Ngày Du lịch Việt Nam (09/7): Khơi dậy tiềm lực, định hình bản sắc, hướng tới phát triển bền vững
08/07/2025 | 16:27Du lịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn bứt phá mạnh mẽ sau những năm phục hồi hậu đại dịch COVID-19. Không chỉ ghi dấu bằng những con số tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam còn đang định hình rõ nét hình ảnh một điểm đến hấp dẫn, an toàn và đậm đà bản sắc.
Đó là hành trình chuyển mình đầy ấn tượng của ngành du lịch nước nhà, từ nền tảng tài nguyên phong phú, bản sắc văn hóa đặc sắc đến sự đầu tư bài bản về chính sách, hạ tầng và chuyển đổi số.
Việt Nam - điểm đến du lịch hấp dẫn
Trong dòng chảy chuyển động không ngừng của du lịch toàn cầu, Việt Nam hiện lên như một điểm đến hấp dẫn bậc nhất châu Á - nơi hội tụ những giá trị đặc biệt về thiên nhiên, văn hóa, con người và lịch sử.
Với vị trí địa lý trung tâm Đông Nam Á, địa hình đa dạng, khí hậu phân hóa theo vùng miền, cùng đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam sở hữu điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển du lịch quanh năm với nhiều loại hình phong phú - từ du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái rừng, khám phá hang động, thể thao mạo hiểm đến du lịch văn hóa, tâm linh và cộng đồng.
Tại Vịnh Hạ Long, du thuyền là hình thức du lịch truyền thống. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam còn là một kho tàng văn hóa sống động và đa tầng. Cả nước hiện có trên 40.000 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó hàng chục di sản được UNESCO vinh danh như Vịnh Hạ Long, Tràng An, Phố cổ Hội An, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên... cùng hàng nghìn lễ hội truyền thống gắn liền với tín ngưỡng dân gian, nghi lễ nông nghiệp, văn hóa cộng đồng. Nền văn hóa ấy được gìn giữ và lan tỏa qua bao thế hệ, chính là nguồn tài nguyên mềm độc đáo giúp Việt Nam phát triển mạnh du lịch di sản, du lịch trải nghiệm và du lịch học thuật.
Ẩm thực Việt Nam cũng là một lợi thế cạnh tranh hiếm có. Từ phở, bún chả Hà Nội, bún bò Huế, cơm hến, đến hủ tiếu Nam Bộ hay các món ăn đường phố dân dã… tất cả tạo nên một bản giao hưởng vị giác, cuốn hút du khách cả trong nước và quốc tế. Nhiều món ăn Việt đã được vinh danh trên các bảng xếp hạng ẩm thực thế giới như Michelin, CNN, Lonely Planet... góp phần nâng tầm hình ảnh quốc gia trên bản đồ ẩm thực toàn cầu.
Bên cạnh thiên nhiên và văn hóa, con người Việt Nam hiền hòa, mến khách, giàu bản sắc chính là chất keo bền chặt giữ chân du khách. Nụ cười thân thiện, sự chân thành trong từng trải nghiệm địa phương là giá trị vô hình nhưng mạnh mẽ, khiến hành trình khám phá Việt Nam luôn đọng lại dư âm đẹp trong lòng bè bạn quốc tế. Tất cả những yếu tố đó đã kết hợp hài hòa, tạo nên một Việt Nam không chỉ giàu tiềm năng, mà thực sự là điểm đến khác biệt và đầy bản sắc.
Kiến tạo tự nhiên khiến Vịnh Hạ Long có nhiều đảo đá, hang động tuyệt đẹp. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Phát huy hiệu quả những tiềm năng sẵn có, ngành du lịch Việt Nam trong những năm gần đây đã có bước chuyển mình rõ nét, thể hiện qua sự mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ và ngày càng khẳng định vị thế cạnh tranh trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.
Hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư đồng bộ với sự xuất hiện ngày càng nhiều khu nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế, khách sạn cao cấp và trung tâm hội nghị hiện đại. Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng các sản phẩm đặc trưng: du lịch biển đảo gắn với nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái đi liền với bảo tồn môi trường, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa và các hình thức du lịch trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn. Nhiều điểm đến như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang... đã hình thành hệ sinh thái du lịch hiện đại, kết hợp giữa hạ tầng nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và ứng dụng công nghệ số, góp phần nâng tầm trải nghiệm và gia tăng giá trị cho ngành du lịch trong nước.
