Nghị quyết số 58: Thời cơ mới cho du lịch phát triển
20/10/2020 | 14:58Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành du lịch, khi nó mở ra cơ hội mới cho du lịch Thanh Hóa cất cánh.
Thanh Hóa nằm ở vị trí cửa ngõ nối liền Bắc bộ với Trung bộ, với nhiều hệ thống giao thông huyết mạch cả về đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Đặc biệt, với nhiều dạng địa hình, cùng truyền thống và bề dày lịch sử - văn hóa, Thanh Hóa được ví như hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam. Nói riêng về tài nguyên du lịch, Thanh Hóa là một trong số ít địa phương đang có trữ lượng tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, tạo tiền đề cho việc đầu tư, khai thác để trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn. Đó là 1.535 di tích lịch sử, văn hóa danh lam, thắng cảnh; trong đó có 852 di tích đã được xếp hạng (1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia và 707 di tích cấp tỉnh) và 11 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, Thanh Hóa còn có một hệ thống cảnh quan thiên nhiên, thắng cảnh kỳ thú là bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Nghi Sơn), Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh), Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân), Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và Pù Hu (Bá Thước, Quan Hóa), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy)...
Bên cạnh đó không thể không nhấn mạnh đến một điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển là sự phát triển của kinh tế - xã hội. Thanh Hóa đang phát triển tương đối nhanh và ổn định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, trong đó dịch vụ du lịch có vai trò đáng kể; đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện; hệ thống cơ sở hạ tầng đã và đang được đầu tư nâng cấp ngày càng đồng bộ, hiện đại... Ngoài ra, nhận thức về vai trò, vị thế của du lịch không ngừng được nâng lên; các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có sự quan tâm và chỉ đạo tốt hơn cho hoạt động du lịch; số lượng doanh nghiệp du lịch tăng, nhiều dự án du lịch được triển khai thực hiện, đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch; hoạt động du lịch đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng dân cư...
Mặc dù vậy, không thể không chỉ ra những khó khăn cơ bản mà du lịch Thanh Hóa đang phải đối mặt. Đó là tài nguyên du lịch tuy đa dạng nhưng phân tán, khiến cho nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối các điểm đến là rất lớn và gây khó khăn cho việc kết nối, hình thành tuyến, điểm du lịch hấp dẫn. Hoạt động du lịch bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố mùa vụ (nhất là du lịch biển), đang gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thu hút các dự án đầu tư có quy mô, đẳng cấp, thu hút khách du lịch và nguồn nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ và hộ cá thể, tiềm lực cạnh tranh, khả năng quản trị, tính chuyên nghiệp chưa cao. Trong khi đó, một số khu, điểm du lịch phát triển không theo quy hoạch từ những giai đoạn trước, để lại các sản phẩm du lịch kém chất lượng, mà Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) là một ví dụ. Việc khôi phục, trùng tu các di tích cần nguồn vốn lớn, thời gian dài làm chậm hình thành các điểm đến văn hóa thu hút khách. Cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch tại hầu hết các địa phương còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm; một số địa phương trọng điểm về du lịch không có cán bộ chuyên trách du lịch dẫn đến năng lực quản lý hạn chế. Nguồn nhân lực trong các cơ sở kinh doanh du lịch, nhất là các cơ sở kinh doanh du lịch quy mô vừa và nhỏ, chưa được quan tâm đúng mức... Đây là những nút thắt lớn, đang kéo chậm sự phát triển ngành du lịch.
Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị nhấn mạnh, phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Với sự định hướng này, rõ ràng Thanh Hóa đã đặt du lịch ở vị trí trung tâm, quan trọng. Đây cũng là kim chỉ nam để tỉnh ta đưa ra các quyết sách, định hướng, mục tiêu tăng trưởng phù hợp. Đồng thời, tạo căn cứ để xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính vừa cụ thể, vừa mang tính đột phá, góp phần giải quyết các khó khăn, những vấn đề còn tồn tại trong phát triển du lịch. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu và là một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển. Đây thực sự sẽ là “thời cơ vàng” để Thanh Hóa đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong tứ giác.
Nghị quyết số 58 nêu rõ “... gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội với ba loại hình mũi nhọn gồm: Du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch di sản văn hóa, tâm linh”. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thiết nghĩ, trước hết cần đổi mới mạnh mẽ về nhận thức, tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường. Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch để tạo sức hút và từng bước xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh. Trong du lịch, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, được ví như “xương sống”. Do vậy, tỉnh ta cần ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng, có tính chiến lược; nâng cao khả năng kết nối đến các khu du lịch trọng điểm và hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm du lịch.
Cùng với đó là tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa và có khả năng cạnh tranh cao. Trong đó, cần đầu tư cho du lịch biển, nhằm từng bước hình thành hệ thống các khu du lịch với dịch vụ cao cấp, các tổ hợp khu vui chơi giải trí, các khu nghỉ dưỡng nhiều tiện nghi, có khả năng cạnh tranh về nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển... Ngoài ra, cần chú trọng đến công tác xúc tiến, quảng bá du lịch có trọng tâm, định hướng thị trường mục tiêu, mở rộng thị trường nội địa và hướng đến thị trường nước ngoài. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển du lịch, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch...