Nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí - truyền thông trong bối bối cảnh AI phát triển
23/05/2025 | 15:08Ngày 23/5, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển".
Dự Hội thảo có PGS,TS. Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS,TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; bà Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam.
Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền có PGS,TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo Học viện.

Hội thảo khoa học quốc tế "Báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển".
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình đánh giá cao việc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề có ý nghĩa thời sự, đúng vào thời điểm trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh mẽ và đặt ra nhiều vấn đề mới đối với lĩnh vực báo chí – truyền thông.
Hội thảo là dịp rất quan trọng, quý báu để các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, chuyên gia trong và ngoài nước có thể cùng trao đổi về cơ sở lý luận và thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm để đề xuất những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí - truyền thông trong bối cảnh tác động rất mạnh mẽ của AI.

Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình phát biểu - Ảnh: Sơn Hải
Theo Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình, sự phát triển mạnh mẽ của AI đang làm thay đổi sâu sắc cách thức con người tiếp cận, sản xuất và phân phối thông tin. AI mang đến tiềm năng to lớn trong việc tối ưu hóa quy trình làm báo, giúp các tòa soạn rút ngắn thời gian sản xuất tin bài, cá nhân hóa nội dung để phục vụ độc giả và nâng cao hiệu quả phân tích giữ liệu để từ đó nắm bắt xu hướng dư luận.
Tuy nhiên sự phát triển nhanh chóng của AI cũng mang đến những thách thức lớn về đạo đức báo chí, tính xác thực về thông tin, ngày càng gia tăng những hình thực thông tin sai lệch, tin giả và sự thao túng nhận thức.
"Sự xuất hiện ngày càng phổ biến của các nội dung do AI tạo ra mà không rõ nguồn gốc, thiếu sự kiểm chứng đang đặt ra những câu hỏi rất nghiêm túc về trách nhiệm của người làm báo, về vai trò của cơ quan quản lý và cả về nhận thức của công chúng trước những làn sóng thông tin mới", Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình bày tỏ.

Các đại biểu dự hội thảo - Ảnh: Sơn Hải
Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định báo chí là lực lượng quan trọng trong việc truyền tải thông tin chính thống, định hướng dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng vai trò của báo chí trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đồng thời cũng luôn tạo mọi điều kiện để báo chí phát triển, thích ứng với những thay đổi của công nghệ, môi trường truyền thông và nhu cầu thông tin của xã hội. Trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ báo chí, trong đó việc đào tạo nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cơ quan báo chí. Tuy vậy, cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, sự đầu tư không thể theo kịp sự phát triển rất nhanh chóng của công nghệ nói chung và tác động của công nghệ trong lĩnh vực báo chí - truyền thông nói riêng. Đặc biệt, là sự phát triển quá nhanh, đột phá của AI đối với báo chí, khiến cho các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn nghề nghiệp cũng như cơ chế quản lý báo chí truyền thông đã không còn bắt kịp thực tiễn.
Trước những biến động như vậy, chúng ta càng phải nâng cao việc quản lý báo chí - truyền thông phù hợp trong bối cảnh phát triển của AI. Theo đó, cần có cách tiếp cận tổng thế, đa ngành, hết sức sáng tạo, linh hoạt và kịp thời. Trong đó, cần có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan báo chí và đặc biệt là các cơ sở đào tạo - nơi góp phần hình thành các thế hệ nhà báo tương lai.
Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình nêu rõ, nhằm mục tiêu cho một hệ thống báo chí phát triển lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cần tập trung một số định hướng:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, đặc biệt là những quy định có liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Thứ hai, tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ cho các cơ quan báo chí trong việc ứng dụng công nghệ số và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.
Thứ ba, ưu tiên nâng cao năng lực số cho đội ngũ người làm báo, xây dựng những chương trình đào tạo lại, đào tạo chuyên sâu, tăng cường hợp tác với các cơ quan đào tạo, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ.

PGS,TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu - Ảnh: Sơn Hải
Phát biểu tại Hội thảo, PGS,TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những biến đổi sâu sắc, toàn diện trong mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí – truyền thông. Báo chí không thể đứng ngoài xu thế công nghệ, việc làm chủ AI phải được định hướng rõ ràng, nhất quán nhằm phục vụ hiệu quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trên tinh thần đó, PGS,TS. Dương Trung Ý đề nghị Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiến hành đánh giá toàn diện các vấn đề mà AI đặt ra đối với báo chí – truyền thông, từ đó đề xuất với Lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh các giải pháp chiến lược, bao gồm: cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo để trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng cần thiết về AI; đẩy mạnh nghiên cứu về tác động của AI đến hoạt động báo chí – truyền thông; nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên.

Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam Lee Byung Hwa Lee Byung Hwa phát biểu - Ảnh: Sơn Hải
Phát biểu của Giám đốc khu vực Châu Á, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam, ông Lee Byung Hwa nhấn mạnh, đây là một sự kiện mang tính biểu tượng thể hiện tình hữu nghị mà Học viện Báo chí và Tuyên truyền, KOICA và giới báo chí hai nước đã cùng nhau vun đắp trong suốt 10 năm qua.
Đặc biệt, chủ đề "Báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển" đã phản ánh một cách sắc nét dòng chảy của những thay đổi mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt hiện nay. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường báo chí và truyền thông. Phương thức sản xuất và truyền tải thông tin đang thay đổi một cách căn bản, từ đó đặt ra những thách thức mới đối với người làm báo cũng như các chuẩn mực đạo đức trong nghề báo.
Tại Hội thảo Báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển, các diễn giả uy tín từ Việt Nam và Hàn Quốc đã cùng thảo luận về các chủ đề như kiến tạo môi trường phát triển báo chí - truyền thông trong bối cảnh phát triển của công nghệ AI; sử dụng AI trong truyền thông cũng như những thay đổi trong tương lai; truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số; tận dụng sức mạnh của AI để thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên số; AI định hình lại ngành báo chí truyền thông; đồng nghiệp AI trong sản xuất báo chí, truyền hình; những ứng dụng mới nhất của AI trong lĩnh vực báo chí và truyền thông...