Nâng cao kỹ năng làm du lịch cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số
29/09/2023 | 14:31
Lớp tập huấn “Quảng bá Di sản Văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn liền với phát triển du lịch" nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng, khai thác các giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số vào hoạt động du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường; tạo ra nhiều chương trình, sản phẩm mới, hấp dẫn và thu hút khách đến huyện Nam Đông trong thời gian tới.
Nam Đông là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây hội tụ những sắc màu văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể và văn hóa ẩm thực của các đồng bào dân tộc anh em: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… Qua đó, đã tạo nên cho mảnh đất này những giá trị lịch sử văn hóa vô cùng quý báu, đó là bảo tàng sống về kiến trúc, phong tục tập quán, các lễ hội, các ngành nghề, các món ăn truyền thống… Các giá trị này được đồng bào các dân tộc thiểu số gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Những sắc màu và hơi thở cuộc sống miền sơn cước của huyện vùng cao Nam Đông luôn có sức thu hút đối với các nhà nghiên cứu cũng như du khách thập phương. Thời gian qua, đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Đông. Trong đó, đã dành sự quan tâm đến quảng bá di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn liền với phát triển du lịch thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững.
Thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, ngày 28/9, tại xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông), Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Phòng VHTT huyện Nam Đông đã tổ chức lớp tập huấn du lịch “Quảng bá Di sản Văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn liền với phát triển du lịch" .
Lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng, khai thác các giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số vào hoạt động du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường; tạo ra nhiều chương trình, sản phẩm mới, hấp dẫn và thu hút khách đến huyện Nam Đông trong thời gian tới.
Tham gia lớp tập huấn gồm có 65 học viên là cán bộ văn hóa của các xã, thị trấn và đại diện các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Nam Đông.
Tại lớp tập huấn, các học viên đã được cung cấp, bổ sung thêm những kiến thức, những kỹ năng cơ bản như: Khái niệm du lịch văn hóa; khai thác các giá trị văn hóa của đồng dân tộc trong hoạt động du lịch; phương pháp xây dựng sản phẩm du lịch...
Các học viên tích cực tham gia các hoạt động tại lớp tập huấn.
Lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết, kế hoạch tổ chức lớp tập huấn được đơn vị phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Huế (Bộ VHTTDL) xây dựng từ trước. Thông qua lớp tập huấn lần này, đơn vị mong muốn sẽ giúp các học viên nâng cao kiến thức, kỹ năng về xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, qua lớp tập huấn hy vọng người dân khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên văn hóa trong hoạt động du lịch, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, hấp dẫn để thu hút khách tham quan; đồng thời, tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo bền vững và mang lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương trong thời gian đến.
Trao giấy chứng nhận cho các học viên hoàn thành lớp tập huấn du lịch.
Trước đó, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Phòng VHTT huyện Nam Đông cũng đã tổ chức bàn giao các trang thiết bị văn hóa như: sách, giá sách, nhạc cụ, đạo cụ… phục vụ các hoạt động truyền dạy, bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể cho các nhà văn hóa thôn, bản trên địa bàn huyện Nam Đông. Việc làm này sẽ giúp góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho các đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng.
Lê Chung