Nêu gương là một giải pháp gìn giữ nét văn hoá đặc sắc và hình thức tuyên truyền hiệu quả!
06/04/2020 | 09:28Thời gian qua, nếp sống thanh lịch, văn minh được nhân lên mạnh mẽ trong cộng đồng một phần nhờ công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ. Nhiều cá nhân, tập thể trở thành tấm gương tiêu biểu cho phong trào xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.
Tuy nhiên, trước những thách thức đặt ra đối với một đô thị hiện đại, công tác tuyên truyền cần tiếp tục được đổi mới, sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của cộng đồng. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về vấn đề này.
- Từ kinh nghiệm thực tế, bà có thể chia sẻ về công tác tuyên truyền liên quan tới nếp sống thanh lịch, văn minh tại Thủ đô, đặc biệt là kết quả thực hiện hai Quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố?
- Công tác tuyên truyền luôn được lãnh đạo thành phố Hà Nội coi là giải pháp trọng tâm trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thời gian qua, nếp sống văn minh, thanh lịch mà trọng tâm là hai Quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được triển khai tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân Thủ đô bằng nhiều hình thức như: Tổ chức ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử; phát động thi đua ở các cấp, tập trung tuyên truyền về quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với các lễ hội trên địa bàn; tổ chức tọa đàm về quy tắc ứng xử tại các thôn, làng, tổ dân phố;
In ấn, phát tờ rơi tới 100% hộ gia đình; niêm yết nội dung quy tắc ứng xử tại các khu chung cư, các điểm di tích, trường học, nhà văn hóa thôn làng, tổ dân phố, địa điểm công cộng; tổ chức sửa đổi hương ước, quy ước theo hướng bổ sung nội dung về quy tắc ứng xử; đưa nội dung thực hiện quy tắc ứng xử vào đánh giá cán bộ, công chức; tổ chức đánh giá, biểu dương những tấm gương thực hiện tốt, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện quy tắc ứng xử hằng tháng...
Các cơ quan báo chí của Trung ương và Thành phố có nhiều hình thức tham gia trực tiếp vào việc tuyên truyền, thực hiện hai Quy tắc ứng xử, tạo sức hút lớn đối với nhân dân. Như Báo Hànộimới với cuộc thi ảnh “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Báo Kinh tế và Đô thị với tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội có nhiều chuyên mục: “Hà Nội đẹp và chưa đẹp”; “Người Tràng An”...
Mới đây thôi, liên quan tới Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 diễn ra tại Việt Nam, các phương tiện thông tin đại chúng đưa rất nhiều thông tin, hình ảnh đẹp, những việc làm hay, thể hiện cách ứng xử thân thiện, mến khách của người dân Thủ đô; đó là hình ảnh người Hà Nội phát trà đá miễn phí cho phóng viên, cô bán hàng trên phố tặng những chiếc mũ màu cờ Việt Nam cho bạn bè quốc tế... Một hình ảnh đẹp khác, diễn ra trước đó, khi hàng trăm nghìn, hàng triệu người dân Việt Nam hân hoan đổ ra đường ăn mừng thành công của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam một cách văn minh... Đó là những giá trị tốt đẹp mà văn hóa mang lại cho xã hội được thông tin rộng rãi, tạo sự lan tỏa.
- Công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả tích cực còn là nhờ sự chung tay của cả cộng đồng. Bà đánh giá thế nào về nhận định này?
- Phải khẳng định rằng, công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả tích cực là do có sự chung tay của cả cộng đồng, và hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất chính là tuyên truyền tới tận cơ sở bằng những hành động cụ thể.
- Bà có thể nói cụ thể hơn về điều này?
- Có thể lấy nhiều ví dụ về điều đó. Như công tác quản lý lễ hội trong những năm gần đây được lãnh đạo thành phố đánh giá cao, bởi bên cạnh việc niêm yết quy tắc ứng xử tại các di tích, Ban quản lý di tích còn đến tận nơi nhắc nhở về trang phục hay việc rải tiền lễ, thắp nhang không đúng nơi quy định...
Công tác tổ chức việc tang, việc cưới văn minh của Thành phố được thực hiện rất tốt cũng là nhờ có sự vào cuộc kịp thời của chính quyền và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Tại huyện Đông Anh, tỷ lệ hỏa táng nhiều nơi đạt 100%, các hủ tục như khóc mướn, lăn hố... dần dần được loại bỏ là nhờ bên cạnh việc thành phố cấp kinh phí thì huyện còn hỗ trợ thêm để bảo đảm 100% đám tang thực hiện theo hình thức hỏa táng.
Đặc biệt, huyện Đông Anh dần dần “chuẩn hóa” việc này, như không thuê đội kèn mà chỉ bật đĩa nhạc hiếu với âm lượng vừa phải, vừa thuận tiện vừa văn minh... Công tác vệ sinh môi trường toàn thành phố trong những năm gần đây đạt được kết quả rõ nét do có nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo từ cộng đồng như “Giữ gìn ngõ phố xanh - sạch - đẹp”, “Xóa chân rác, trồng vườn hoa”...
