Nghệ nhân hơn 20 năm gìn giữ di sản miền biên viễn
02/11/2022 | 14:39Với người dân xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, di tích lịch sử quốc gia đền Bảo Hà có được cơ ngơi như hiện nay, trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng khắp miền Bắc không thể không kể tới người có công tôn tạo, khôi phục và gìn giữ từ những ngày đầu là nghệ nhân dân gian Phạm Văn Chiến.
Nằm trong "Quần thể di tích Thần vệ quốc Hoàng Bảy", từ lâu đền Bảo Hà ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn du khách thập phương mỗi khi đặt chân đến tỉnh Lào Cai.
Đền Bảo Hà là Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng vào tháng 11/1997. Theo các nguồn sử liệu thì ông Hoàng Bảy vốn là danh tướng thời Cảnh Hưng (1740-1786), được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải khi giặc phương Bắc thường hay tràn sang quấy nhiễu, cướp bóc dân lành. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng Châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng đã tổ chức cho các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sỹ… Sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa (Yên Bái, Lào Cai ngày nay).
Khi giặc phương Bắc do tên tướng Tả Tủ Vàng Pẹt đưa quân sang xâm lược bờ cõi, danh tướng Hoàng Bảy lại dẫn quân lên tham chiến. Song, trong một trận chiến không cân sức, ông đã anh dũng hy sinh. Giặc vứt xác ông xuống sông Hồng, và trôi đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng do ông Lư Văn Cù đứng ra tổ chức vớt xác ông lên chôn cất và lập miếu thờ. Sau này, khi hiển linh ông trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong đền Bảo Hà…
Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã ban sắc phong tặng ông danh hiệu "Trấn an hiển liệt" và đền thờ ông cũng được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là "Thần vệ quốc". Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Cho đến nay, đền Bảo Hà và Lễ hội đền Bảo Hà là địa điểm du lịch tâm linh có lượng du khách đông nhất nhì ở miền Bắc, cho thấy sức hút và sự linh thiêng của di tích lịch sử này.
Để có được cơ ngơi và sức lan tỏa như ngày nay, với người dân xã Bảo Hà không thể không nhắc tới công lao tôn tạo, khôi phục và gìn giữ từ những ngày đầu của nghệ nhân dân gian Phạm Văn Chiến.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tân An (Văn Bàn) nên từ nhỏ, ông Phạm Văn Chiến đã được bậc sinh thành và người già trong làng kể cho nghe nhiều câu chuyện về lễ hội đền Bảo Hà - Tân An. Như mối nhân duyên trời định, năm 2003 khi chính quyền xã đề nghị, ông Chiến đã thành tâm phụng sự nhang khói đền Bảo Hà. Từ một ngôi đền xập xệ, ông đã lên kế hoạch tu sửa, mở rộng. Theo tiết lộ của ông, thời đó có người bạn đã cho ông vay hơn 200 cây vàng, cùng sự đồng lòng của người dân xa gần chung tay xây dựng. Dù phục dựng và mở rộng nhưng kiến trúc nguyên thủy của đền vẫn được giữ lại gần như toàn bộ, gồm: cổng tam quan, sân đền, nhà khách, phủ chúa Sơn Trang, Tòa đại bái, Cung cấm, Cung nhị, Cung cộng đồng.
Nhớ lại những ngày đầu, nghệ nhân Phạm Văn Chiến kể: Lúc bấy giờ, đền ở đây khá đơn sơ, diện tích khiêm tốn, văn hóa đền chùa ở miền Tây Bắc gần như không có. Dân ở đây chủ yếu là người dân tộc Tày, Dao, Thái, Nùng... Văn hóa tín ngưỡng của họ không phải đi lễ đền chùa như người Kinh mà là tục thờ ma xó, thờ gốc cây… Nhưng từ những khi đó, như một căn duyên, tôi đã đi lễ đền chùa ở các vùng đồng bắc Bắc Bộ, như Phủ Dầy, Đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ… Tôi đi không chỉ để thăm quan, cầu bình an mà còn là để học hỏi cái hay trong tín ngưỡng của người đồng bằng, từ đó tích lũy để áp dụng khôi phục và phát triển đền Bảo Hà. Những câu từ trong đền hiện nay đều là "sưu tầm" như: "Đền Ông lộng lẫy khang trang/Là nhờ có tấm lòng vàng phát tâm"; Hay nhắc nhở du khách đến đền: "Nhắc nhau ta nói đủ nghe/Xin đừng to tiếng sợ e tội tình"; "Đền ông hiển thánh anh linh/Cúi đầu khấn niệm gia đình an khang"…
Không chỉ có công trong việc gìn giữ, xây dựng đền, nghệ nhân Phạm Văn Chiến còn là một trong những người khôi phục lại lễ hội truyền thống đền Bảo Hà, sau này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (năm 2016) như một sự ghi nhận đóng góp công lao to lớn của thủ nhang Phạm Văn Chiến cùng nhân dân các dân tộc hai bên bờ tả hữu sông Hồng Bảo Hà –Tân An.
