong. Bởi “đa dạng văn hóa” về bản chất chính là “sự khác biệt” giữa các nền văn hóa với nhau và chính sự khác biệt này tạo nên sự hấp dẫn, sự thu hút của một nền văn hóa đối với thế giới bên ngoài.

Ngoại giao văn hóa

Kết hợp ngoại giao và văn hóa, ngoại giao văn hoá được hiểu là việc sử dụng văn hoá như là một phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia.

Theo Wikipedia, nhìn từ góc độ chính trị học, ngoại giao văn hóa (cultural diplomacy) là một khái niệm trong khoa học chính trị để chỉ việc sử dụng và truyền bá những tư tưởng văn hóa giữa các nhóm người khác nhau nhằm đạt được mối quan hệ thiện cảm và sự hiểu biết lẫn nhau. Đây là một hình thức ngoại giao thông qua công cụ văn hóa để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm đạt được các mục tiêu lợi ích của quốc gia.

Như vậy, ngoại giao văn hóa là các hoạt động ngoại giao của một quốc gia hướng ra thế giới bên ngoài bằng văn hóa và qua văn hóa, nhằm đặt được các mục tiêu đối ngoại của quốc gia đó. Nội hàm cơ bản nhất của ngoại giao văn hóa là việc sử dụng các công cụ văn hóa trong các hoạt động ngoại giao nhằm thực hiện những nhiệm vụ đối ngoại của đất nước, trong đó nhiệm vụ cơ bản nhất là quảng bá văn hóa quốc gia ra thế giới, định vị hình ảnh đất nước trên trường quốc tế, thu hút cảm tình và sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới, qua đó thúc đẩy quan hệ ngoại giao, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là thu hút đầu tư thương mại, du lịch, dịch vụ, đồng thời tiếp thu tinh hoa thế giới để làm giàu, làm phong phú nền văn hóa dân tộc, ngăn chặn sự xâm nhập của văn hóa độc hại từ bên ngoài. Ở một cấp độ cao hơn, ngoại giao văn hóa hướng tới việc truyền bá, phổ quát những giá trị và tinh văn hóa dân tộc ra thế giới bên ngoài, đóng góp vào việc xây dựng hệ giá trị và tinh hoa văn hóa nhân loại.

Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam. Ba trụ cột này gắn bó, tác động lẫn nhau, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Ngoại giao chính trị có vai trò định hướng, ngoại giao kinh tế là nền tảng vật chất và ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần của hoạt động đối ngoại. Trong thực tiễn, ngoại giao văn hóa là công cụ thực hiện chính sách đối ngoại cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế thực hiện các mục tiêu của nhà nước. Tuy nhiên, ngoại giao văn hóa không phải là công cụ ngoại giao đơn thuần mà là công cụ liên ngành, bởi nó có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với văn hóa, dùng văn hóa và qua văn hóa để thực hiện những nhiệm vụ của chính sách đối ngoại. Mục tiêu cao nhất của ngoại giao văn hóa là góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chính sách đối ngoại của nhà nước, trong đó rõ nét nhất là mục tiêu tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng các giá trị văn hóa, tạo nền tảng và cơ sở cho xây dựng lòng tin, qua đó duy trì mối quan hệ ổn định và lâu bền giữa các quốc gia.

Phân tích ở những góc độ khác nhau, ngoại giao văn hóa có những mục tiêu cơ bản sau: (1) Quảng bá, giới thiệu một cách rõ nét những giá trị văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa nghệ thuật… của một quốc gia; (2) Định vị quốc gia trong đời sống chính trị - văn hóa quốc tế; (3) Làm nền tảng tinh thần cho nền ngoại giao mở rộng, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư của quốc gia với thế giới; (4) Thông qua giao lưu văn hóa tiếp thu những giá trị tốt đẹp và tinh túy của văn hóa nhân loại để làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc.