- Với mục tiêu huy động mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của cộng đồng, công tác tuyên truyền hẳn sẽ cần tiếp tục đổi mới hơn nữa, thưa bà?
- Ở góc độ văn hóa, sự vận động về mặt xã hội khiến cho logic vận hành của văn hóa cũng thay đổi, có những thứ không còn thích hợp thì chưa mất hẳn, còn những giá trị mới, phù hợp hơn thì chưa thực sự định hình. Chính vì thế, việc lạm dụng truyền thông để đăng tải thông tin mang tính “giật gân”, những vụ việc có tính chất tiêu cực hoặc sai sự thật nhằm mục đích thu hút người xem, tạo hiệu ứng đám đông là việc làm đáng lên án. Trong khi đó, đặc biệt là trên mạng xã hội, những thông tin tích cực cần tuyên truyền để lan tỏa gương người tốt - việc tốt, những mô hình hay, sáng tạo trong công tác xây dựng đời sống văn hóa, những kinh nghiệm bổ ích cần được nhân rộng... thì không có nhiều.
Chính vì vậy, để phát huy vai trò của truyền thông trong việc truyền đi thông điệp tích cực về lối sống đẹp, cần tuyên truyền thường xuyên, liên tục với sự vào cuộc của các cơ quan từ thành phố tới cơ sở, quán triệt tới từng cán bộ, công chức. Tuyên dương, vinh danh những gương điển hình thực hiện tốt hai Quy tắc ứng xử để không ngừng lan tỏa những hình ảnh đẹp là việc cần làm, cũng như thường xuyên đánh giá cán bộ, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, cố tình vi phạm quy định, quy tắc đã được ban hành. Cùng với đó là yêu cầu thực hiện kiểm tra, giám sát, áp dụng chế tài một cách nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Để công tác tuyên truyền thực sự thu hút được cộng đồng, và xa hơn là biến yêu cầu sống văn minh, thanh lịch thành nhu cầu tự thân của mỗi người, cần đưa ra những hình thức tuyên truyền gần gũi, hấp dẫn. Trong thời gian qua, mỗi năm Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đều cố gắng đưa ra những mô hình mới, chủ đề mới, cách làm mới trong công tác tuyên truyền. Hiện nay, Sở đã xây dựng được 10 mô hình tuyên truyền, trong đó có 7 mô hình tuyên truyền về cách ứng xử thanh lịch, văn minh ở nơi công cộng, 1 mô hình trong nhà trường và 2 mô hình trong các cơ quan, đơn vị của thành phố.
Đối với nội dung quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội, trong năm nay Sở sẽ xây dựng một fanpage để tăng sự tương tác giữa các cán bộ, công chức. Chúng tôi sẽ đưa lên đó các video clip hoặc những hình ảnh đẹp và chưa đẹp của cán bộ, công chức trong việc làm, cách ứng xử... để mọi người cùng nhận xét, rút kinh nghiệm. Sở sẽ tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về nội dung quy tắc ứng xử...; làm việc với cơ quan quản lý về lĩnh vực thông tin và truyền thông nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là thông tin qua mạng xã hội Facebook cũng như các ứng dụng có đông đảo người sử dụng như Zalo, Viber...
Việc tuyên truyền, giới thiệu gương điển hình tiên tiến trong thực hiện các quy tắc ứng xử sẽ được triển khai tới các quận, huyện, thị xã và trong nhà trường. Các trường phổ thông gắn bảng nội dung quy tắc ứng xử trong nhà trường và tuyên truyền trong lễ chào cờ đầu tuần; trường đại học tổ chức tọa đàm về quy tắc ứng xử... Chúng tôi sẽ thí điểm một số mô hình hay về thực hiện các quy tắc ứng xử để nhân rộng, ví dụ như chọn quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố làm điểm về công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn.
- Và như bà từng chia sẻ, trong mọi hoạt động tuyên truyền thì nêu gương là biện pháp có ý nghĩa thực sự quan trọng?
- Trong công tác tuyên truyền về văn hóa ứng xử, biện pháp nêu gương là rất quan trọng. Nếu như trong cơ quan, đơn vị, lãnh đạo gương mẫu thì nhân viên chắc chắn sẽ làm theo. Trong cộng đồng dân cư, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố mẫu mực thì dễ vận động nhân dân đồng tâm, đồng lòng thực hiện việc chung, việc có ích. Trong gia đình, ông bà, bố mẹ là tấm gương để con cháu soi chiếu, học và làm theo...
Nếu trên bình diện cả thành phố mà tất cả cán bộ, công chức, đảng viên đều nêu gương thì sẽ tạo tác động rất lớn đến người dân, mang lại hiệu quả tích cực trong việc lan tỏa lối sống đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch.
- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!