Nếu con hỏi "Nhà mình giàu hay nghèo?", cha mẹ nên trả lời ra sao?
20/05/2019 | 17:36Khi nào cho trẻ tiếp cận với tiền, tiêu tiền… luôn là câu hỏi khiến không ít phụ huynh "đau đầu". Bởi vậy để giải đáp phần nào những thắc mắc của phụ huynh trước việc dạy con sử dụng tiền, TS Trần Thành Nam đã đưa ra vài gợi ý trong buổi giới thiệu cuốn sách về quản lý tài chính.
Trong khuôn khổ Ngày hội sách Châu Âu năm 2019, Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Viện Goethe tổ chức sự kiện giao lưu ra mắt bộ sách Chú chó mang tên Money – Kira và nhân bánh donut với chủ đề: Dạy con về tài chính và tạo lập tính cách đã diễn ra chiều 19/5 tại Hà Nội.
Trước thắc mắc phụ huynh đưa ra khi con hỏi: "Nhà mình giàu hay nghèo?", TS Trần Thành Nam – Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, câu hỏi trẻ đặt ra không nhằm hỏi nhà mình ít hay nhiều tiền, hoặc như thế nào là ít, thế nào là nhiều mà phần lớn tập trung ở "đằng sau" câu hỏi. Có thể trẻ bị chế giễu, bị coi thường, bị thua bạn kém bè, muốn có một món đồ chơi, vật dụng nào đó giống bạn mà chưa được… Bởi vậy theo TS Nam trước câu hỏi này, cha mẹ không nhất thiết phải đưa ra câu trả lời giàu hay nghèo mà nên hỏi lại con muốn gì, và con hoàn toàn có thể đạt được nếu có bố mẹ giúp. Khi đã biết được nhu cầu, mong muốn của trẻ thì cha mẹ hoàn toàn có thể hướng dẫn con cách đạt được mục tiêu bằng chính sự nỗ lực, cố gắng của con.
TS Trần Thành Nam cũng cho rằng với trẻ em, kỹ năng quản lý tài chính là cần thiết khuyên cha mẹ nên có cách "thưởng quy đổi". Ví dụ thay vì thưởng tiền, cha mẹ có thể mua đồ chơi, sách cho trẻ. Hoặc nếu trẻ có tiền, cha mẹ hoàn toàn có thể giữ hộ và nói với con về số tiền đó và sau đó đặt mục tiêu, lập kế hoạch cùng trẻ, có thể mục tiêu vào việc mua sách vở hay một chuyến du lịch.
Nhận định về hai cuốn sách sách Chú chó mang tên Money – Kira và nhân bánh donut của Tác giả Đức - Bodo Schäfer Đức, diễn giả Trần Thành Nam cho rằng cuốn sách đã đưa ra 7 bài học về tạo lập tính cách và bao hàm 10 giá trị phổ phát nhân loại, rất hữu ích cho các bậc phụ huynh cũng như trẻ từ 8 tuổi trở lên.
Buổi giao lưu, các em đã ít nhiều nhận biết được giá trị của đồng tiền, cách làm ra tiền, sử dụng đồng tiền khoa học và lên kế hoạch cho bản thân.
Tác giả Bodo Schäfer sinh năm 1960 tại Đức, là một nhà đầu tư, nhà diễn thuyết và là tác giả nổi tiếng. Từ nhỏ ông đã tận mắt chứng kiến cảnh nghèo khó gây ra bao nỗi khổ sở cho con người. Năm lên 6 tuổi, ông đã quyết định mình sẽ trở thành tỷ phú vào năm 30 tuổi. Năm 16 tuổi, ông tới Mỹ. Năm 26 tuổi ông rơi vào nguy cơ khủng hoảng tài chính cá nhân nghiêm trọng. Sau đó nhờ ý chí kiên cường và con đường đầu tư đúng đắn, năm 30 tuổi ông đã thoát cảnh nợ nần, từ đây bắt đầu gặt hái những thành công rực rỡ và có một cuộc sống giàu có sung túc.
Sau này ông quyết định dùng những kiến thức về tài chính của mình để truyền đạt lại cho nhiều người hơn. Ông bắt đầu tham gia nhiều chương trình về tài chính trên truyền hình, đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới. Ông đã giúp đỡ rất nhiều người giải quyết các vấn đề khó khăn về tài chính.
Hai cuốn sách về quản lý tài chính cho trẻ em
Bodo Schäfer là một tác giả rất thành công trong việc viết về tài chính và gây dựng cơ nghiệp cho cả người lớn lẫn thiếu nhi. Sách của ông được dịch ra hơn 30 thứ tiếng. Riêng Chú chó mang tên Money đến nay đã bán được 3 triệu bản trên khắp thế giới. Ở châu Á, truyện được dựng thành nhạc kịch cho trẻ em, chuyển thể thành phim và truyện tranh dài tập.
Chú chó mang tên Money kể về cô bé Kira, sống cùng cha mẹ trong căn hộ đi thuê. Một ngày kia cô bé nhận nuôi một chú chó giống Labrador lông trắng, biết nói tiếng người và là một chuyên gia về lĩnh vực tài chính và quản lí tiền bạc. Gia đình cô bé gọi chú chó là Money. Nhờ những lời khuyên hữu ích của Money, Kira đã có những người bạn mới, một vài công việc yêu thích, kiếm được tiền, và còn giúp bố mẹ thoát khỏi cảnh nợ nần. Giấc mơ giành học bổng và đến California của Kira đã trở thành hiện thực.