Chủ thể quan trọng nhất của ngoại giao văn hóa là nhà nước. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong chỉ đạo, điều phối, triển khai thực hiện các hoạt động ngoại giao văn hóa. Bên cạnh đó, có sự tham gia của các chủ thể phi nhà nước, các tổ chức dân sự và khu vực doanh nghiệp. Đặc biệt, hoạt động của ngoại giao văn hóa luôn cần có sự tham gia của những người hoạt động nghệ thuật, nghệ sỹ, diễn viên, nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, điêu khắc… Ngoài ra, một chủ thể đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ngoại giao/giao lưu văn hóa chính là nhân dân. Với chủ trương tăng cường/đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá, nhân dân ngày càng trở thành chủ thể chính của nhiều hoạt động, họ vừa là người tổ chức vừa là người trực tiếp biểu diễn.

Nội dung hoạt động của ngoại giao văn hóa gồm: (1) Truyền bá, quảng bá các giá trị văn hóa; (2) Đàm phán ký kết, hợp tác về văn hóa; (3) Duy trì mối liên kết văn hóa; (4) Tiếp nhận, tiếp biến văn hóa nước ngoài. Hình thức ngoại giao văn hóa thường thông qua các hoạt động: (1) Tổ chức hoạt động truyền thông đối ngoại; (2) Tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật; (3) Tổ chức hoạt động triển lãm; (4) Tổ chức ngày/tuần/tháng/năm văn hóa tại nước ngoài; (5) Hoạt động của trung tâm văn hóa ở nước ngoài.

Ngoại giao văn hóa – cầu nối phát triển du lịch - Ảnh 2.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021.

Văn hóa ngoại giao

Văn hóa ngoại giao được thể hiện ra trong hoạt động ngoại giao, chính sách ngoại giao, nó giống như văn hóa xã hội, văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật. Thông thường, văn hóa ngoại giao có thể hiểu là sự thể hiện hoặc phản ánh của đặc tính văn hóa của một quốc gia trong lý luận ngoại giao và thực tiễn ngoại giao của quốc gia đó. Văn hóa ngoại giao của một quốc gia thường được biểu hiện trên ba góc độ: (1) Xu thế quan niệm giá trị của chiến lược ngoại giao; (2) Phong cách và đặc điểm truyền thống của hoạt động ngoại giao; (3) Mô hình chủ yếu của hành vi ngoại giao.

Trong hoạt động đối ngoại, văn hoá ngoại giao đóng vai trò như “mở cửa” khai thông hay “gắn kết” mối quan hệ hữu nghị. Điều này thể hiện ở hành vi ứng xử của các cá nhân trong quá trình giao tiếp, văn hoá ngoại giao tạo ra ấn tượng đầu tiên với đối tượng tiếp xúc. Văn hoá ngoại giao cũng là chất kết dính để quan hệ giữa nhân dân với nhân dân được bền chặt hơn, nâng cao hình ảnh quốc gia, tăng cường tình hữu nghị. Do đó, văn hoá ngoại giao góp phần vào sự phát triển công tác/hoạt động đối ngoại.

Vai trò của ngoại giao văn hóa

Từ đầu thế kỷ XXI, khi quá trình toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ, ngoại giao văn hóa càng được sử dụng rộng rãi với nhiều hình thức phong phú và có vai trò quan trọng bởi sức lan toả mạnh mẽ của văn hóa trong việc xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, giúp làm sâu sắc và thắt chặt hơn các mối quan hệ chính trị và kinh tế. Nhân tố văn hóa có ảnh hưởng, tác động đến quan hệ quốc tế và trong một số trường hợp mang tính quyết định. Do đó, việc vận dụng yếu tố văn hóa để nâng cao hiệu quả triển khai đường lối đối ngoại được các quốc gia ngày càng chú trọng. Sự trân trọng các giá trị văn hóa trong công tác ngoại giao trở thành cầu nối để vượt qua những khác biệt, đưa các dân tộc xích lại gần nhau và cùng chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu. Trong xu thế hòa bình, sự phân công lao động trên thế giới ngày càng sâu sắc, sự phụ thuộc lẫn nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng rõ nét, xu thế hội nhập đang nắm giữ vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế quốc tế thì ngoại giao văn hóa ngày càng trở nên quan trọng và được quan tâm hơn bao giờ hết. Qua tổng kết thực tiễn, vai trò của ngoại giao văn hóa được thể hiện trên một số phương diện sau:

