Nghệ An phấn đấu là trung tâm thể thao hàng đầu vùng Bắc Trung Bộ và quốc gia
16/12/2024 | 14:19Ngày 15/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1189/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược được ban hành là cơ sở pháp lý để ngành TDTT nói chung, thể thao các tỉnh, thành, trong đó có Nghệ An có những định hướng phát triển trong thời gian tới.
Tầm quan trọng của Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam
Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là văn bản có ý nghĩa hết sức quan trọng để cụ thể hóa đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật, Nhà nước về phát triển TDTT nhằm xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp. Mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng, tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống. Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đén năm 2045 có nhiều điểm mới, mang tính toàn diện hơn. Theo đó, nội dung của Chiến lược tập trung phát triển toàn diện Thể thao Việt Nam trên các phương diện phong trào TDTT cho mọi người; Thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; Mở rộng hợp tác quốc tế về TDTT; Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về TDTT; Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, y học trong lĩnh vực TDTT
Bên cạnh đó, chiến lược cũng đưa ra các giải pháp giúp đổi mới nhận thức, tăng cường hoạt động truyền thông về TDTT; Đồng thời, về mặt pháp lý, đặt ra những mục tiêu, đưa ra những định hướng nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực phát triển sự nghiệp TDTT; đẩy mạnh phát triển kinh tế thể thao; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số...
Với những mục tiêu, giải pháp rõ ràng, cụ thể, Chiến lược được chờ đợi sẽ đưa Thể thao Việt Nam phát triển, phù hợp với xu thế nền thể thao khu vực và thế giới. Nói như Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương: "Chiến lược ra đời là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao của đất nước". Để từng bước hiện thực hóa những mục tiêu, nhiệm vụ được đặt ra trong chiến lược cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Đối với Nghệ An, Chiến lược được ban hành trong thời điểm tỉnh đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 137 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Nghệ An: Chiến lược ra đời đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Nghệ An, đây là cơ hội to lớn để Nghệ An phát triển mạnh mẽ sự nghiệp TDTT, góp phần nâng cao sức khoẻ cho nhân dân, rèn luyện phát triển con người toàn diện trong thời kỳ đổi mới của đất nước với bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Định hướng của ngành Văn hóa Thể thao Nghệ An trong thời gian tới
Để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược, ngành VHTT tỉnh Nghệ An đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ chỉ đạo các sở, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ, bám sát Chiến lược để tổ chức thực hiện góp phần hoàn thành các mục tiêu, định hướng của Chiến lược, thúc đẩy phong trào TDTT Nghệ An phát triển đồng đều, đa dạng trong các đối tượng, địa bàn; phấn đấu xây dựng Nghệ An là trung tâm thể thao vùng Bắc Trung Bộ và quốc gia các môn thể thao thành tích cao.
Theo đó, Nghệ An tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế TDTT. Xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm thể thao vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; trung tâm đào tạo, tuyển chọn tài năng các môn thể thao trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ, đồng thời là trung tâm phụ trợ huấn luyện nâng cao thành tích thể thao của quốc gia.
Cùng với định hướng phát triển ngành, Nghệ An cũng đề ra phương án phát triển hạ tầng cơ sở thể thao. Trong đó, hướng tới xây dựng mạng lưới cơ sở TDTT hiện đại, đủ điều kiện đăng cai các giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế. Trong đó, cấp tỉnh có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đạt tiêu chuẩn tổ chức thi đấu quốc tế; 100% đơn vị hành chính cấp huyện có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định; 100% đơn vị hành chính cấp xã, trường học trong hệ thống giáo dục phổ thông có công trình thể thao. Khuyến khích các tổ chức kinh tế xã hội trong và ngoài nước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo VĐV thể thao thành tích cao và tổ chức các sự kiện thể thao lớn của quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh đó, Nghệ An cũng xây dựng các phương án phát triển TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao. Trong đó, hình thành thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên trong nhân dân. Phấn đấu đạt tỷ lệ 45% người dân tập luyện thường xuyên, đạt 100% trường đảm bảo giáo dục thể chất nội khóa. Thể thao thành tích cao phấn đấu đứng trong tốp 10 tại Đại hội Thể thao toàn quốc, đóng góp từ 5-15 HLV, VĐV cho các đội tuyển thể thao Việt Nam tham gia các kỳ SEA Games, ASIAD và Olympic; tập trung tham mưu cơ chế, chính sách đối với VĐV thể thao thành tích cao.
Được biết, về chính sách, cơ chế đặc thù, hiện nay, tỉnh Nghệ An đang triển khai thực hiện Nghị quyết 137 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó có chính sách cho tỉnh Nghệ An được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP) đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực "thể thao, văn hóa” nhằm huy động các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước cùng chung tay phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết chế TDTT đồng bộ và hiện đại. Các dự án mà tỉnh Nghệ An đang hướng đến, giới thiệu cho các nhà đầu tư nghiên cứu, quan tâm như: Khu liên hợp thể thao vùng Bắc Trung Bộ và Trung tâm huấn luyện thể thao thành tích cao tỉnh Nghệ An, quy mô khoảng 239,19ha tại thành phố Vinh.
Ngoài giải pháp về kêu gọi đầu tư nêu trên, hiện nay tỉnh đang bắt đầu xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2026 – 2030, trong đó sẽ tập trung đầu tư Nhà thi đấu, Trung tâm huấn luyện và thi đấu, Trường phổ thông năng khiếu TDTT. Đồng thời huy động các nguồn lực hợp pháp khác, đẩy mạnh xã hội hóa để xây dựng, nâng cấp hệ thống thiết chế thể thao từ tỉnh đến cơ sở theo nội dung quy hoạch tỉnh và Quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao được Thủ tướng phê duyệt.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, theo chia sẻ của bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An: Thời gian tới ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh sẽ tập trung rà soát các chính sách hiện hành của Chính phủ và tỉnh cùng với yêu cầu phát triển thể thao để chủ động, tích cực tham mưu cho tỉnh có những chủ trương, cơ chế chính sách đủ mạnh, tạo diện mạo mới cho Nghệ An xứng tầm. Cùng với đó, ngành Văn hoá - Thể thao tiếp tục tập trung xây dựng tính chuyên nghiệp về tổ chức, đào tạo, huấn luyện và trong giáo dục".
Với sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự đầu tư có hệ thống về cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm như nhà thi đấu sẽ góp phần thúc đẩy công tác TDTT của Nghệ An ngày càng phát triển xứng tầm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.