Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nét đẹp văn hóa truyền thống tại Quảng Ninh

30/11/2020 | 13:56

Trong những năm qua, nhiều lễ hội, ngày hội văn hóa– thể thao của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã được tỉnh Quảng Ninh quan tâm bảo tồn, phục hồi. Trong số ấy có rất nhiều những trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc truyền thống.

Nét đẹp văn hóa truyền thống tại Quảng Ninh - Ảnh 1.

Chị em phụ nữ Sán Chỉ đánh cầu chinh trong Ngày hội văn hóa - thể thao của dân tộc mình.

Trò chơi dân gian và các môn thể thao truyền thống khởi nguồn ra đời mang tính giải trí và tôn vinh tinh thần thượng võ của các dân tộc. Đây được coi là phần hội – hoạt động không thể thiếu bên cạnh phần lễ của các sự kiện văn hóa do một cộng đồng tổ chức. Bởi lẽ đó nên đa phần các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống được đồng bào các dân tộc tổ chức vào dịp đầu xuân – thời điểm nông nhàn hay các dịp lễ, tiết.

Quảng Ninh là tỉnh có 43 dân tộc anh em cùng cư trú nên kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, phong phú. Trong các lễ hội đình, hội làng, hội miếu Tiên Công ở Quảng Yên, Đông Triều, Uông Bí thường tổ chức các trò chơi đánh đu, tổ tôm điếm, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt. TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn thường tổ chức chơi cờ người, kéo co, đẩy gậy, chọi gà dịp đầu xuân, lễ hội đền Cửa Ông, đền Cặp Tiên. Tại lễ hội truyền thống Vân Đồn tổ chức tại xã Quan Lạn vào trung tuần tháng 6 âm lịch hàng năm có đua thuyền chải truyền thống giữa hai giáp Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ của làng. Ngoài hoạt động thể thao thì đây còn là nghi thức tôn vinh chiến thắng Vân Đồn chống giặc Nguyên Mông của quân dân nhà Trần năm 1288. Ở lễ hội đình Trà Cổ tổ chức cuối tháng 6 âm lịch hàng năm có các trò kéo co, cờ tướng, nhảy bao bố, đi cà kheo…

Đáng mừng là những năm qua, có rất nhiều lễ hội, ngày hội văn hóa - thể thao của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được phục dựng, tổ chức đều đặn hàng năm. Đi liền với lễ hội là những trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống.

Năm 2006, Ngày hội Văn hóa – Thể thao dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực (Tiên Yên) lần đầu được tổ chức. Nhiều trò chơi, môn thể thao truyền thống của người Sán Chỉ có dịp thi triển như: Đánh cầu chinh, đánh quay, đi cà kheo, ném còn. Một loạt các lễ hội khác được phục hồi hoặc mở rộng quy mô tổ chức như lễ hội đình Lục Nà, hội Kiêng gió (Bình Liêu), hội làng Bằng Cả (Hoành Bồ - nay là TP Hạ Long), hội Miếu Ông – Miếu Bà (Ba Chẽ), ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc (Tiên Yên)… là dịp để các trò chơi, môn thể thao truyền thống như đua thuyền, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ… được phục hồi, phát triển.

Những trò chơi, môn thể thao truyền thống đã trở thành cốt lõi, trung tâm của các sự kiện văn hoá, lễ hội và được cộng đồng, du khách nhiệt liệt hưởng ứng tham gia. Đó là yếu tố quan trọng để các trò chơi, môn thể thao truyền thống có sức sống lâu bền. Có những môn thể thao truyền thống đã vượt khỏi ranh giới Quảng Ninh, trở thành “hiện tượng” lạ, độc đáo không đâu trên đất nước Việt Nam có được và đã nhiều cơ quan truyền thông, báo chí quan tâm thông tin như các trận đá bóng của các cô gái dân tộc Sán Chỉ Bình Liêu, giao lưu mở rộng với các cô gái Dao Thanh Y ở Hải Hà, Móng Cái.

Khác với nhiều môn thể thao khác, những trò chơi dân gian, thể thao truyền thống có sức sống là bởi nó ra đời và tồn tại, phát triển từ chính nhu cầu giải trí, một số liên quan đến tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc, được cộng đồng dễ dàng đón nhận. Thêm nữa là tính phổ cập, tập thể, nhiều người có thể chơi. Ẩn sau nhiều môn thể thao là nét đẹp văn hoá, thể hiện sự cầu mong, ước vọng về một năm mới sức khoẻ, mưa thuận, gió hoà, một vụ mùa bội thu. Thông qua hoạt động thể thao còn là cơ hội để đồng bào giao lưu văn hoá, học hỏi kinh nghiệm lao động, sản xuất giữa địa phương này với địa phương khác và hơn hết, nhiều hoạt động thể thao truyền thống như các cô gái Sán Chỉ đá bóng kia còn góp phần quảng bá vẻ đẹp con người, vùng đất Quảng Ninh.

Theo quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×