Thứ nhất, ngoại giao văn hóa thúc đẩy ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế. Ngoại giao văn hóa là một bộ phận trong toàn bộ hoạt động ngoại giao, luôn luôn gắn liền với chính trị và kinh tế. Ba lĩnh vực ấy đều liên quan mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau và bổ sung cho nhau. Văn hóa thâm nhập vào các vấn đề chính trị và kinh tế. Mọi vấn đề kinh tế và chính trị được đặt ra trong ngoại giao đều gắn liền với văn hóa. Sự tham gia của văn hóa là một điều kiện thành công hay thất bại của cả ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Ngày nay, cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa tạo thành sức mạnh tổng hợp cho ngoại giao hiện đại; trong đó ngoại giao văn hóa tạo nên nền tảng tinh thần, chất “kết dính” làm bền chặt quan hệ chính trị và kinh tế, đồng thời có lúc đóng vai trò đi trước, mở đường cho ngoại giao chính trị và kinh tế. Trong quan hệ quốc tế, sự lồng ghép, đan xen và tác động bổ trợ cho nhau giữa ngoại giao văn hóa và ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế được thể hiện rất rõ.

Thứ hai, ngoại giao văn hóa tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia đồng thời còn có vai trò làm dịu căng thẳng về chính trị. Ngoại giao văn hóa góp phần củng cố và làm sâu sắc mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tăng cường hiểu biết lẫn nhau, gia tăng sự gắn kết và củng cố lòng tin. Những năm đầu sau chiến tranh lạnh, mặc dù những rào cản vô hình giữa hai phe đã được xóa bỏ nhưng vẫn tồn tại sự nghi kỵ, sự thiếu hiểu biết giữa người dân các nước với nhau. Trong khi đó, yêu cầu giữ môi trường hòa bình, thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư, mở rộng quan hệ thương mại, đẩy mạnh hợp tác liên kết khu vực và quốc tế để tăng trưởng và phát triển trở thành xu thế chủ đạo, dẫn dắt quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh đó, các hoạt động ngoại giao văn hóa mà các quốc gia triển khai đã góp phần đưa các dân tộc xích lại gần nhau, biến mối hoài nghi trở thành sự hiểu biết lẫn nhau, vun đắp tình hữu nghị, tạo động lực thúc đẩy sự hợp tác. Ngoài ra, ngoại giao văn hóa còn có vai trò làm dịu căng thẳng về chính trị (nếu có), làm thân thiết mối quan hệ giữa các nước.

Thứ ba, ngoại giao văn hóa góp phần nâng cao và củng cố sức mạnh mềm của quốc gia trên thế giới. Sức mạnh mềm của mỗi quốc gia bao gồm năng lực hấp dẫn của văn hóa, các chuẩn giá trị, năng lực định hướng thị hiếu và sở thích đối với những chủ thể khác, năng lực vạch ra các chương trình nghị sự, xây dựng thể chế hay chuẩn mực mà được các chủ thể khác chấp nhận và làm theo. Văn hóa của mỗi quốc gia dựa vào sức lan tỏa, thẩm thấu và rung động, thâm nhập vào công chúng nước khác, truyền cảm xúc, cảm hóa, thiết lập lòng tin, xoay chuyển tín nhiệm, chuyển hướng giá trị và sở thích hướng đến nền văn hóa của nước này. Khi làm được điều đó, nước chịu ảnh hưởng văn hóa sẽ bị sức mạnh mềm chi phối. Tuy nhiên, trong thực tiễn, không phải nền văn hóa nào cũng làm được như vậy, mặc dù đó là điều mà mọi nền văn hóa đều mong muốn. Việc một nền văn hóa “cảm hóa” thành công “thế giới bên ngoài” đồng nghĩa với việc nó đã chuyển hóa thành một hình thái sức mạnh mềm trên thế giới. Nói cách khác, việc công chúng bày tỏ thái độ thế nào đối với một nền văn hóa, sẽ quyết định mức độ thành công của sức mạnh mềm văn hóa.

Thực tiễn cho thấy, khi ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế tỏ ra bất lực trước những bất đồng xuyên quốc gia, thì ngoại giao văn hóa sẽ trở thành công cụ vạn năng gỡ nút thắt một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng giống như tính chất của văn hóa vậy. Giống như ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa hướng tới mục đích tối thượng là đảm bảo lợi ích quốc gia nhưng ngoại giao văn hóa có ưu điểm là duy trì được tối đa bầu không khí hòa bình cho các bên liên quan. Chính vì vậy, ngoại giao văn hóa đang trở thành một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của các quốc gia trên thế giới. Mỗi quốc gia dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu đều có những bản sắc văn hóa riêng của mình, do vậy, đều có thể thực thi một cách hiệu quả chính sách ngoại giao văn hóa của đất nước.

Tác động của ngoại giao văn hóa đối với hoạt động du lịch

Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập khu vực và quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng trên toàn thế giới. Việt Nam tham gia vào các sân chơi quốc tế cũng không nằm ngoài xu thế đó. Toàn cầu hóa đã mang lại những điều kiện và cơ hội thuận lợi cho nhiều quốc gia, nhất là trong hoạt động du lịch thông qua việc quảng bá hình ảnh, gia tăng uy tín và sức hấp dẫn. Trên thực tế, một số quốc gia đã rất thành công trong việc kết hợp và sử dụng ngoại giao văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư, hợp tác, thu hút khách du lịch… Điển hình như Thái Lan với các hoạt động kết hợp với xúc tiến quảng bá hình ảnh đất nước và du lịch quốc gia với khẩu hiệu “Amazing Thailan” (Ngỡ ngàng Thái Lan) và "Kitchen to the World” (Nhà bếp thế giới) hết sức thành công; Nhật Bản với các sản phẩm phim hoạt hình, truyện tranh Manga và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia “Yokoso Japan” (Welcome to Japan); Hàn Quốc với chiến lược “Làn sóng Hàn”… Điều này chứng tỏ sự tác động của toàn cầu hóa đối với ngoại giao văn hóa, những đồng thời cũng cho thấy sự gắn kết và tác động qua lại giữa ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế.

Thời gian qua, ngoại giao văn hóa đã khẳng định tính hiệu quả trong thực hiện các mục tiêu của công tác đối ngoại giữa Việt Nam với các quốc gia. Những tác động tích cực mà ngoại giao văn hóa đem lại đối với quốc gia cũng như vai trò của văn hóa ngày càng trở lên quan trọng hơn trong quan hệ quốc tế là cơ sở để khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa với các quốc gia trong thời gian tới nhằm định vị hình ảnh quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín với các nước trong khu vực. Ngoài ra, hiện nay, “sức mạnh mềm” hay “quyền lực mềm” đang là nhân tố cơ bản để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia cũng như để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của một nước trong khu vực và trên thế giới. Cũng vì vậy, việc gia tăng “sức mạnh mềm” sẽ được Việt Nam coi là trọng điểm trong chiến lược phát triển quốc gia. “Sức mạnh mềm” được thể hiện ở sức hấp dẫn, lan tỏa từ các giá trị văn hóa của quốc gia đó. Do đó, văn hóa ngày càng được coi trọng, gắn văn hóa với phát triển, coi văn hóa là động lực, là nhân tố tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo đang là xu thế của nền kinh tế thế giới và là ưu tiên trong chính sách phát triển của nhiều nước trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, xu thế hòa bình, ổn định, độc lập, hợp tác để phát triển là xu thế chung. Trong đó, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng trên toàn thế giới. Đặc biệt, trên lĩnh vực văn hóa, quá trình toàn cầu hóa diễn ra sôi động với sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện truyền thông và sự bùng nổ của các ngành công nghiệp sáng tạo.

Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của ngoại giao văn hóa ngày càng quan trọng. Bởi ngoại giao văn hóa là cầu nối gắn kết các dân tộc trên thế giới, tạo điều kiện cho sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia. Ngoại giao văn hóa và ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế có sự tác động qua lại và hỗ trợ cho nhau. Ngoại giao văn hóa góp phần thúc đẩy ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, làm sâu sắc, hiệu quả hơn ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế và ngược lại. Ngoài ra, ngoại giao văn hóa còn đóng vai trò là nâng cao sức mạnh mềm của quốc gia dân tộc, là cầu nối thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch giữa các quốc gia.