Để phục dựng lại lễ hội đền Bảo Hà đã bị mai một, ông Chiến phải mất rất nhiều thời gian và công sức để sưu tầm, ghi chép tỉ mỉ những lời kể và chắp nối, tổng hợp lại cùng với những nghiên cứu tư liệu về lịch sử dân tộc. Không biết bao nhiêu lần, ông Chiến đi vào các làng người Dao, tìm đến các cụ già dưới làng Bùn và nghe kể, ghi chép lại những chi tiết nhỏ nhất về lễ hội và những câu chuyện xung quanh ngôi đền thiêng này. Cách đây hơn chục năm, ông Chiến đã về tận Hà Nội, tìm gặp Hòa thượng Thích Thanh Tứ (Giáo hội Phật giáo Việt Nam); Giáo sư sử học Lê Văn Lan, Giáo sư Trần Lâm Biền... để hỏi về sự tích và những cứ liệu lịch sử liên quan đến đền Bảo Hà, đến vị danh tướng Hoàng Bảy.
Ông Chiến kể lại, được Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho một cuốn sách nói về chiến công của danh tướng Hoàng Bảy và lễ hội đền Bảo Hà viết bằng chữ Hán Nôm, mới thấy được rằng đã có sự ghi nhận của các triều đại về danh tướng Hoàng Bảy. Ông tham khảo rất nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử về Bảo Hà. Từ những tư liệu này, nghệ nhân Phạm Văn Chiến đã quyết tâm phục dựng lễ hội đền Bảo Hà, vừa bảo tồn được giá trị truyền thống, vừa nâng tầm lên thành một nét bản sắc văn hóa độc đáo cho du khách thập phương chiêm bái lễ đền. Trên cơ sở học tập cách thức tổ chức một lễ hội truyền thống dân gian, kết hợp với duy trì được bản sắc văn hóa của người dân địa phương, nghệ nhân Phạm Văn Chiến đã phục dựng một nghi lễ rước kiệu thật đặc sắc.
Trước đây, kiệu rước lễ thường làm đơn giản dùng cây tre, nứa vầu nhưng sau khi phục dựng, ông Chiến đã tổ chức đóng các loại kiệu bằng gỗ, mua sắm quần áo y phục theo từng kiệu, từng màu, cờ hội, binh khí... Lễ hội được phục dựng không chỉ thu hút khách thập phương mà còn tạo việc làm cho người dân, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của bà con nhân dân trong xã và các vùng lân cận.
Ngoài đền Bảo Hà, nghệ nhân Phạm Văn Chiến còn có nhiều đóng góp cho đền cô Tân An (xã Tân An, huyện Văn Bàn) và được người dân tín nhiệm làm thủ nhang đền. Tương truyền, đây là nơi thờ tự con gái danh tướng Hoàng Bảy nhưng cũng có dị bản khác rằng, đền Cô là nơi thờ Cô bé Thượng Ngàn. Cũng như đền Bảo Hà, với những giá trị độc đáo cả về lịch sử, văn hóa và kiến trúc của ngôi đền, tháng 10/2016, đền Cô, xã Tân An được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Nơi này không chỉ là điểm đến tâm linh, mà còn là nơi lưu giữ các nét văn hóa dân tộc, nằm trong trục kết nối du lịch tâm linh với các đền Bảo Hà (Bảo Yên), đền Chiềng Ken (xã Chiềng Ken, Văn Bàn)… Dù tuổi cao nhưng với tâm huyết, kinh nghiệm và kiến thức về văn hóa tín ngưỡng Tam, Tứ phủ của người Việt, nghệ nhân Phạm Văn Chiến bày tỏ mong mỏi được tiếp tục cống hiến, gìn giữ và bảo tồn giá trị lịch sử đền cô Tân An và đền Bảo Hà.