Nền tảng du lịch trực tuyến vươn mình mạnh mẽ từ đại dịch
23/02/2021 | 14:21Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ dẫn đến sự phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, vẫn tồn tại một số đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nội địa đã thành công tìm ra cơ hội trong thách thức, dựa trên lợi thế am hiểu thị trường để đạt được những bước phát triển rực rỡ.
Thách thức với ngành du lịch
Khi thế giới đang trong kỷ nguyên hội nhập, nơi các ranh giới bị xóa nhòa và nhu cầu kết nối, dịch chuyển của con người trở nên phát triển hơn bao giờ hết thì đại dịch Covid bất ngờ bùng nổ, lây lan nhanh chóng. Lệnh cách ly xã hội, đóng cửa biên giới liên tiếp được chính phủ các nước ban hành, kéo theo nhiều chuyến bay bị hủy bỏ và ngành du lịch bị ngưng trệ, có những giai đoạn gần như đóng băng hoàn toàn. Do những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, 2020 là một năm thực sự khó khăn đối với ngành du lịch. Ước tính, khủng hoảng toàn cầu đã khiến lượng du khách quốc tế sụt giảm 74%, dẫn đến thiệt hại trầm trọng lên tới 1,300 tỷ USD. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, du lịch cũng đã thất thu 23 tỷ USD do lượng khách quốc tế giảm tới gần 80% so với cùng kỳ năm trước. Đây là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp du lịch rơi vào trạng thái "chết lâm sàng", phá sản hàng loạt, hoặc buộc phải cắt giảm nhân sự và hoạt động cầm chừng.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong năm 2020 có tới 338 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh, thu nhập toàn ngành giảm tới 60%. Bà Võ Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, chỉ tính riêng đợt dịch bùng phát tháng 08/2020, có tới 90% đơn vị lữ hành tạm ngừng hoạt động. Làn sóng thiệt hại và phá sản này dẫn đến khoảng 40-60% lao động ngành bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập.
Nhìn nhận khó khăn, biến thách thức thành cơ hội
Được thành lập và phát triển từ tháng 08/2012, Mytour là một trong những doanh nghiệp OTA hàng đầu thị trường du lịch Việt Nam, là đối tác chiến lược của hầu hết các khách sạn trên toàn quốc cùng nền tảng công nghệ mạnh mẽ mang đến trải nghiệm tối ưu cho khách hàng. Giữa lúc các doanh nghiệp du lịch còn đang tìm cách giải bài toán duy trì hoạt động, Mytour đã nhanh chóng nhìn nhận những hạn chế và đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo để thích nghi, từ đó tạo nên cú lội ngược dòng ngoạn mục.
Đại dịch Covid đã khiến cán cân du lịch chuyển dịch từ các doanh nghiệp nước ngoài về phía các doanh nghiệp trong nước và Mytour cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tận dụng lợi thế am hiểu thị trường nội địa, doanh nghiệp này đã tập trung đa dạng hóa sản phẩm vào các chặng bay, điểm đến và chương trình tour trong nước theo mùa với các hoạt động đặc sắc như du lịch tâm linh, trải nghiệm văn hoá bản địa... Đây là những điều mà các TA nước ngoài khó lòng làm được.
Không chỉ dừng ở đó, Mytour đã đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng như: Hoàn huỷ đổi 0đ, cam kết giá tốt nhất khi đặt phòng khách sạn sát ngày. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thực hiện chương trình Travel Safety, cam kết tất cả khách sạn đối tác đều đạt đủ 5 tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch bệnh để các khách hàng có thể hoàn toàn an tâm tiếp tục hành trình. (5 tiêu chí: có nước rửa tay tại khu vực công cộng; 100% nhân viên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách; khai báo y tế khi check in cho tất cả du khách; đo nhiệt độ tại sảnh khách sạn; đảm bảo khoảng cách an toàn).
Là một OTA sở hữu bởi VNTravel Group, trụ cột chính trong hệ sinh thái của VNLife - công ty FinTech trị giá 1 tỷ USD sở hữu "kỳ lân" VNPay danh giá, Mytour được kế thừa toàn bộ những tinh hoa công nghệ từ tập đoàn mẹ. Theo chia sẻ của ông Bùi Thanh Hiếu - Giám đốc điều hành, Mytour đã quy tụ cho mình một đội ngũ kỹ sư và nhà nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo lên đến hơn 150 nhân sự, nhằm mang đến những trải nghiệm mua sắm thông minh, thuận tiện nhất cho khách hàng trên cả ứng dụng mobile app và website Mytour.vn. Đây có thể nói là mức đầu tư lớn nhất về công nghệ từ các công ty trong lĩnh vực du lịch trực tuyến ở Việt Nam.
Dù đầu tư nhiều cho công nghệ, dịch vụ chăm sóc khách hàng 24/7 mới là thế mạnh chủ yếu của Mytour được đa số khách hàng đánh giá cao, khắc sâu định vị của thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng giữa các OTA khác. Năm 2015, Mytour từng nhận nguồn vốn đầu tư khủng từ tập đoàn Internet hàng đầu Nhật Bản Recruit Holdings. Từ nền tảng đó, Mytour đã học hỏi tầm nhìn và phát huy xuất sắc những giá trị cốt lõi mang hơi thở văn hóa Nhật Bản với phương châm "Dịch vụ đến từ trái tim".
Bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid-19, trong khi nhiều doanh nghiệp đang loay hoay trong "mớ bòng bong" hoàn, huỷ và buộc phải tìm cách cắt giảm nhân sự để giảm thiểu chi phí thì Mytour lại có cho mình một hướng đi khác biệt. Không chỉ chú trọng xây dựng và hoàn thiện đội ngũ tư vấn viên chăm sóc khách hàng lên tới 120 người, doanh nghiệp này còn liên tục tuyển dụng và đào tạo thêm nhân sự mới ngay cả trong thời điểm dịch bệnh bùng phát căng thẳng nhất. Đây là một trong những động thái đặc biệt để Mytour luôn hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi khách hàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp du lịch phải nhìn nhận lại, phải thay đổi để đem tới trải nghiệm khách hàng tốt hơn.
Tiếp tục mở rộng trong đại dịch
Với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt và luôn coi tối ưu trải nghiệm khách hàng là giá trị hoạt động cốt lõi ngay cả trong thời điểm khủng hoảng khó khăn nhất của ngành du lịch, Mytour đã gặt hái cho mình những quả ngọt xứng đáng. Trong nhiều năm trở lại đây, Mytour liên tiếp duy trì đà tăng trưởng luôn ổn định và giữ vững phong độ của doanh nghiệp du lịch trực tuyến thuộc hàng top tại thị trường nội địa. Doanh nghiệp này hiện đang có hơn 3 triệu người sử dụng và vẫn đang tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 30% - 40% mỗi năm. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Mytour đã phục vụ gần 1 triệu lượt khách hàng, một con số ấn tượng và đáng mơ ước với nhiều OTA đối thủ khác trong bối cảnh đại dịch. Đây là một minh chứng rõ rệt cho sự vươn mình và phát triển thành công của doanh nghiệp này bất chấp những nghịch cảnh, thách thức.