Thực tiễn hoạt động ngoại giao văn hóa giữa Việt Nam trong thời gian qua đã được triển khai trên các lĩnh vực như giao lưu, hợp tác văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, tổ chức các sự kiện văn hóa, festival, ẩm thực, truyền thông, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hoạt động của trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia, những ngày/tuần Việt Nam ở nước ngoài,... có sự phối hợp thực hiện đồng bộ của nhiều bộ, ngành nhằm quảng bá toàn diện về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của hoạt động du lịch.

Thông qua nhiều giải pháp, trong đó có hoạt động ngoại giao văn hóa, trải qua 64 năm hình thành và phát triển, ngành Du lịch đã vươn lên, phát triển nhanh cả về quy mô và chất luợng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Hiện nay, du lịch từng bước khẳng định vị trí, vai trò là ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Năm 2019, du lịch Việt Nam đã đón được 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, đóng góp của du lịch chiếm 9,2% GDP cả nước. Du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Việt Nam được xếp là một trong 6 nước có tốc độ tăng trưởng du lịch quốc tế hàng đầu thế giới. Trong giai đoạn 2020-2022 ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng đã từng bước vượt khó qua các đợt dịch để trở thành một trong những ngành có tốc độ phục hồi nhanh nhất cả nước.

Với sự tham mưu, đề xuất của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho mở cửa thí điểm du lịch từ cuối năm 2021 tiến tới mở cửa hoàn toàn từ tháng 15/3/2022. Đây là bước ngoặt quan trọng tạo đà cho sự phục hồi của ngành du lịch. Kết quả năm 2022, Việt Nam đã đón được gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, du lịch nội địa trở thành điểm sáng với 101,3 triệu lượt khách - cao hơn con số kỷ lục 85 triệu lượt của năm 2019. Bước sang năm 2023, thị trường du lịch quốc tế đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, mức độ phục hồi đã đạt 70% so với năm 2019, cao hơn mức phục hồi chung của châu Á (65%).

Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa và tổng thu đạt 840 ngàn tỷ đồng. Đây là mục tiêu cao và đầy tham vọng của ngành du lịch nhưng hoàn toàn có cơ sở để thực hiện với sự quan tâm sâu sắc của các cấp và nỗ lực của cả ngành du lịch triển khai các giải pháp hiệu quả. Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa đạt 66,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 436,5 nghìn tỷ đồng. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024, lĩnh vực du lịch, dịch vụ được đánh giá là một trong 11 điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Với đà tăng trưởng như hiện nay trong khi mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ tới trong những tháng cuối năm, ngành du lịch đầy lạc quan sẽ hoàn thành mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay.

Với các thành tựu đã đạt được trong những năm qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam 4 lần được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á (Asia’s Leading Tourist Board) vào các năm 2017, 2021, 2022, 2023. Ngành Du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: 4 lần là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; 2 lần là Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và 6 lần là Điểm đến Golf tốt nhất châu Á; 5 lần là Điểm đến hàng đầu châu Á; và nhiều danh hiệu danh giá khác như Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Điểm đến di sản hàng đầu châu Á; Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á...

Ngành Du lịch đã chủ động tham gia các hội chợ du lịch lớn trên thế giới, tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài, quảng bá du lịch tại các Ngày Văn hóa, Tuần Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế ở các cơ chế song phương và đa phương... Đặc biệt, nửa đầu năm 2024 chứng kiến không khí sôi động của hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế. Để tạo sự thống nhất hành động trong toàn ngành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Hội nghị công tác xúc tiến du lịch năm 2024 để trao đổi và định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai hoạt động xúc tiến, thu hút khách du lịch.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã huy động nguồn lực xã hội để tổ chức xúc tiến du lịch quốc gia tại Hội chợ TRAVEX tại Lào và tổ chức Hội nghị Du lịch Việt Nam - Úc nhằm nâng tầm hợp tác du lịch, góp phần cụ thể hóa cam kết của hai Thủ tướng về nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đồng thời, triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch quan trọng ở các thị trường mục tiêu lớn như: Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc tại Seoul vinh dự có sự tham dự và phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, khẳng định hợp tác văn hóa và du lịch là điểm sáng trong quan hệ hợp tác hai nước. Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Nga diễn ra trong khuôn khổ Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga năm 2024, có ý nghĩa sâu sắc khẳng định quan hệ bền chặt Việt - Nga, cũng như vai trò quan trọng của thị trường khách Nga đối với Việt Nam. Chương trình xúc tiến du lịch vừa qua tại 3 nước châu Âu là Pháp, Đức, Ý thành công vượt mong đợi với sự tham gia của rất đông các đại biểu, khách mời, doanh nghiệp quốc tế, đánh giá cao du lịch Việt Nam với chính sách thị thực thông thoáng, đường bay thuận lợi, sản phẩm hấp dẫn và con người thân thiện, mến khách.

