Nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH: Tạo sức lan tỏa từ những điển hình
01/10/2019 | 17:13Gần 20 năm kể từ khi ra đời, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) đã đi vào đời sống với nhiều tác động thiết thực, góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa mới tốt đẹp và đẩy lùi các tệ nạn xã hội...
Mô hình đám cưới tập thể ngày càng được nhân rộng.
Như một luồng gió mới dần tạo được hiệu ứng lan tỏa, đến nay đã trở thành một phong trào tổng hợp, gắn kết chặt chẽ các ngành, các lĩnh vực, được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tự nguyện thực hiện.
Nhân rộng các mô hình điểm
Tổng kết 10 năm thực hiện các tiêu chí văn hóa thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Bộ VHTTDL đánh giá, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong những năm qua luôn gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư. Trong đó, Phong trào TDĐKXDĐSVH là nhiệm vụ cốt lõi, 5 nội dung, 7 phong trào cùng với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã bao trùm, tác động đến mọi lĩnh vực, thành phần xã hội. Phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với xây dựng nông thôn mới được duy trì và phát triển mạnh ở nhiều cơ sở, với nhiều cách làm sáng tạo phù hợp với đặc thù của các địa phương, nhiều gương điển hình trong mọi lĩnh vực được suy tôn.
Từ chiếc nôi đầu tiên ở tỉnh Hưng Yên về gia đình văn hóa, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển sâu, rộng, thu hút trên 90% gia đình sinh sống ở nông thôn. Nhiều địa phương đã xây dựng các gương gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực, có thành tích xuất sắc để triển khai nhân rộng. Công tác xã hội hóa đã huy động các nguồn lực xã hội, phát huy hiệu quả từ trong dân. Người dân tự nguyện hiến đất, tạo thêm nguồn lực quan trọng để xây dựng nông thôn mới, đóng góp nhiều nghìn tỉ đồng để xây dựng các công trình của thôn, xóm, bao gồm các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn.
Đáng chú ý, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, những tập tục không còn phù hợp với xã hội hiện đại được loại bỏ dần. Nhiều địa phương đã hình thành những mô hình mới, trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm. Mô hình đám cưới tập thể cho các đôi nam nữ tại các khu công nghiệp dần được nhân rộng...
Hàng ngàn mô hình tiêu biểu, những cá nhân điển hình, tấm gương người tốt việc tốt... xuất hiện sau gần 2 thập kỷ đã minh chứng rõ nét cho sức sống của Phong trào. Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả thiết thực đã được triển khai. Đơn cử, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện mô hình "Chi hội Phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới". Từ các tiêu chí định hướng, nhiều tỉnh thành đã lựa chọn nội dung phù hợp với điều kiện đặc thù để xây dựng các mô hình như "Gia đình không khói thuốc", "Không tảo hôn và kết hôn cận huyết", "Không hủ tục, tập tục lạc hậu", "Không vi phạm an toàn giao thông", "Không sử dụng chất độc hại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm", "Sạch môi trường"...
Gắn kết thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH với xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, những năm qua, Hà Nội đã triển khai những cách làm riêng, phù hợp với bản sắc, phong tục tập quán của nhân dân trên từng địa bàn cụ thể. Tiêu biểu là mô hình "Tổ dân phố văn hóa" đã được BCĐ thành phố thống nhất triển khai rộng, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những mô hình văn hóa đã được các quận triển khai xây dựng trước đó như: Khu phố văn hóa, Khu tập thể văn hóa, Số nhà đông hộ văn hóa, Số nhà văn hóa, Cầu thang văn hóa... Nhằm tạo sức lan tỏa lớn hơn, Hà Nội đã xây dựng mô hình "Tổ dân phố văn hóa", thể hiện tính ưu việt, phù hợp với đặc điểm, tình hình và tính chất của từng địa bàn dân cư. BCĐ thành phố cũng chỉ đạo hoàn thiện các mô hình văn hóa đặc thù hiệu quả; không duy trì những mô hình mang nặng tính hình thức, kém hiệu quả.
Đẩy lùi thách thức
Phong trào TDĐKXDĐSVH cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Rõ nét nhất là sự phát triển kinh tế thị trường kéo theo hệ lụy, tác động đến đạo đức, lối sống; sự thờ ơ, vô cảm trước những nỗi đau, mất mát, hoàn cảnh khó khăn, khiến xã hội bức xúc...
Trong bối cảnh này, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa trong tình hình mới, đảm bảo hài hòa với phát triển kinh tế, xã hội đang được đặt ra cấp thiết. Ông Lương Đức Thắng, Phó Chánh Văn phòng thường trực BCĐTƯ Phong trào TDĐKXDĐSVH cho rằng, tạo sức lan tỏa từ những mô hình tiêu biểu, với những giá trị tốt đẹp sẽ là giải pháp quan trọng để phong trào phát triển thực chất, đi vào chiều sâu, góp phần đẩy lùi thách thức. Ông Thắng nhấn mạnh tính tự nguyện của cộng đồng cũng là một yếu tố quan trọng để mang lại hiệu quả thiết thực cho phong trào: "Chỉ khi tự thân mỗi người cảm nhận được những điều tốt đẹp mà phong trào đem lại và tự giác thực hiện thì khi đó, những mô hình văn hóa, những giá trị văn hóa tốt đẹp mới thực sự lan tỏa, thấm sâu vào đời sống".
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình tự quản góp phần xây dựng các tuyến phố văn minh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đại diện Ban điều hành khu phố 4 phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh, trước đây, khu phố 4 là địa bàn có nhiều thành phần khác nhau, vấn đề an ninh trật tự khá phức tạp. Thực hiện nhiều giải pháp, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, nhiều năm liền khu phố luôn giữ vững danh hiệu là khu phố văn hóa. Kể từ năm 2000, khu phố có nhiều mô hình sáng tạo mới, mang hiệu quả cao trong đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị như: mô hình thực hiện công tác tuyên truyền hiệu quả; mô hình camera an ninh, mô hình số điện thoại liền kề, mô hình "Ô khu vực tự quản an ninh trật tự- trật tự đô thị"; mô hình "15 phút mỗi tuần vì thành phố văn minh-sạch đẹp...
Chuyển biến từ những mô hình này được Ban điều hành khu phố 4 cho biết, tình hình mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đã giảm; người dân luôn chủ động trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản ở khu dân cư. Đặc biệt, các mô hình đã góp phần thay đổi ý thức của người dân trong việc ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện với môi trường và cộng đồng, gióp phần thực hiện tốt Phong trào TDĐKXDĐSVH tại khu dân cư./.