Du lịch

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nâng chất nguồn nhân lực du lịch để hút khách đến Việt Nam

17/07/2025 | 17:09

Sự bùng nổ trở lại của ngành du lịch đang mang đến những tín hiệu tích cực cho kinh tế Việt Nam nhưng cũng đồng thời đặt ra thách thức lớn về nguồn nhân lực. Vì vậy, ngành du lịch cần giải bài toán thiếu hụt kỹ năng và kinh nghiệm nếu muốn giữ vững đà tăng trưởng và nâng tầm thương hiệu điểm đến Việt Nam.

Nâng chất nguồn nhân lực du lịch để hút khách đến Việt Nam - Ảnh 1.

Các nhân viên du lịch tư vấn cho khách hàng chọn tour hợp lý theo nhu cầu.

Tăng trưởng nóng nhưng nhân sự hụt hơi

Hơn nửa năm 2025, TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 9 triệu lượt khách quốc tế và tổng thu du lịch đạt 436.500 tỷ đồng, khẳng định vị thế là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp trong ngành nhà hàng, khách sạn, lữ hành, vận chuyển… bước vào mùa kinh doanh cao điểm từ tháng 7 đến cuối năm nhưng vấn đề nhân sự đang khiến các doanh nghiệp đau đầu và cũng là điểm nghẽn cho ngành du lịch phát triển.

Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia, ngành du lịch Việt Nam đang thiếu khoảng 30 - 40% lao động có kinh nghiệm so với nhu cầu thực tế. Trong đó, dù có tuyển được người nhưng phải đào tạo lại đang là tình trạng phổ biến. Đặc biệt, nhiều lao động trẻ bước vào ngành với khả năng giao tiếp kém, ngoại ngữ hạn chế, kỹ năng xử lý tình huống yếu và thiếu trải nghiệm thực tế phục vụ du khách quốc tế.

Nâng chất nguồn nhân lực du lịch để hút khách đến Việt Nam - Ảnh 2.

Ngành du lịch Việt Nam đang bước vào mùa cao điểm phục vụ nhưng vẫn thiếu nhân lực.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, du lịch là ngành "làm dâu trăm họ" nhưng kỹ năng chăm sóc khách hàng, xử lý khủng hoảng lại đang bị xem nhẹ hoặc gần như không được đào tạo bài bản. Ngành du lịch không thể phát triển hay nâng tầm một ngành dịch vụ chất lượng nếu thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, nhân lực phổ thông cho ngành còn thiếu hụt thì nhân sự chất lượng cao lại càng thiếu hụt hơn.

Theo các chuyên gia du lịch, nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng này xuất phát từ mô hình đào tạo còn thiên về lý thuyết, thiếu thực hành và thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp. PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhận định: Việt Nam hiện đang thiếu nguồn nhân lực có thể làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Phần lớn sinh viên ra trường đều phải đào tạo lại. Do đó, đã đến lúc công tác đào tạo cần bám sát thực tiễn thị trường, thay vì chỉ dựa vào giáo trình mang tính khuôn mẫu tại các cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng để lại khoảng trống lớn trong lực lượng lao động của ngành du lịch. TS Daisy Kanagasapapathy, Phó Chủ nhiệm bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam cho biết, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, nhiều chuyên gia có kinh nghiệm đã rời bỏ ngành và không quay trở lại. Dù ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, nhưng vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Nếu khoảng trống kỹ năng này không được nhanh chóng lấp đầy, chất lượng dịch vụ, trải nghiệm du khách và nỗ lực nâng tầm vị thế du lịch Việt Nam trên trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Xây dựng nền tảng dài hạn

Để giải bài toán thiếu hút nhân lực trong ngành du lịch, các chuyên gia du lịch cho rằng, trước tiên chúng ta phải thay đổi cách đào tạo theo hướng thực tiễn hóa. Các trường cần xây dựng chương trình "đặt hàng từ doanh nghiệp", tăng cường thời lượng thực hành và cập nhật nội dung sát với xu hướng toàn cầu.