Một số đề xuất, khuyến nghị

Đại hội XIII của Đảng đặt nhiệm vụ “mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”. Những định hướng quan trọng của Đại hội XIII về ngoại giao văn hóa càng trở nên đúng đắn hơn trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược diễn ra gay gắt, các nước ngày càng coi trọng vai trò của ngoại giao văn hóa trong quảng bá hình ảnh quốc gia, phát huy bản sắc dân tộc, tăng cường sức mạnh mềm, góp phần phát triển bền vững và nâng cao vị thế, ảnh hưởng của đất nước trên trường quốc tế. Để thực hiện nhiệm vụ này, các cơ quan, tổ chức cần phối hợp triển khai một số giải pháp sau: (1) Giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương, mọi thành phần kinh tế và của cả cộng đồng người Việt Nam về ngoại giao văn hóa; (2) Có cơ chế điều phối cấp quốc gia về ngoại giao văn hóa; (3) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngoại giao văn hóa; (4) Đa dạng hoá các chủ thể và phương thức làm công tác ngoại giao văn hóa; (5) Xây dựng thông điệp văn hóa của Việt Nam trong việc quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đối với thế giới; (6) Mở rộng mạng lưới các trung tâm nâng văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng con người Việt Nam và môi trường văn hóa lành mạnh; (7) Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngoại giao văn hoá cần có cơ sở vật chất, tài chính vững chắc, cần sớm có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ xã hội cho ngoại giao văn hóa; (8) Quan tâm đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, phát triển, quảng bá văn hóa bằng du lịch, thúc đẩy hội nhập sâu giữa văn hóa và du lịch, thông qua du lịch “xuất khẩu” văn hóa tại chỗ đối với du khách và bạn bè quốc tế.

Thay cho lời kết

Có thể khẳng định rằng, các giá trị văn hóa là chỗ dựa tinh thần bền vững cho hoạt động đối ngoại. Trong thời đại ngày nay, văn hóa ngày càng khẳng định vai trò cầu nối gắn kết các dân tộc trên thế giới, là mục tiêu và động lực phát triển, là nền tảng gìn giữ và bảo vệ hòa bình, là nhân tố để thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển. Sự giao lưu quốc tế về các lĩnh vực văn hóa ngày càng mở rộng đều thông qua hoạt động ngoại giao, giao lưu hoặc du lịch. Trong đó, ngoại giao văn hóa ngày càng giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, phát huy vai trò của ngoại giao văn hóa, tăng cường giao lưu nhân dân để giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu quốc gia, lan tỏa sức mạnh mềm, tinh hoa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế; khai thác tối đa nội lực, đồng thời tranh thủ, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển nền văn hóa.

Trong thời gian qua, ngoại giao văn hóa của Việt Nam đã được triển khai mạnh mẽ, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú về hình thức, chú trọng chất lượng, linh hoạt, sáng tạo trong ý tưởng và biện pháp, trên cơ sở bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, góp phần nâng tầm và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế. Ngoại giao văn hóa ngày càng phát huy vai trò là một trụ cột đối ngoại quan trọng và có những đóng góp lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Đồng thời, ngoại giao văn hóa sẽ trở thành động lực, cầu nối cho phát triển hoạt động du lịch bền vững trong tương lai.


TS. Đoàn Mạnh Cương - Văn phòng Quốc hội (Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×