Đèo Khau Cốc Chà, một con đèo mang vẻ đẹp hùng vỹ của thiên núi rừng trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Ảnh: TTXVN phát
Tăng trưởng ấn tượng, vươn tầm thế giới
Nhờ đó, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng lên hàng năm. Nếu như năm 1990 mới chỉ có 250 nghìn lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thì năm 2019 đạt hơn 18 triệu lượt, tăng 72 lần. Tốc độ tăng trưởng hàng năm thường đạt mức 2 con số, đặc biệt giai đoạn 2015-2019 đạt 22,7% mỗi năm - được Tổ chức Du lịch thế giới xếp vào hàng cao nhất trên thế giới. Khách du lịch nội địa cũng tăng 85 lần, từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019.
Sau giai đoạn gián đoạn do dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã dần phục hồi mạnh mẽ. Năm 2024 Việt Nam đón trên 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 40% so với năm 2023. Bên cạnh đó, khách du lịch nội địa cũng đạt trên 110 triệu lượt, phản ánh rõ sức hấp dẫn của thị trường trong nước và vai trò ngày càng lớn của người dân trong việc "người Việt Nam đi du lịch Việt Nam". Tổng thu từ khách du lịch trong năm 2024 ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2023.
Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An những ngày cuối tháng 8/2024. Ảnh: Đức Phương - TTXVN
Trong 5 tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 9,2 triệu lượt, tăng hơn 21% so với cùng kỳ 2024. Những con số này không chỉ là minh chứng cho đà phục hồi mạnh mẽ, mà còn thể hiện sức vươn đầy nội lực của ngành du lịch Việt Nam trên hành trình trở thành trụ cột tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Đáng chú ý, Việt Nam đang ngày càng được quốc tế ghi nhận và vinh danh trên nhiều bảng xếp hạng uy tín. Năm 2024, Tổ chức Du lịch Thế giới (UN Tourism) đã chọn làng Trà Quế (Quảng Nam) là một trong những "Làng du lịch tốt nhất thế giới", tiếp nối thành công của làng Thái Hải (Thái Nguyên, 2022) và làng Tân Hóa (Quảng Bình, 2023). Bên cạnh đó, Việt Nam liên tục được vinh danh tại các giải thưởng World Travel Awards với các xếp hạng như: Điểm đến hàng đầu châu Á" và "Điểm đến du lịch di sản hàng đầu châu Á", Hà Nội là "Điểm đến thành phố ngắn ngày hàng đầu châu Á", Đà Nẵng là "Thành phố lễ hội - sự kiện hàng đầu châu Á", Hội An tiếp tục được vinh danh là "Thành phố du lịch văn hóa hàng đầu châu Á", trong khi Hà Giang và Mộc Châu lần lượt giành giải "Điểm đến văn hóa vùng" và "Điểm đến thiên nhiên vùng hàng đầu châu Á". Phú Quốc cũng góp mặt trong top 25 hòn đảo đẹp nhất thế giới do tạp chí Travel + Leisure bình chọn, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ngày càng hiện diện nổi bật trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Điểm du lịch Cầu Hôn trên địa bàn phường An Thới, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Bên cạnh sự bùng nổ về lượng và doanh thu, một xu hướng đáng ghi nhận là sự chuyển mình mạnh mẽ theo hướng du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm. Các mô hình homestay gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống tại các địa phương như Sa Pa, Mai Châu, Mù Cang Chải, Đắk Lắk, Vĩnh Long… đang ngày càng thu hút du khách nhờ tính chân thực, gắn với đời sống văn hóa bản địa. Đây không chỉ là cách khai thác tài nguyên hiệu quả mà còn góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu phát triển bao trùm và hài hòa giữa kinh tế-xã hội-môi trường.
Có thể nói, du lịch Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới - vững chắc hơn, chuyên nghiệp hơn và có chiều sâu hơn. Tiềm năng không còn là khái niệm mang tính lý thuyết, mà đã và đang được chuyển hóa thành các giá trị cụ thể, bằng số liệu, bằng công trình, bằng danh hiệu quốc tế và hơn hết là bằng sự lan tỏa hình ảnh một Việt Nam năng động, thân thiện, hiếu khách trên bản đồ du lịch thế giới.
Mù Cang Chải vào thời điểm đẹp nhất năm khi lúa chín vàng trên khắp các thửa ruộng bậc thang. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Phát triển du lịch bền vững bằng chính sách, hạ tầng và chuyển đổi số
Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực du lịch không chỉ nhờ vào nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng mà thiên nhiên và lịch sử đã ưu ái ban tặng cho đất nước, mà còn đến từ sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư bài bản, lâu dài của Đảng và Nhà nước.