Thực tế, tại Việt Nam đã có một số tập đoàn lớn như Sun Group, Saigontourist, Vinpearl… chủ động xây dựng học viện nội bộ, hoặc ký kết hợp tác chiến lược với các trường để đào tạo “nhân lực may đo”, nghĩa là các sinh viên được học theo đúng chương trình, đúng với nhu cầu công việc và sẵn sàng làm việc ngay khi ra trường mà không cần đào tạo lại.

Nâng chất nguồn nhân lực du lịch để hút khách đến Việt Nam - Ảnh 3.

Du khách đang đổ về các vùng biển khá đông và những vùng này cũng rơi vào tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.

Ông Phạm Anh Vũ, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Việt cho rằng, cần có những chính sách hỗ trợ đào tạo, khuyến khích người dân địa phương tham gia ngành du lịch tại chỗ. Điều này không chỉ giúp giải quyết thiếu hụt nhân sự tại chỗ mà còn tạo ra sự bền vững về nguồn cung lao động chất lượng cho từng vùng, miền. Thực tế, những nhân sự tại chỗ vừa giúp địa phương giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập cho người dân địa phương, vừa giúp ngành du lịch phát triển bền vững hơn.

TS Daisy Kanagasapapathy cho biết, ngành du lịch không thể kỳ vọng một bộ hay ngành đơn lẻ giải quyết bài toán nhân lực. Vì vậy, để giải bài toán nhân lực cho ngành du lịch cần một cách tiếp cận toàn diện, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cùng các địa phương, doanh nghiệp. Hiện nay, Việt Nam đang có những cải cách trong việc tinh gọn bộ máy Chính phủ, đồng thời kỳ vọng tinh thần cải cách này sẽ tiếp tục lan tỏa đến công tác phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch, biến thách thức hiện tại thành lợi thế cạnh tranh bền vững.

PGS.TS Phạm Trung Lương cũng cho biết, ngành du lịch cần quan tâm đến việc tái cấu trúc chương trình đào tạo. Nghĩa là ngành du lịch cần thoát khỏi tư duy dạy theo giáo trình cũ kỹ. Thay vào đó, hãy thiết kế các khóa học mô phỏng thực tế, từ vận hành khách sạn, quản lý tour đến kỹ năng quản trị khủng hoảng. Doanh nghiệp phải là đối tác thiết kế chương trình chứ không chỉ là nơi tiếp nhận thực tập sinh. Mặt khác, khi Việt Nam định vị mình là điểm đến toàn cầu cho du lịch và văn hóa, việc trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho lực lượng lao động trong ngành là điều tối quan trọng. Bên cạnh các kỹ năng cốt lõi như giao tiếp, ngoại ngữ, vận hành tour, các chuyên gia cho rằng ngành cần mở rộng đào tạo những mảng mới.

Nâng chất nguồn nhân lực du lịch để hút khách đến Việt Nam - Ảnh 4.

Các điểm đến mong muốn tận dụng nhân lực tại chỗ để tiết kiệm chi phí, đồng thời giúp ngành du lịch phát triển bền vững.

TS Justin Matthew Pang, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT Việt Nam cho rằng: "Chúng ta cần các chuyên ngành học mới như: Quản lý doanh thu, Quản lý tài sản, Quản lý sức khỏe, Quản lý hàng xa xỉ, thậm chí là Quản lý công viên giải trí. Những kỹ năng này vẫn phải được bổ trợ bởi các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản, để tạo nên sự toàn diện cho người học và có thể giúp người học làm được việc ngay khi ra trường".

Tuy nhiên, việc phát triển nhân lực không chỉ dừng lại ở khâu đào tạo. Điều quan trọng khác là doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận với nhân viên mới, xem họ là nguồn lực đầu tư dài hạn, chứ không chỉ là lao động thời vụ.

“Chúng tôi muốn các công ty trân trọng nhân viên mới, giúp họ thấy được triển vọng nghề nghiệp rõ ràng, bắt đầu từ mức lương tốt và cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đây cũng là yếu tố then chốt để giữ chân người lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người có nhiều lựa chọn trong thời đại số. Khi nhân lực được đào tạo tốt, được đánh giá đúng và nhìn thấy tương lai lâu dài, ngành du lịch Việt Nam sẽ không chỉ hút khách, mà còn giữ vững đà phát triển bền vững”, TS Pang cho biết thêm.

Theo Báo Tin tức và Dân tộc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×