Ngay từ khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới, du lịch đã được xác định là một lĩnh vực tiềm năng cần khai thác và phát triển. Đến năm 2017, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì vị trí của ngành du lịch đã thực sự được khẳng định ở tầm quốc gia. Nghị quyết này không chỉ xác lập vai trò của du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, mà còn đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Trên tinh thần đó, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chiến lược, chương trình hành động và chính sách hỗ trợ, trong đó nổi bật là Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, được phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020. Chiến lược không chỉ xác định các định hướng lớn về phát triển sản phẩm, thị trường, hạ tầng, nguồn nhân lực và quản lý điểm đến, mà còn thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc xây dựng một ngành du lịch hiện đại, bền vững, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, các chính sách miễn giảm thị thực cho công dân nhiều nước, mở rộng cấp visa điện tử, tăng thời hạn lưu trú và đẩy mạnh mở các đường bay quốc tế trực tiếp cũng được thúc đẩy, góp phần gia tăng khả năng tiếp cận thị trường du lịch quốc tế. Gần đây nhất là Hãng hàng không Vietnam Airlines đã mở đường bay thẳng đến Milan (Italy) từ ngày 1/7/2025.
Máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines. Ảnh tư liệu: Tuấn Anh - TTXVN
Đặc biệt, Chính phủ đã tập trung đầu tư vào hạ tầng du lịch thông qua các chương trình phát triển giao thông chiến lược, hệ thống sân bay, cảng biển, đường cao tốc kết nối các vùng trọng điểm du lịch. Các địa phương được khuyến khích xây dựng quy hoạch du lịch gắn với đặc thù địa phương, phát triển sản phẩm đặc trưng, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thương hiệu điểm đến.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến quảng bá, phát huy cơ chế hợp tác công-tư để triển khai thành công các chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, tập trung vào các nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Australia, Nga, Pháp… cùng hàng loạt chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài.
Một điểm nhấn đáng kể trong chỉ đạo của Đảng và Chính phủ những năm gần đây là sự nhấn mạnh đến yếu tố bền vững và chuyển đổi số. Thực hiện chủ trương đó, nhiều địa phương như Quảng Ninh, Quảng Nam (nay là TP Đà Nẵng), Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa đã triển khai thành công các mô hình du lịch xanh, du lịch không rác thải, bản đồ số du lịch, trung tâm điều phối điểm đến thông minh. Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và bản sắc văn hóa địa phương đang mở ra những hướng đi mới cho ngành du lịch - vừa nâng cao trải nghiệm du khách, vừa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Bên cạnh nỗ lực từ Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp cũng thể hiện vai trò chủ động, sáng tạo. Hợp tác công - tư trong du lịch ngày càng được mở rộng. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, tổ hợp vui chơi giải trí, góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch quốc gia. Đồng thời, các mô hình liên kết vùng, liên kết ngành cũng được phát huy hiệu quả, nhất là tại các khu vực như Tây Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Dưới tán cây cô đơn giữa cánh đồng Tây Nguyên, những bóng người lặng lẽ bước đi trong ánh hoàng hôn rực rỡ, như một bản hòa ca giữa con người và thiên nhiên. Một khoảnh khắc huyền ảo, nơi quá khứ, hiện tại và tương lai giao thoa trong sắc màu của trời đất. Ảnh: Phạm Tuấn Anh - TTXVN
Tuy vậy, để duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một số điểm đến đang chịu áp lực quá tải hạ tầng vào mùa cao điểm; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt; sản phẩm du lịch ở nhiều địa phương còn trùng lặp, thiếu tính kết nối và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, yêu cầu phát triển xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, gìn giữ bản sắc văn hóa và đảm bảo hài hòa lợi ích cộng đồng ngày càng trở nên cấp thiết trong quá trình mở rộng quy mô ngành.
Trong tương lai, định hướng phát triển du lịch Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vào chất lượng, bền vững, sáng tạo và hội nhập sâu rộng. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh: phát triển du lịch không chỉ vì tăng trưởng kinh tế, mà quan trọng hơn là nâng cao đời sống người dân, quảng bá hình ảnh quốc gia và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Tinh thần này chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các chính sách, giải pháp đang được triển khai, nhằm xây dựng ngành du lịch Việt Nam thực sự chuyên nghiệp, có bản sắc, có chiều sâu, trở thành điểm đến xanh, an toàn và hấp dẫn hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.